Yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, Chủ tịch tỉnh, thành phố tham gia giải trình

Ngày 25/1/2024, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, ngày 8/5/2023.

Nghị quyết này hướng dẫn Điều 37, Điều 43 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và các quy định của pháp luật có liên quan về việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội.

Nghị quyết thể hiện rõ nguyên tắc, phạm vi giải trình; tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình; nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình; trách nhiệm, quyền của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình; thực hiện kết luận vấn đề được giải trình; theo dõi, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Về nguyên tắc hoạt động giải trình được nhấn mạnh bảo đảm khách quan, minh bạch, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời. Phiên giải trình được tổ chức công khai, trừ trường hợp vấn đề được giải trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, bí mật kinh doanh được pháp luật bảo vệ hoặc trường hợp khác do Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội quyết định.

Người được yêu cầu giải trình là thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Việc lựa chọn người được yêu cầu giải trình đối với phiên giải trình cụ thể phải là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.

Người được yêu cầu tham gia giải trình là đại diện lãnh đạo bộ, ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cá nhân khác có liên quan đến thẩm quyền quản lý nhà nước hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.

Nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình có thể tử đề xuất vấn đề của thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; thông tin từ hoạt động dân nguyện của Quốc hội, từ kết quả giám sát, khảo sát; thông tin tổng hợp từ hoạt động tiếp xúc cử tri; thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội, báo cáo nghiên cứu, điều tra, đánh giá khoa học…

Nghị quyết nêu rõ, các phiên giải trình có kết luận và được thông qua tại phiên giải trình khi có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì tổ chức phiên giải trình biểu quyết tán thành. Kết luận vấn đề được giải trình phải có kiến nghị, yêu cầu cụ thể, rõ ràng, thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện kết luận, trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kết luận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, kết luận cũng được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, người được yêu cầu giải trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật theo quy định.

Phạm Diệp

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/yeu-cau-lanh-dao-cac-bo-nganh-chu-tich-tinh-thanh-pho-tham-gia-giai-trinh.html