Yên Bái - điểm sáng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia- Bài 3: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn

'Yên Bái đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, với nhiều cách làm sáng tạo, chủ động phối hợp, phân cấp chặt chẽ, ưu tiên bố trí nguồn vốn, lồng ghép nguồn lực thực hiện. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cách làm hay triển khai hỗ trợ nhà ở; lồng ghép các nguồn lực đầu tư, phát triển giáo dục', Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thăm hỏi, động viên các hộ nghèo tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải

Nỗ lực từ cơ sở

Trạm Tấu là một trong những xã khó khăn nhất của huyện vùng cao Trạm Tấu. Địa hình đồi núi, độ dốc lớn. Xã có tổng diện tích tự nhiên 3.111,3 ha. Toàn xã có 4 thôn bản, 8 cụm dân cư sinh sống với 523 hộ, 2.990 khẩu, 99% là đồng bào Mông chiếm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 37,28%.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), những năm qua, xã đã được đầu tư cơ sở hạ tầng "điện, đường, trường, trạm", các công trình thủy lợi, nhà văn hóa khang trang. Các dự án, tiểu dự án hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, hỗ trợ cây giống, vật nuôi, tạo việc làm tại chỗ, đã góp phần từng bước giảm hộ nghèo.

Ông Tráng A Hồ – Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu cho biết: Để triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn, xã đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, đồng thời thành lập các Ban phát triển, Ban giám sát cộng đồng. Thời gian qua, trên địa bàn xã có 15 công trình thuộc các Chương trình MTQG do huyện làm chủ đầu tư với tổng kinh phí thực hiện trên 136 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn thực hiện các dự án từ các chương trình do xã làm chủ đầu tư là trên 3,4 tỷ đồng.

"Việc đẩy mạnh phân cấp, nhất là cấp cơ sở đã nâng cao tính chủ động, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện chương trình tại địa phương. Các dự án được triển khai tại xã cơ bản sát với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Tráng A Hồ khẳng định.

Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình tại địa phương cũng gặp những khó khăn do điều kiện phát triển hạ tầng cơ sở còn hạn chế; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất nông nghiệp còn chậm, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được hết vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới… Những khó khăn này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với tỉnh Yên Bái về kết quả thực hiện các Chương trình MTQG

Không chỉ với vùng cao Trạm Tấu, việc thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ cũng đã góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao đời sống, vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống ở khu vực nông thôn. Người dân được hỗ trợ phát triển chăn nuôi, được cùng tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Để thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG, thị xã cũng đẩy mạnh việc phân cấp đến cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình ở địa phương.

"Trong công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình cần có sự thống nhất cao. Yêu cầu các địa phương rà soát kỹ các đối tượng thực hiện, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu địa phương nào không có đối tượng đăng ký thực hiện, thị xã sẽ tổ chức kiểm tra, thẩm định lại và yêu cầu ký cam kết, trực tiếp đồng chí chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm nếu để sai hoặc sót đối tượng thụ hưởng”, bà Đỗ Thị Thanh Nga – Chủ tịch UBND thị xã cho biết.

Quan tâm tháo gỡ khó khăn

Ông Trần Thanh Chương – Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Yên Bái cho biết: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc thực hiện các Chương trình MTQG.

Về kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái được giao trên 5.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển gần 3.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến huy động các nguồn vốn khác để lồng ghép, thực hiện các chương trình MTQG là 18.745 tỷ đồng. Kế hoạch vốn hằng năm đã giao (từ năm 2021 đến năm 2023) là 2.290 tỷ đồng.

Đến nay, các chương trình MTQG đã đạt kết quả tích cực. Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; bảo tồn bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc; vấn đề nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng; chất lượng cuộc sống được cải thiện; hệ thống lưới điện được đầu tư; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; học sinh đến trường đúng độ tuổi; an ninh trật tự được giữ vững.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt kết quả nổi bật, góp phần bảo đảm mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 5 - 6%/năm, đạt kế hoạch Trung ương giao.

Trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Yên Bái tiếp tục là điểm sáng xây dựng NTM của vùng Tây Bắc với 106 xã đạt chuẩn NTM, đạt 116% mục tiêu Trung ương giao; 36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 100% mục tiêu Trung ương và 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 100% mục tiêu Trung ương giao; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt 88,9% mục tiêu của Trung ương.

Kết quả là đáng ghi nhận , song qua thực tế triển khai các chương trình MTQG vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến chuyển đổi rừng tự nhiên hoặc liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; khó khăn về chỉ tiêu tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử vì chưa được hướng dẫn cụ thể. Việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai giữa các hộ rất khó thực hiện. Về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, không có đối tượng đủ điều kiện để hưởng hỗ trợ theo quy định.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn bất cập về đối tượng hỗ trợ của các dự án, tiểu dự án thành phần phát triển giáo dục nghề nghiệp, vì sau khi sáp nhập, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, do đó, các đơn vị này không thuộc diện được hỗ trợ đầu tư từ các chương trình MTQG.

"Yên Bái kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm sớm ban hành Sổ tay chung hướng dẫn thực hiện cho cả 3 Chương trình MTQG theo từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.

Tỉnh cũng mong muốn các bộ, ngành Trung ương sớm đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến từng nội dung cụ thể về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, có hướng dẫn cụ thể đối với từng nội dung "dược liệu quý” và "Trung tâm nhân giống”; bổ sung đối tượng "Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên”, tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề; tiêu chí quy định, xác định "người lao động có thu nhập thấp”; ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, theo hướng điều chỉnh các chỉ tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương”, ông Chương nêu ý kiến.

Cùng chung quan điểm với ông Chương, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn - Đặng Duy Hiển chia sẻ: "Việc triển khai các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất đối với vùng đặc biệt khó khăn khó thực hiện do áp dụng nhiều tiêu chí, điều kiện, chính sách mới. Một số nội dung có văn bản hướng dẫn nhưng chưa rõ ràng hoặc chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương. Các dự án đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải dẫn đến số lượng hồ sơ, thủ tục phải triển khai lớn, trong khi đó năng lực của đội ngũ cán bộ ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”.

Qua kiểm tra thực tế việc triển khai thực hiện các Chương trình MTTQ tại huyện Trạm Tấu và làm việc với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao Yên Bái đã cụ thể hóa các văn bản của Trung ương trong thực hiện các Chương trình thành các chỉ đạo cụ thể sát với thực tế của tỉnh. Tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo và chủ động bố trí các nguồn kinh phí để thực hiện các mục tiêu của Chương trình nên nhiều mục tiêu đã về đích sớm, trở thành điểm sáng của cả nước trong thực hiện các Chương trình MTTQ.

Cụ thể, Yên Bái đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm nhà ở cho hộ nghèo; mức hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo cao hơn mức hỗ trợ của Trung ương 10 triệu đồng đối với hộ làm nhà mới, 5 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà. Đối với hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, Yên Bái hỗ trợ cao hơn 20 triệu đồng đối với hộ làm nhà mới và 10 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà. Nguồn vốn hỗ trợ được tỉnh lồng ghép từ nhiều nguồn lực và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đối với Chương trình xây dựng NTM, Yên Bái đã ban hành tiêu chí riêng về thôn, bản NTM, khuyến khích xây dựng NTM từ thôn, bản để nhân rộng; xây dựng các xã NTM nổi trội theo từng lĩnh vực như: môi trường, giáo dục, phát triển kinh tế hay làm đường giao thông. Cùng với đó, Yên Bái tập trung hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, làm đường giao thông, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

"Yên Bái cũng như nhiều địa phương khác vẫn còn những khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Tôi đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo để thực hiện tốt các mục tiêu theo các Chương trình MTQG, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết.

Xác định triển khai các Chương trình MTQG là việc khó, nhưng với quyết tâm cao và để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện các Chương trình. Yêu cầu các sở, ngành bố trí thời gian và nhân lực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai và phản ánh khó khăn, vướng mắc phát sinh của cơ sở để tháo gỡ kịp thời.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trần Xuân Thủy cho biết: Yên Bái tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn, vùng DTTS đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào DTTS đồng bộ; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Kết quả các Chương trình MTQG đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn và cách làm phù hợp của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Thành công của Chương trình sẽ tạo đột phá lớn để Yên Bái hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/317181/yen-bai---diem-sang-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia--bai-3-quyet-tam-cao-no-luc-lon.aspx