Yên bình dinh Thầy Thím

Từ lâu Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia dinh Thầy Thím đã là một trong những điểm tham quan du lịch, tín ngưỡng nổi tiếng trên cả nước. Du khách đến với dinh Thầy Thím không chỉ tìm được sự bình an, thư thái nơi tâm hồn bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp như 'tranh vẽ' mà còn cảm thấy gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống.

Năm 2022, Lễ hội Văn hóa – du lịch dinh Thầy Thím được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia khiến nhân dân địa phương vô cùng tự hào. Ai ai cũng vui mừng phấn khởi trước vẻ khang trang, sạch đẹp của dinh sau nhiều lần được nâng cấp, chỉnh trang và tôn tạo.

Bà Nguyễn Thị Nga – phường Tân An, thị xã La Gi phấn khởi chia sẻ: “Là một người dân địa phương, tôi vô cùng tự hào khi thị xã La Gi mình có một điểm tham quan tín ngưỡng có nhiều cảnh sắc đẹp tuyệt vời đến như vậy, đến với dinh tôi thấy tâm hồn vô cùng yên bình và dễ chịu”.

Đến với dinh Thầy Thím, du khách không những được hòa mình vào không gian trong lành, được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên xanh biếc của núi rừng, được tìm hiểu kiến trúc dinh, sự tích về 2 vị “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần” mà còn được gửi gắm những mong ước, niềm tin… của bản thân và gia đình vào chốn linh thiêng.

Ông Phan Công Nhớ - du khách TP. HCM bày tỏ: “Nói về tâm linh thì mỗi người không ai giống ai, tuy nhiên tôi và gia đình rất tin về sự linh thiêng của Thầy Thím. Do đó, chúng tôi thường xuyên đến dinh để cầu mong sức khỏe, bình an, những điều tốt đẹp cho gia đình”.

Sau khi những mong ước thầm kín được toại nguyện, rất đông du khách thập phương đã trở lại dinh để tạ ơn Thầy Thím, mong muốn được đóng góp một phần công sức trong việc trùng tu, chỉnh trang di tích ngày thêm khang trang hơn.

Ông Nguyễn Văn Hai – Trưởng Ban quản lý Di tích Lịch sử - Văn hóa dinh Thầy Thím cho biết: “Hàng năm, dinh Thầy Thím không những đón rất đông du khách vào dịp lễ hội, mà vào dịp lễ xuân, du khách đến tạ lễ Thầy Thím cũng khá đông, do đó Ban quản lý cũng đã chuẩn bị về nhiều mặt để đón tiếp du khách một cách chu đáo nhất”.

Sau mỗi lần thăm viếng, dâng hương, tưởng nhớ công đức Thầy Thím tại dinh, du khách lại tiếp tục theo hành trình di chuyển về khu vực mộ Thầy Thím tại khu rừng Bàu Thông.

Hàng năm, ngoài lễ hội truyền thống VH-DL dinh Thầy Thím diễn ra vào dịp rằm tháng 9 âm lịch, thì lễ tảo mộ Thầy Thím diễn ra vào dịp mùng 5 tháng giêng âm lịch thu hút rất đông người dân địa phương và du khách.

Năm nay, ngay từ những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, tại khu vực mộ Thầy Thím, Ban quản lý Di tích – Lịch sử dinh Thầy Thím cũng tổ chức các nghi thức truyền thống của Lễ tảo mộ Thầy Thím. Rất đông người dân địa phương và du khách thập phương đến tham gia các nghi thức lễ và viếng mộ. Thắp lên mộ Thầy Thím những nén nhang thơm không chỉ thể hiện lòng tôn kính, tin tưởng vào sự linh thiêng của Thầy Thím, cầu nguyện những điều may mắn, bình an, công việc làm ăn thuận lợi, tốt đẹp… mà qua đây còn khẳng định truyền thống văn hóa tốt đẹp biểu trưng cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, góp phần giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức cho mọi thế hệ, giúp con người ngày càng hướng đến chân – thiện – mỹ, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục đã có từ ngàn đời của dân tộc.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/yen-binh-dinh-thay-thim-117338.html