Xuyên tạc ngữ liệu sách giáo khoa | Hà Nội tin mỗi chiều

Viết một dòng vu vơ trên mạng xã hội là việc rất dễ dàng, nhưng hậu quả nó mang tới cho bạn sẽ rất nặng nề, thậm chí có thể tác động xấu tới cả xã hội. Vì vậy, các bạn dùng mạng xã hội cần thận trọng trước những thông tin chưa được xác thực nội dung.

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin về nội dung được cho là ảnh chụp từ sách giáo khoa (SGK) như: bài thơ “Giã gạo thổi cơm”, bài học “Bắn tung tóe”, “Bạn An dũng cảm”; “Bé xách đỡ mẹ”… Mỗi bài đăng kèm hình ảnh được mô tả là trang sách có các ngữ liệu này dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực về SGK, người viết SGK và ngành giáo dục. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định đây không phải là nội dung trong sách giáo khoa hiện hành và việc đăng tải những thông tin này là hành vi xuyên tạc. Bộ đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguồn gốc thông tin, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đăng tải, xuyên tạc.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, một trong số những người biên soạn sách giáo khoa cho biết: “Việc phê bình, góp ý cho sách giáo khoa hay bất kì tài liệu, bài báo, công trình khoa học nào cũng là cần thiết và nên làm. Tuy nhiên động cơ và mục đích phê bình góp ý, cũng như thái độ và cách làm cần trong sáng, tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt cần nêu thông tin đúng, trung thực, có căn cứ, bằng chứng cụ thể rõ ràng... đừng đưa thông tin không kiểm chứng”. Khi nêu lên một vấn đề nhất là với SGK, mọi người cần chụp nguyên văn bài, trang bìa của sách, tên các tác giả và nhà xuất bản, năm xuất bản rõ ràng để thông tin được đưa một cách trung thực. Nhiều người cũng không phân biệt được SGK với sách tham khảo, sách ngoài thị trường và sách được lưu hành trong nhà trường, sách của những lần đổi mới trước và sách mới theo chương trình năm 2018, ông Thống chia sẻ thêm.

Gần đây, những hình ảnh, thông tin bịa đặt, vu khống cá nhân và tổ chức đã xuất hiện rất nhiều và cũng đã bị các cơ quan chức năng xử phạt. Như hồi tháng 6/2023, một loạt đối tượng đưa tin sai sự thật, bịa đặt và xúc phạm đến uy tín của cơ quan tổ chức trong vụ tấn công trụ sở công an ở Đắk Lắk lên Facebook, TikTok. Các đối tượng đã bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng cùng các đồng phạm vào ngày 21/9 còn chưa “hạ nhiệt” thì tối cùng ngày, tài khoản Facebook “Vo Quoc” đăng dòng trạng thái xúc phạm, bôi nhọ danh dự của người làm báo gây xôn xao dư luận. Sau hơn 10 ngày đăng tải nội dung xúc phạm báo chí và nghề báo trên mạng xã hội, đầu bếp Võ Quốc bị Sở TT-TT TP.HCM xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

Theo điều 25 của Hiến pháp, công dân có quyền tự do ngôn luận. Nhưng tự do ngôn luận không phải là bạn có thể tùy ý vu khống, xúc phạm cá nhân hay tổ chức. Và điều 21 của Hiến pháp khẳng định công dân có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Những thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần thận trọng trước những thông tin chưa xác thực nội dung, bỏ thói quen thấy tin hot là chia sẻ, bình luận mà chưa được kiểm chứng./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xuyen-tac-ngu-lieu-sach-giao-khoa-ha-noi-tin-moi-chieu-199162.htm