Yên Bái phấn đấu ổn định, bền vững, đủ năng lực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi

Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh xác định mục tiêu phát triển NHCSXH tỉnh theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn và các nhiệm vụ được cấp trên giao, phát huy vai trò tích cực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo việc làm, an sinh xã hội của địa phương…

Mô hình nuôi bò của đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH.

Mô hình nuôi bò của đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH.

Những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) xã hội do NHCSXH thực hiện đã góp phần đắc lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn TDCS trên địa bàn tỉnh đạt 4.179 tỷ đồng, tăng 579,6 tỷ đồng so với năm 2021; tổng dư nợ các chương trình TDCS 4.172,4 tỷ đồng với 82.286 hộ đang vay vốn; trong đó, riêng dư nợ chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 56,1% tổng dư nợ.

Vốn TDCS đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 3%-4%.

>> Ngân hàng Chính sách xã hội Yên Bái tiếp sức cho người xuất khẩu lao động

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và khu vực được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc sớm và tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, lao động, đời sống của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách. Vì vậy, hoạt động của NHCSXH sẽ phải thích ứng với một số thách thức sâu hơn, đặc biệt thách thức về nguồn lực tài chính cho mở rộng chức năng và chất lượng hoạt động.

Thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phát triển NHCSXH tỉnh theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, phát huy vai trò tích cực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo việc làm, an sinh xã hội của địa phương.

Cùng đó, Kế hoạch này còn nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý TDCS đặc thù của NHCSXH. Tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình TDCS trên địa bàn.

Thực hiện tốt các chương trình TDCS xã hội và các chương trình tín dụng đặc thù theo điều kiện thực tế tại địa phương; đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ.

>> Yên Bình trên 15.000 khách hàng được vay vốn tín dụng ưu đãi

Hàng năm, ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm 15% đến 20% tăng trưởng dư nợ chung của NHCSXH. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ Chi nhánh NHCSXH tỉnh có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có đầy đủ kỹ năng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động TDCS xã hội; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số; triển khai kịp thời các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành đối với TDCS xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định liên quan nhằm thực hiện hiệu quả TDCS xã hội; tập trung huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS xã hội; triển khai thực hiện tốt các chương trình TDCS xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý TDCS đặc thù; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao năng lực quản lý và xử lý nợ rủi ro; tăng cường và nâng cao hiệu quả truyền thông; rà soát, đơn giản hóa thủ tục giải quyết công việc trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCS xã hội đến nhân dân; trong đó, chú trọng truyền thông đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần gia tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/286706/yen-bai-phan-dau-on-dinh-ben-vung-du-nang-luc-thuc-hien-cac-chinh-sach-tin-dung-uu-dai.aspx