Y tế thôn, ấp cũng phải vào cuộc

Chiều 24-11, chủ trì cuộc họp với ngành y tế và các đơn vị liên quan bàn giải pháp khẩn trương đối phó với sự lây lan nhanh của virus Zika khi trường hợp thứ hai, tại huyện Tân Thành, được xác định dương tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đặng Minh Thông yêu cầu ngành y tế và chính quyền các địa phương phải chủ động khống chế, không để dịch lây lan. Đặc biệt, lực lượng y tế thôn, ấp phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Chủ động khống chế vùng dịch

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi bệnh nhân nam 19 tuổi, trú tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, được xác định dương tính với virus Zika vào đầu tháng 11 vừa qua thì chỉ ít ngày sau, xét nghiệm dịch tễ của chị gái bệnh nhân này cũng cho kết quả dương tính. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống và ngăn ngừa sự lây lan của virus nguy hiểm này.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Minh An cho biết, ngay sau khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên, ngành y tế địa phương đã chủ động khoanh vùng khu vực người bệnh sinh sống, tổ chức phun xịt và bắt muỗi. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch trong bán kính 250 m quanh khu vực nhà người bệnh, với số lượng khoảng 350 hộ dân. Đồng thời, hơn 30 người nước ngoài đang sinh sống quanh khu vực người bệnh sinh sống sẽ được theo dõi trong thời gian tới.

Bác sĩ Phan Chánh Phú, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Thành, cho biết: Chúng tôi đã yêu cầu lực lượng y tế thôn, ấp, các cộng tác viên tới từng hộ dân để tuyên truyền và hướng dẫn người dân tổ chức diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường và chủ động theo dõi sức khỏe bản thân.

Tuy nhiên, do nằm sát TP Hồ Chí Minh, địa phương có số ca nhiễm virus Zika lớn nhất và liên tục tăng trong những ngày gần đây, Bà Rịa-Vũng Tàu khó tránh khỏi nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng nếu không có những giải pháp quyết liệt. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Hà Văn Thanh cho biết: Ngoài việc chủ động khống chế, phòng chống dịch trong bán kính 250 m quanh khu vực nhà người bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng còn tổ chức theo dõi, giám sát sức khỏe của khách du lịch, nhất là du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, tại các điểm du lịch có đông du khách, như các bãi tắm tại TP Vũng Tàu, khu vực Long Hải, Hồ Tràm-Hồ Cốc, các chuyến bay đến và rời Côn Đảo. Tăng cường cán bộ của Khoa kiểm dịch y tế biên giới tại các cảng biển, nhằm kiểm soát chặt khoảng gần 1.000 thuyền viên đến Bà Rịa-Vũng Tàu mỗi tháng.

Ông Thanh cũng cho biết: Dù mới ghi nhận hai trường hợp nhiễm virus Zika, tuy nhiên, do virus lây truyền qua muỗi nên nguy cơ bùng phát dịch rất cao, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh được xem là khá phức tạp.

Chủ động các phương án đối phó

Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Đặng Minh Thông yêu cầu ngành y tế, bên cạnh việc chủ động khống chế dịch, cần xây dựng chi tiết kế hoạch đối phó theo từng cấp độ dịch, không để bị động. Đặc biệt, cần có kế hoạch sẵn sàng đối phó khi dịch bùng phát trên diện rộng.

Qua tìm hiểu, các bệnh viện tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều đã hoàn thành kế hoạch xây dựng phương án tiếp nhận, cấp cứu và điều trị khi phát hiện có bệnh nhân nhiễm virus Zika; bố trí buồng khám sàng lọc và khu vực cách ly theo phân tuyến để cấp cứu, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, cho biết: Bệnh viện đã bố trí tại Khoa Nhiễm với khoảng 20 giường bệnh làm khu vực cách ly bệnh nhân bị nhiễm virus Zika. Trong trường hợp người bệnh vượt quá số lượng 20 người, bệnh viện sẽ bố trí thêm 20 giường bệnh ở khu tầng 3 của Khoa Nhiễm. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư nhằm phục vụ việc tiếp nhận, điều trị.

Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu, cũng bố trí khu vực cách ly tại khu dịch vụ 1 điều trị theo yêu cầu với 10 phòng (20 giường bệnh). Theo bác sĩ Trần Văn Bảy, Giám đốc bệnh viện, trong trường hợp số người bệnh vượt quá số lượng sẽ bố trí thêm 10 phòng (20 giường bệnh) tại khu dịch vụ 2.

Bên cạnh đó, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cũng tổ chức khám sàng lọc cho những bà mẹ mang thai và tư vấn dấu hiệu bệnh, cách phòng chống vius Zika, khuyến cáo các trường hợp đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh đến Bà Rịa-Vũng Tàu hoặc người trở về từ vùng dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày; nếu có biểu hiện bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị; phụ nữ mang thai trong vòng ba tháng đầu nếu có biểu hiện sốt, phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ cũng nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/31362202-y-te-thon-ap-cung-phai-vao-cuoc.html