Ý kiến cử tri

Cử tri Trần Bích Thủy, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thảo Minh Thành (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh):

Nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn

Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt, tôi và nhiều cử tri còn một số băn khoăn. Bộ trưởng trả lời chưa đúng trọng tâm câu hỏi mà đại biểu Quốc hội nêu.

Đảng, Nhà nước ta đã xác định cùng với giáo dục và đào tạo, KH-CN là quốc sách hàng đầu. Bởi vậy, vai trò của KH-CN rất quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển đất nước. Chúng ta không phủ nhận những thành tựu mà KH-CN nước nhà đạt được, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập. Một trong những vấn đề đó là hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi từ thực tiễn. Quy mô và chất lượng của không ít đề tài chưa tương xứng...

Thực tế những năm qua cho thấy, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của các bộ, ngành, địa phương rất lớn. Thế nhưng, hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn lại chưa đạt như mong đợi, thậm chí thiếu tính khả thi nên nhiều đề tài nghiên cứu xong rồi bỏ ngăn kéo, gây lãng phí ngân sách. Đã có những cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị chỉ ra nguyên nhân, trong đó đề cập đến cơ chế, chính sách, đãi ngộ... đối với các nhà khoa học.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH-CN cũng đã đưa ra những giải pháp khắc phục thông qua việc thu hút nhân tài, đầu tư kinh phí, đổi mới cơ chế, chuyển giao công nghệ... nhưng tôi cho rằng cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học không chỉ trong nước mà cả với nước ngoài, nhất là với đề tài quy mô lớn. Điều này không chỉ huy động được trí tuệ của các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực mà còn hạn chế rủi ro, tăng tính khả thi, từ đó nâng cao hiệu quả thực tế của đề tài. Đây mới là điều cốt lõi, bởi đề tài khoa học phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và góp phần giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.

YẾN LONG (ghi)

Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 7-7. Ảnh: VPQH

Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 7-7. Ảnh: VPQH

Ông Ngô Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ tỉnh Nghệ An:

Có cơ chế ưu đãi phù hợp đối với người làm công tác nghiên cứu

Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt. Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng khó khăn, vướng mắc trong công tác nghiên cứu, ứng dụng KH-CN hiện nay.

Theo tôi, rào cản lớn nhất trong nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào thực tiễn hiện nay là cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tế. Các văn bản, quy định còn nhiều chồng chéo, thiếu đồng bộ, không ổn định; nhiều văn bản mới ban hành, địa phương chưa kịp thực hiện thì đã sửa đổi. Kinh phí sự nghiệp KH-CN còn thấp, định mức kinh tế kỹ thuật chưa rõ ràng, hồ sơ thủ tục nhiêu khê, phức tạp bị chi phối bởi nhiều quy định khác nhau của pháp luật.

Đời sống của các nhà khoa học còn khó khăn. Việc triển khai một công trình nghiên cứu khoa học bị chi phối bởi nhiều thứ, từ thủ tục hồ sơ đến tài chính. Như tại trung tâm chúng tôi, cán bộ, nhân viên đều là những người có trình độ cao nhưng lại không có môi trường thuận lợi để phát huy.

Thời gian qua, nhiều người là tiến sĩ có chuyên môn giỏi đã xin nghỉ việc để tìm đến các doanh nghiệp, tập đoàn KH-CN công tác. Với những người này, việc chuyển môi trường làm việc vừa để đáp ứng mức thu nhập, vừa phát huy được khả năng, trình độ. Bởi thực tế, với những nhà khoa học, sức lao động là chất xám. Do vậy, họ phải có chế độ đãi ngộ tương xứng, cơ chế làm việc thông thoáng thì mới yên tâm công tác. Người làm khoa học mà cuộc sống dưới mức trung bình, suốt ngày phải đau đầu vì cơm, áo, gạo, tiền thì không có thời gian, không gian để sáng tạo, phát minh.

Thiết nghĩ, Nhà nước, Bộ KH-CN phải quan tâm, có cơ chế độ đãi ngộ tương xứng với những người làm khoa học, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH-CN phục vụ sự phát triển đất nước.

HOA LÊ (ghi)

----------

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Cần tháo gỡ vướng mắc trong đăng kiểm xe kinh doanh vận tải

Thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề đặt ra cho lĩnh vực đăng kiểm. Đến nay, tình trạng ách tắc ở nhiều trung tâm đăng kiểm cơ bản được giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đi vào một số trường hợp cụ thể của xe kinh doanh vận tải vẫn còn gặp vướng mắc cần được tháo gỡ. Trước hết, hiện có những xe do phải chờ đợi đến lượt được đăng kiểm quá lâu dẫn đến bị quá hạn của tem kiểm định. Nếu xe di chuyển trên đường để đến trung tâm đăng kiểm thì có thể bị xử phạt. Do vậy, chủ xe phải thuê xe cứu hộ để hỗ trợ di chuyển xe, điều này phát sinh thêm chi phí. Với những trường hợp này có thể cho phép sử dụng giấy hẹn kiểm định khi đi đến trung tâm đăng kiểm để lực lượng chức năng kiểm tra và không phải chịu mức xử phạt quá hạn kiểm định.

Với một số ô tô kinh doanh vận tải, do không thể mua được lốp xe theo đúng nguyên bản vì loại lốp đó không còn bán trên thị trường, nên phải thay thế bằng loại lốp có kích cỡ, tính năng kỹ thuật tương đương. Tuy nhiên, khi đưa xe đi kiểm định lại không được trung tâm đăng kiểm chấp nhận mà yêu cầu phải sử dụng lốp đúng nguyên bản.

Trường hợp khác, trung tâm đăng kiểm yêu cầu tháo dỡ dàn lạnh của xe container chở đồ đông lạnh hay một số bộ phận tuy không có trong thiết kế ban đầu nhưng cần thiết cho vận chuyển hàng hóa. Các trường hợp này đều khiến đơn vị vận tải gặp nhiều khó khăn. Những hướng dẫn trước đây của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) về tạo thuận lợi cho đăng kiểm xe cơ giới đường bộ cần được thống nhất với các trung tâm đăng kiểm, giúp tháo gỡ vướng mắc, đưa phương tiện nhanh chóng đi vào hoạt động trở lại, hỗ trợ cho lĩnh vực vận tải.

HƯNG MẠNH (ghi)

----------

Cử tri Vũ Ngọc Khánh, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội:

Trường học cho con em công nhân là nhu cầu thật sự bức thiết

Xuất phát từ thực tế gia đình có người làm công nhân tại khu công nghiệp (KCN), tôi thấy, ngoài khó khăn về nhà ở, công nhân trong các KCN còn gặp khó khăn về nơi học cho con em của họ. Nhu cầu gửi trẻ của công nhân, người lao động ở KCN rất lớn, trong khi hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo tại đây chưa được quan tâm đúng mức.

Thực tế cho thấy, công nhân làm việc trong các KCN chủ yếu là lao động nhập cư, thu nhập không cao, trong khi số nhà trẻ công lập trên địa bàn có KCN còn hạn chế, nên việc gửi con ở nhà trẻ công lập rất khó khăn. Nhiều người phải gửi con ở quê, nhờ ông bà chăm sóc; không ít người phải gửi con tại các cơ sở trông giữ trẻ, lớp mẫu giáo tư nhân tự phát. Ngoài việc cơ sở vật chất không bảo đảm thì phần lớn người trông trẻ ở các cơ sở này cũng không được đào tạo bài bản.

Vì thu nhập của công nhân còn thấp nên mong mỏi của họ là bên cạnh việc Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp, tạo nguồn vốn ưu đãi cho công nhân vay làm nhà ở, thì cần có chính sách xây dựng thêm các trường công lập trong KCN, nhất là xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo để người lao động yên tâm làm việc.

Việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho con công nhân đang là nhu cầu thật sự bức thiết. Bởi vậy, rất cần có cơ chế pháp lý bảo đảm dành quỹ đất cho nhà trẻ, lớp mẫu giáo trong quy hoạch xây dựng KCN, khu nhà ở cho công nhân; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, tổ chức nhà trẻ cho con của người lao động.

KHÁNH AN (ghi)

----------

Cử tri Trần Đình Bính, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk:

Sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại Tây Nguyên

Hiện nay, phương thức vận tải chính trên địa bàn Tây Nguyên là đường bộ và đường hàng không. Tuy nhiên, đường hàng không chưa phải là chủ lực. Vì vậy, giao thông đường bộ giữ vai trò chủ đạo. Trong đó, Đường Hồ Chí Minh là huyết mạch giao thông chính, kết nối giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nguyên với miền xuôi.

Thực tế, qua nhiều năm khai thác, tuyến đường này đã bị quá tải và chưa có tuyến đường nào mới để bổ sung. Mặt khác, việc kết nối giữa Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung trong trục hành lang kinh tế Đông Tây chủ yếu dựa vào các tuyến quốc lộ đã có từ lâu. Trong những năm qua, ngành giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đã có nhiều cố gắng trong bảo dưỡng, nâng cấp, nhưng hiện nay hệ thống giao thông đường bộ đang bộc lộ nhiều điểm nghẽn, mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng chưa đồng bộ. Thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển chính là một trong những nguyên nhân khiến vùng Tây Nguyên chưa có sự phát triển mạnh mẽ, chưa tương xứng với tiềm năng.

Giao thông chưa thuận lợi là nút thắt kìm hãm sự phát triển của Tây Nguyên nhiều năm qua. Đầu tư các tuyến đường cao tốc sẽ mở ra cơ hội, giúp Tây Nguyên bứt phá. Để giải quyết được vấn đề này, trước hết, các địa phương phải phát huy tính năng động, sáng tạo trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn Tây Nguyên như: Quy Nhơn-Pleiku, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ nối Quảng Nam với Kon Tum, Quảng Ngãi với Măng Đen (Kon Tum), Bình Định với Gia Lai để kết nối các tỉnh Tây Nguyên, tạo sự liên kết với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, từ vùng nguyên liệu đến các khu công nghiệp chế biến, từ nguồn hàng đến bến cảng.

VĨNH LỘC (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/y-kien-cu-tri-730529