Yên Bái phát triển đàn vật nuôi đặc sản

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã từng bước đưa các giống vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi. Qua đó, ngày càng có nhiều sản phẩm hàng hóa đặc sản được cung cấp ra thị trường, từng bước nâng cao giá trị ngành chăn nuôi và thu nhập của người nông dân.

Lãnh đạo xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi gà Mông bản địa của gia đình chị Nguyễn Thị Mến, thôn Yên Thành.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường, từ nhiều năm nay, gia đình anh Tống Vân Anh, thôn Sơn Thượng, xã Mai Sơn, huyện Lục Yên đã đầu tư xây dựng chuồng trại để mở rộng quy mô nuôi gà trống thiến, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Anh Tống Vân Anh cho biết: "So với các giống gà thịt thông thường, gà trống thiến có giá bán cao hơn cũng như được thị trường ưa chuộng, nhất là dịp lễ, tết mỗi năm. Hiện nay, bình quân mỗi năm, gia đình tôi cung cấp ra thị trường khoảng 17.000 con với giá dao động từ 150 - 160 nghìn đồng/kg”.

Cũng phát triển kinh tế từ chăn nuôi đặc sản địa phương nhưng gia đình anh Âu Văn Hiên, thôn Sơn Bắc, lại lựa chọn nuôi cá bỗng, một loại cá có giá trị cao, chỉ có ở vùng đất Ngọc.

"Tận dụng nguồn nước sạch đầu nguồn, gia đình tôi đã đào ao, nuôi thả cá bỗng. Đến nay, gia đình có 2 ao nuôi thả với tổng diện tích 130 m2, trong đó có những con đạt trọng lượng khoảng 10 kg, còn lại đa phần từ 2 - 4 kg, bán ra thị trường với giá dao động từ 300 - 400 nghìn đồng/kg”.

Theo ông Âu Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, cá bỗng và gà trống thiến là 2 sản vật có tiếng của huyện Lục Yên, được thị trường ưa chuộng. Từ đó, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn đầu tư chăn nuôi để phát triển kinh tế. Đến nay, tổng đàn gia cầm toàn xã đạt trên 5.100 con, trong đó có 56 hộ nuôi gà trống thiến, 28 hộ nuôi cá bỗng theo hướng hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Được biết, sau gần 3 năm triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, huyện Lục Yên đã đã xây dựng được hàng trăm mô hình chăn nuôi hàng hóa, trong đó có nhiều mô hình lựa chọn các giống đặc sản địa phương, mang lại giá trị cao như: cá bỗng, gà trống thiến, vịt bầu Lâm Thượng, lợn rừng, gà Mông...

Cùng với Lục Yên, hiện nay, các địa phương khác cũng đang tập trung xây dựng và phát triển các mô hình chăn nuôi đặc sản, nhằm mang lại giá trị, thu nhập cao cho người nông dân. Ghi nhận tại huyện Văn Chấn, với hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định nên nhiều người dân lựa chọn nuôi ba ba gai, nhất là tại xã Cát Thịnh, thị trấn Nông trường Trần Phú...

Đến nay, sản phẩm ba ba gai của huyện Văn Chấn đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý ba ba gai Văn Chấn với giá 1 cặp ba ba bố mẹ dao động trong khoảng 600.000 - 650.000 đồng/kg, ba ba thương phẩm có giá 450.000 - 500.000 đồng/kg, ba ba con mới nở có giá 100.000 - 110.000 đồng/con.

Bên cạnh đó, phát huy lợi thế địa phương về khí đậu, địa hình, huyện Văn Chấn tập trung định hướng, hỗ trợ vốn, kiến thức, kỹ thuật để người dân phát triển chăn nuôi gắn với các giống đặc sản, mang lại giá trị cao như: dê, lợn đen, gà Mông bản địa, dê, dúi, nhím....

Hay tại huyện Văn Yên, cùng với các mô hình chăn nuôi đặc sản, hiện nay một số xã vùng cao đã tận dụng nguồn nước, khí hậu để phát triển nghề nuôi cá tầm, mang lại thu nhập cao. Hiện nay, ngoài các mô hình nuôi cá tầm tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên đang triển khai xây dựng 2 dự án liên kết theo chuỗi giá trị cá tầm thương phẩm tại xã Phong Dụ Thượng và xã Đại Sơn.

Theo đánh giá của các hộ chăn nuôi, các vật nuôi đặc sản bản địa có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều điều kiện sống. Việc phát triển con vật nuôi đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần những loại con vật nuôi khác.

Tuy nhiên, nếu phát triển mô hình nuôi con đặc sản tự phát, không có liên kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm thì hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ. Chính vì vậy, để nhân rộng mô hình, phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, ngành nông nghiệp và các địa phương đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi phù hợp với điều kiện, không chạy theo phong trào, tự phát; đồng thời, hướng dẫn các hộ cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, bảo đảm vệ sinh môi trường; khuyến khích người chăn nuôi chủ động liên kết với các đơn vị để được chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, tìm đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng...

Đến nay, nhiều giống chăn nuôi đặc sản trên địa bàn tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết, sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi cũng như thu nhập cho người nông dân như: cá bống Thác Bà chiên, thịt trâu hun khói Mường Lò, cá tầm Nà Hẩu...

Hùng Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/303624/yen-bai-phat-trien-dan-vat-nuoi-dac-san.aspx