Yên Bình (Yên Bái): Tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ

Ngày 5/12, tại xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã diễn ra Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ Vũ Đình Hòa, người đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu ác liệt với quân bành trướng, cách đây đã 44 năm, để bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Các đại biểu và bà con nhân dân dự Lễ truy điệu hài cốt liệt sỹ Vũ Đình Hòa.

Tháng 4/1975, khi vừa tròn 18 tuổi, trong khí thế sục sôi của cuộc cách mạng, đấu tranh, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, người thanh niên Vũ Đình Hòa đã xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tổng đội 60, Sư đoàn 336, và chỉ sau một thời gian ngắn tại ngũ, quân nhân Vũ Đình Hòa đã được cấp trên cử đi học lớp đào tạo Trung đội trưởng tại Đoàn 28, Sư đoàn 338. Đến tháng 8/1978, Sư đoàn 338 được nhận nhiệm vụ lên bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đóng quân tại khu vực thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Quảng Ninh. Đến tháng 11/1978, huyện Đình Lập được sáp nhập vào tỉnh Lạng Sơn. Thời gian này, quân nhân Vũ Đình Hòa được giao nhiệm vụ làm Trung đội trưởng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 461, Sư đoàn 338, Quân đoàn 14 thuộc Quân khu I và chốt giữ cao điểm 413, thuộc xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình.

Ngày 17/2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc đã nổ ra vô cùng tàn khốc, ác liệt, không cân sức về lực lượng giữa ta và địch. Theo Trung úy Nguyễn Văn Liêm, chiến sỹ thuộc sự chỉ huy của Trung đội trưởng Vũ Đình Hòa kể lại, trước tình thế quân địch đông gấp 3, 4 lần, trào lên tiến công, bộ đội ta chống trả quyết liệt, dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Vũ Đình Hòa, bộ đội ta đã đánh trả và bẻ lui nhiều đợt tiến công của địch, bảo vệ vững chắc cao điểm 413, thuộc xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Sau nhiều ngày cầm cự, giằng co ác liệt, sáng 28/02/1979, với lực lượng rất đông, quân địch liều lĩnh tiến công với chiến thuật “lấy thịt đè người”, hòng đòi chiếm lĩnh cao điểm mà quân ta đang chiếm giữ, và trong trận giao tranh vô cùng ác liệt và tàn khốc đó, Trung đội trưởng Vũ Đình Hòa đã anh dũng hy sinh trong vòng tay thương yêu của đồng đội.

Kể đến đây, giọng nói của Trung úy Nguyễn Văn Liêm trùng hẳn xuống, đôi mắt ngấn lệ, ẩn chứa nỗi buồn sâu thẳm, ông cho biết, trong trận đánh đó, còn có 27 đồng chí chiến đấu quả cảm và cũng đã anh dũng hy sinh cùng Trung đội trưởng dũng cảm của mình. Riêng Trung úy Nguyễn Văn Liêm trong trận chiến đấu đó, ông đã ném hết lựu đạn đựng trong 3 chiếc ba lô về phía địch, diệt và làm thương vong nhiều quân địch, được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, sau khi bị thương, ông được đưa về tuyến sau. Còn Trung đội trưởng Vũ Đình Hòa cùng 27 chiến sỹ đã hy sinh được động đội an táng tại nghĩa trang Nà Dừa, xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ông Nguyễn Văn Liêm nói như tâm sự, mình được tặng thưởng Huân chương chiến công nhưng đã là gì so với tấm gương chiến đấu quả cảm và chỉ huy chiến đấu bản lĩnh, sắc sảo và sự hy sinh anh dũng của Trung đội trưởng Vũ Đình Hòa và của đồng đội.

Lại nói về những đấng sinh thành liệt sỹ Vũ Đình Hòa, sau khi nhận được giấy báo tử số 89, ngày 30/5/1979 do Đại úy, Phó Chính ủy Trung đoàn 461, Sư đoàn 338 ký, ông Vũ Đình Tung và bà Nguyễn Thị Đến vô cùng đau đớn, vừa thương xót người con đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vừa đau đớn trong lòng khôn nguôi vì không biết con mình đang nằm nơi đâu, giữa vùng núi biên cương điệp trùng, lại đang diễn ra chiến tranh khốc liệt.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái viếng hương hồn liệt sỹ Vũ Đình Hòa.

Thời gian cứ thế trôi đi, nhưng nỗi lòng nhớ thương con và mong mỏi tìm được hài cốt của con ở vùng biên ải xa xôi vẫn khôn nguôi, không dập tắt hy vọng của ông, bà. Cách đây hơn 10 năm, cũng vì tuổi cao, sức yếu, cộng với mòn mỏi, đợi chờ, ngóng trông con, ông Vũ Đình Tung, người chồng của mẹ Nguyễn Thị Đến đã xa rời, vĩnh biệt mẹ, để về nơi vĩnh hằng. Trước khi nhắm, xuôi tay, ông để lại cho mẹ nỗi buồn, sự nuối tiếc, đau thương nhân đôi, cùng với di nguyện cuối cùng là hãy cố gắng đi tìm và mang được hài cốt của người con Vũ Đình Hòa về với quê hương, về với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì ông mới có thể nhắm mắt ở nơi suối vàng.

Chiến tranh qua đi, mọi sự đã dần trôi, chìm vào trong dĩ vãng. Với gần nửa thế kỷ đã qua, địa hình, vết tích của những nơi chiến trường xưa kia đã có nhiều sự thay, biến đổi, các nhân chứng lịch sử người còn, người mất, thông tin về nhau cũng bị thất lạc, việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ quy tập vào các nghĩa trang liệt sỹ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nỗi đau của người mẹ mất con khi tuổi mới ngoài 40, với bao lo toan, bươn trải lo toan cuộc sống gia đình, nay đã là một cụ già 90 tuổi mà vẫn luôn canh cánh, mòn mỏi trong lòng ngóng đợi tin con.

Gần nửa thế kỷ trôi qua là ngần ấy thời gian, người mẹ già của liệt sỹ Vũ Đình Hòa đêm đêm vẫn khóc thầm, gọi tên con, cùng với nỗi đau khôn nguôi. Những tưởng ước nguyện của mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Đến sẽ mãi mãi chỉ là ước nguyện, không bao giờ trở thành hiện thực, thì như có phép nhiệm màu, linh thiêng, đó là các ông Lê Hồng Quang, Mạch Xuân Nam, Nguyễn Văn Liêm và một số người khác là đồng đội cùng chiến đấu của liệt sỹ Vũ Đình Hòa, bằng cả tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm đồng đội đối với liệt sỹ và những người đang sống, đã dành nhiều công sức, tìm kiếm thông tin, thực hiện những công việc, trình tự thủ tục cần phải có, giám định, kiểm chứng, tìm được chính xác phần mộ liệt sỹ Vũ Đình Hòa, đang được an nghỉ tại nghĩa trang Nà Dừa, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, với sự thành kính, trông nom, hương khói, chăm sóc chu đáo phần mộ liệt sỹ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, bà con nhân dân nơi sở tại.

Trước những tâm tư tình cảm, ý nguyện của mẹ Nguyễn Thị Đến và ông Vũ Đình Công là em trai của liệt sỹ Vũ Đình Hòa, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, sự phối hợp, giúp đỡ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, các đồng đội của liệt sỹ Vũ Đình Hòa và Ban quản lý nghĩa trang Nà Dừa, huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn, sau một khoảng thời gian, vượt qua chặng đường hàng trăm km, từ vùng đất biên cương hùng vỹ, vào hồi 7h, ngày 4/12/2023 (ngày 22/10 năm Quý Mão), hài cốt liệt sỹ Vũ Đình Hòa đã được trở về quê hương, về với mẹ già đã 90 tuổi và người thân trong gia đình thôn Phai Thao, trong không khí trang nghiêm, thành kính, xúc động vô bờ của Đảng ủy, chính quyền, bà con nhân dân xã Bạch Hà, thôn Phai Thao đón nhận hài cốt liệt sỹ Vũ Đình Hòa.

Mẹ Nguyễn Thị Đến bên hài cốt liệt sỹ Vũ Đình Hòa.

Sáng 05/12/2023, Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ Vũ Đình Hòa đã được tổ chức trang trọng, trong sự xúc động, nhớ thương khôn nguôi của mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Đến và anh em, con cháu họ hàng, cùng với sự có mặt của đại diện lãnh đạo huyện, phòng, ban chuyên môn liên quan huyện Yên Bình, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, các đồng đội của liệt sỹ, đại diện lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cùng đông đảo bà con giáo dân và nhân dân các dân tộc trong xã, trong thôn Phai Thao xã Bạch Hà đến phúng viếng, tri ân và dự lễ truy điệu hài cốt liệt sỹ Vũ Đình Hòa.

Hài cốt liệt sỹ Vũ Đình Hòa được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Bạch Hà. Có thể khẳng định, công tác tìm kiếm, đưa đón hài cốt liệt sỹ trở về với quê hương, về với người thân là một việc làm thể hiện đậm nét, chân thực và sinh động, mang tính nhân văn sâu sắc, là một việc làm tình nghĩa cao cả, vừa có tác dụng truyền cảm mạnh mẽ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, vừa mang tính giáo dục tư tưởng chính trị sâu sắc đối với các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ, giữ vững truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đời đời biết ơn các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc của nhân dân.

Ông Bùi Xuân Quý - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bạch Hà cho biết: “Xã Bạch Hà là một xã thuần nông, dân số 4.399 với 1.025 hộ; dân tộc thiểu số chiếm 65,6%, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao và Cao Lan. Xã còn 7,15% hộ nghèo và cận nghèo. Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã đã và đang ra sức miệt mài phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hoàn thành các chỉ tiêu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023, không có người mắc các tệ nạn xã hội.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, xã Bạch Hà đã có rất nhiều thanh niên lên đường nhập ngũ và đã có 29 người hy sinh, cống hiến tuổi xuân cho độc lập, tự do thống nhất đất nước, 8 thương binh đã để lại một phần thân thể, xương máu trên các chiến trường và cũng có những người đang phải chịu những nỗi đau của chất độc hóa học chiến tranh, là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Dù xã còn những khó khăn nhất định, nhưng các đối tượng chính sách, người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình, thân nhân liệt sỹ luôn nhận được sự chăm lo, thăm hỏi, động viên của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và bà con nhân dân trong xã và cộng đồng dân cư”.

Trong làn khói hương trầm đang lan tỏa với mùi thơm thoảng nhẹ, linh thiêng, mẹ Nguyễn Thị Đến như thoáng nhìn thấy người con trai thương yêu với nụ cười tỏa sáng và giọng nói thiết tha: Con đã được trở về trong vòng tay của Mẹ!

Ngọc Giang Sơn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/yen-binh-yen-bai-to-chuc-le-don-nhan-truy-dieu-va-an-tang-hai-cot-liet-sy-366007.html