Yên Bái: Đánh giá kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Ngày 17/4, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị để đánh giá kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nêu rõ: Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Đặc biệt là việc triển khai các mô hình, các dự án góp phần hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân được tiếp cận nhiều chính sách, nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho người dân. Ngoài ra, tạo được nhiều việc làm mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng, Yên Bái tiếp tục là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới.

Ông Đỗ Đức Duy – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Sau 3 năm triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 69/NQ-HĐND và Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Yên Bái, với nhiều chính sách có sự đổi mới, thay đổi căn bản trong cách tiếp cận nhất là hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, được thực hiện một cách khẩn trương, sâu rộng bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai quyết liệt, bảo đảm theo lộ trình kế hoạch Trung ương giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư giai đoạn 2021-2023 đạt trên 99,4% kế hoạch, đứng thứ 4 cả nước và xếp thứ nhất trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trong đó, vốn đầu tư phát triển giải ngân 1.447.977 triệu đồng bằng 99,4% kế hoạch; vốn sự nghiệp giải ngân đạt 369.963 triệu đồng, bằng 42%, cao hơn bình quân chung cảnước (bình quân cả nước là 36,3%).

Về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 12,14%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số so với tổng số hộ dân tộc thiểu số, cuối năm 2023 giảm xuống còn 16,4%, đạt 141% kế hoạch tỉnh; 17/28 xã ra thoát khỏi đặc biệt khó khăn, đạt 60,07% so với mục tiêu trung ương giao, đạt 57,62% so với mục tiêu Chương trình; số thôn thoát khỏi đặc biệt khó khăn là 25/27 thôn (thuộc xã khu vực I, II đạt chuẩn nông thôn mới), đạt 92,5% so với mục tiêu Trung ương giao và đạt 90,9% so với mục tiêu chương trình.

Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; 95,5% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 97,6% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp đạt 97,6/99% mục tiêu Chương trình; 94% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5/90% mục tiêu Chương trình (vượt 3,5%); 99,4% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; 96,8% thôn có nhà văn hóa; có 13/59 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Về giảm nghèo bền vững, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Yên Bái còn 9,16%, giảm 8,91% so với cuối năm 2021, bình quân giảm 4,45%/năm, đạt 135% so với mục tiêu của tỉnh và đạt 148% so với mục tiêu trung ương giao. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 9,16%, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 20.222 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,54%, đạt 126% kế hoạch, tỷ lệ hộ cận nghèo cuối năm còn 3,92%, tổng số hộ cận nghèo hiện còn 8.658 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,81% so với cuối năm 2022.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số so với tổng số hộ dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2023 giảm còn 16,4%, đạt 141% kế hoạch của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái giảm 3,76% so với năm 2022, đạt 107% kế hoạch. Đến hết năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 13,08%, đứng thứ 11/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Từ đầu Chương trình đến hết năm 2023 toàn tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.176 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, kinh phí hỗ trợ 135,9 tỷ đồng; 1.135.600 lượt đối tượng là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số trong vùng khó khăn, người dân trong vùng đặc biệt khó khăn, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi được hỗ trợ bảo hiểm y tế; 95.171 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện cho với tổng số kinh phí hỗ trợ 61,6 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Yên Bái luôn là tỉnh giữ vững vị trí dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về xây dựng Nông thôn mới. Toàn tỉnh có 106/150 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, bằng 70,7% tổng số xã toàn tỉnh, bằng 90,6% mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025, trong đó có 36 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; 4/9 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 88 xã/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 58,66%; còn 03 xã từ 3-5 tiêu chí, chiếm 2,0%.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, hành động quyết liệt của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tỉnh, các ban, sở, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 trong thời gian qua đã tạo tiền đề quan trọng, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh. Việc triển khai thực hiện bài bản, chất lượng, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025, đã có góp phần tích cực, sự thay đổi toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái, là tiền đề để tỉnh tiếp tục nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”. Đồng thời định hướng một số vấn đề có tính chất trọng tâm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các ban, sở ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp; nhận thức, hành động của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tham gia thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đánh giá những kết quả nổi bật đã đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm… sau 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản… để đại biểu tham dự hội nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận, làm rõ và sâu sắc thêm, nhất là việc thí điểm phân cấp cho 2 địa phương cấp huyện là Văn Chấn, Văn Yên thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đề xuất và có những ý kiến, kiến nghị với Trung ương, với tỉnh để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kết luận Hội nghị.

Kết luận hội nghị, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, rõ ràng các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy. Tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế; thường xuyên rà soát điều chỉnh, bổ sung các chính sách, chương trình, kế hoạch, cho phù hợp với điều kiện của địa phương, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, sâu rộng các cơ chế, chích sách hỗ trợ phát triển sản xuất của trung ương và của tỉnh; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp, tổ chức, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và của tỉnh bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025.

Ngọc Giang Sơn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/yen-bai-da-nh-gia-ket-qua-trien-khai-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-va-chinh-sach-ho-tro-san-xuat-nong-lam-nghiep-thuy-san-373749.html