Ý nghĩa của bánh chưng trong ngày Tết Việt Nam

Cùng với mai, đào, bánh chưng là một trong những biểu tượng của Tết cổ truyền Việt Nam, là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ đoàn viên và nghi thức cúng tổ tiên.

Bánh chưng là món ăn phải có trong mâm cỗ ngày Tết, được xem là linh hồn Tết Việt. Những chiếc bánh chưng hình vuông không chỉ đẹp mắt, thơm ngon mà còn có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, tinh thần.

Nguồn gốc, ý nghĩa của bánh chưng trong ngày Tết Việt Nam

Bánh chưng hình vuông, có màu xanh, được làm từ nếp, đỗ, thịt.... tượng trưng cho đất cùng muôn loài cỏ cây muông thú và cuộc sống của con người trên mặt đất.

Theo truyền thuyết, bánh chưng có từ thời Vua Hùng thứ 6. Sau khi nước Văn Lang phá xong giặc Ân, vua muốn tìm người kế vị, bèn nói với các con trai rằng trong nghi lễ cúng năm mới, hoàng tử nào dâng được món ăn ngon tuyệt vời, đặc biệt nhất thì sẽ được nối ngôi.

Trong khi những người con trai khác của vua Hùng đua nhau sai người lên rừng, xuống biển tìm kiếm của ngon vật lạ thì Lang Liêu - người con tính tình thuần hậu, chí hiếu song gia cảnh thanh bần vì sớm mất mẹ - lo lắng vì không có gì quý giá để dâng. Một hôm, Lang Liêu nằm mơ được một vị thần mách bảo: "Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, đó là thức ăn nuôi sống con người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông để tượng trưng cho trời, đất; lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành".

Được thần mách bảo, tỉnh dậy, Lang Liêu mừng rỡ làm theo lời dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn thật tươi để gói bánh.

Đến ngày hẹn, những người con trai khác đem đến các món cao lương mỹ vị, toàn thứ hiếm lạ, còn Lang Liêu chỉ đem theo các mâm bánh làm từ những vật liệu quê mùa nhất. Trong đó, loại bánh tượng trưng cho đất có hình dáng vuông vức, nhân bên trong là đậu xanh và thịt mỡ; bên ngoài là những hạt gạo nếp chắc mẩy được gói cẩn thận bằng lá dong, và luộc chín.

Còn loại bánh tượng trưng cho trời có hình tròn, trắng muốt, được làm từ gạo nếp đồ lên quết nhuyễn, dẻo và thơm. Hai chiếc bánh tượng trưng cho trời đất ôm lấy vạn vật, như công ơn dưỡng dục của cha mẹ chẳng gì trên đời có thể sánh bằng.

Nhờ hương vị thơm ngon cùng ý nghĩa của 2 loại bánh, Lang Liêu được chọn làm người thừa kế ngai vua. Bánh vuông được gọi là bánh chưng, bánh tròn được gọi là bánh giầy. Cũng kể từ đó, cứ đến Tết Nguyên đán hay các dịp lễ hội, người dân lại cùng nhau làm hai loại bánh này để cúng trời đất, tổ tiên và cùng thưởng thức.

Bạn có biết ý nghĩa của bánh chưng trong ngày Tết Việt Nam? (Ảnh: Viên Minh)

Xét về ý nghĩa nhân sinh, chiếc bánh chưng ngày Tết thể hiện chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ. Chiếc bánh chưng cũng gói ghém trong đó cả nền văn minh lúa nước của Việt Nam. Từ những chiếc lá dong bọc ngoài hay nguyên liệu làm nhân bánh như gạo nếp, đậu xanh, thịt heo... đều là thứ quen thuộc hàng ngày.

Bánh chưng, bánh giầy ngày Tết còn thể hiện sự biết ơn của con người đối với thiên nhiên, trời đất vì một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no.

Tóm lại, bánh chưng là món ăn quý để thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhớ công sinh thành dưỡng dục to lớn như trời đất của cha mẹ. Phong tục dâng cúng và thưởng thức bánh chưng ngày Tết của người dân Việt Nam là nét văn hóa, cũng thể hiện tinh hoa ẩm thực của đất nước.

Khánh An (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/y-nghia-cua-banh-chung-trong-ngay-tet-viet-nam-ar850636.html