Xuôi ngược sông đêm

Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi mới thu xếp được chuyến đi thuyền theo bà con ra thăm ruộng dưa, xuôi ngược sông Trà Khúc trong một đêm trăng mười chín, lung linh vàng dịu.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Xuôi ngược sông đêm của tác giả Lê Hồng Khánh.

I.

Sông Trà Khúc là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, phát nguyên từ cao nguyên Đăk Tơ Rôn (Kon Tum), chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi trước khi đổ ra biển Đông qua cửa Đại Cổ Lũy.

Núi Thiên Ấn- sông Trà Khúc. Ảnh Lê Hồng Khánh.

Núi Thiên Ấn- sông Trà Khúc. Ảnh Lê Hồng Khánh.

Giữa dòng sông, từ trung lưu về hạ lưu có nhiều cù lao ngập nước suốt mùa mưa lũ, nhô dần lên sau tiết Lập Xuân, khi những cơn mưa thưa dần và nhẹ hạt. Bà con nông dân chuyên trồng dưa hấu từ xã Bình Chương (huyện Bình Sơn) vào đây, đem sức lực và kinh nghiệm biến những cồn đất phù sa đầy cỏ dại và lau sậy này thành những cánh đồng dưa thu về hàng ngàn tấn quả mỗi vụ. Từ cuối tháng Chạp đến hết mùa hè, bà con làm hai vụ dưa, rồi trả đất lại cho sông, chuyển lên Tây Nguyên làm thêm một vụ nữa trước khi về quê ăn tết.

Để tránh cái nắng gay gắt của miền Trung, buổi sáng bà con ra đồng làm việc từ lúc tinh mơ đến khi mặt trời lên quá con sào thì về lán trại nghỉ ngơi. Buổi chiều, đợi khi “trời xuống dông”, mây núi ùn lên che dần mặt trời mới ra đồng làm việc đến chạng vạng. Mùa thu hoạch dưa, họ thêm làm buổi tối, kéo dài đến gần nửa đêm, chủ yếu là đưa dưa về bến, phân loại rồi bốc lên xe tải.

Mấy lần hẹn hò rồi lỡ hẹn, đêm nay tôi mới thu xếp được chuyến đi thuyền theo bà con ra thăm ruộng dưa, xuôi ngược trên đoạn sông gần 15km ở trung lưu, từ bến đò Phước Lộc, dưới chân núi Tròn, bên tả ngạn về bến Tam Thương dưới chân cầu Trà Khúc, bên hữu ngạn.

Chiều qua có cơn mưa rào nên bầu trời đêm trong vắt, những ngôi sao nhấp nháy trên cao buông ánh sáng chập chờn chạm xuống mặt nước sông đang trôi thanh thản. Dòng sông hiền hòa, đã qua mùa mưa lũ, trở lại dáng vẻ yên bình tự ngàn năm. Rặng tre già nghiêng nghiêng, trầm mặc che bóng mấy con thuyền neo bến nghỉ đêm. Mái chèo gác vội trễ tràng, khẽ lắc lư theo từng đợt sóng. Mùa xuân, nước sông đầy ăm ắp. “Trà giang cửu khúc hồi hoàn” (Cao Bá Quát). Sông Trà Khúc chín lần uốn khúc, hiền hòa trôi giữa đôi bờ như dải lụa trong xanh, lượn qua ngan ngát nương dâu, đồng mía.

May mắn trong đời, đã có mấy lần tôi được xuôi ngược dòng sông trên những con thuyền, từ cửa sông lên tận đầu nguồn, đi dọc sông Hre, sông Tang, sông Rin, sông Giang, sông Xà Lò, những dòng sông con hợp lưu thành sông Trà Khúc. Có lúc thả mái chèo lơi lả dưới bóng trăng; vài lần neo thuyền ngồi nhắp chén trà với người canh rớ đón ánh bình minh.

Có lần tôi cùng NSƯT Đinh Long Ta ngược sông Rin đi về phía tổng Cà Dong (cũ), nay là huyện Sơn Tây, từ xóm Sông, đi bộ ngược lên làng Mùng, gò Dền. Vừa đặt chân đến đầu làng Mùng, đang say sưa nhìn cảnh vật đẹp như tranh, tôi bỗng giật mình, từ bên kia suối, vút lên, trong veo một giọng ca - choi, điệu hát dân ca trữ tình của dân tộc Hre:

Oh 'meang toc wang'nhêeq wang cwiq tiah ca vaq, dhâi wang la 'muư yâp vaq ma zaq.Oh 'meang loh ta dheac

dheac cwiq tiah ca miq, dhâi dheac la crôang dheac tôh miq khun.

(Em nhìn lên núi cao

Núi quý như cha, vì núi là bóng mát cha muôn thuở

Em nhìn xuống sông

Sông quý như mẹ, vì sông là dòng sữa mẹ hiền.)

Trong khi Đinh Long Ta quay mặt tìm bốn phía rừng, xem cô gái ở nơi đâu thì một giọng cười vang lên, đổ giòn như tiếng suối, rồi xa dần. Giọng cười thật lạ, như chào nhau, như tạm biệt, như hẹn gặp ở đâu đây…

- Đi rồi! Chàng nghệ sĩ mang hai dòng máu Cà Dong - Hre buông một câu rất khẽ, rồi ngước mặt nhìn lên trời xanh, như thể câu hát kia còn đọng lại ở lưng trời.

II.

Bờ xe nước Trường Xuân (nay thuộc xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Ảnh của Stewart W Herman, chụp khoảng 1971- 1972. Làng Sơn Trung (Son Trung Village) trong chú thích của tác giả, chính là xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Bờ xe nước Trường Xuân (nay thuộc xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Ảnh của Stewart W Herman, chụp khoảng 1971- 1972. Làng Sơn Trung (Son Trung Village) trong chú thích của tác giả, chính là xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Từ bến Tam Thương con thuyền của những người trồng dưa ngược lên bãi Ông Bành, qua cầu Thạch Bích, cầu Trường Xuân, rồi quay về dưới chân núi Sứa bên tả ngạn, buông chèo xuống bến Quán Cơm. Đèn khuya lung linh như phố, bóng cây đa cổ thụ chập chờn. Mặt trăng đêm mười chín nhô lên phía biển mang theo quầng sáng lung linh vàng dịu loang dần trên mặt nước. Sương thấm lạnh, trời đã về khuya. Cái lạnh của đất trời làm nhớ cái lạnh của lòng người trong câu ca dao Quảng Ngãi:

“Sớm mai em xuống Quán Cơm em thấy hòn núi Hó

Chiều về Đồng Có em thấy hòn núi Tròn

Về nhà than với chồng con

Ra đi gan nát dạ mòn vì đâu?”

Núi Hó nằm bên tả ngạn, đoạn cuối trung lưu, dạng hình thang vuông như chiếc ấn, nên có tên chữ là Thiên Ấn. Đứng bên hữu ngạn nhìn sang, núi như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông. Núi Tròn, cũng bên tả ngạn, đoạn giữa thượng nguồn và trung lưu, nhìn phía nào cũng như cái bát úp, tròn xoay, Quốc sử quán triều Nguyễn trong sách Đại Nam nhất thống chí chép tên là Viên Sơn

Câu ca dao nhắc đến núi Ấn, núi Tròn. Mẹ tròn, con vuông. Tròn vuông là chuyện viên mãn, hoàn thiện trong quan niệm của người Á đông. Vậy mà người đàn bà trong câu hát lại nói đến nỗi buồn phiền. Tôi tin đây không phải là lời tâm sự của một người phụ nữ nào đó, mà là tâm trạng của những người yêu nước trước cảnh nước mất nhà tan thời thuộc Pháp. Lời than của ông Nguyễn Vịnh, người Đồng Có (nay thuộc xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh), nhà yêu nước, hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương năm Giáp Ngọ (1894) ở Quảng Ngãi do ông và ông Thái Thú cầm đầu đó chăng?

Dọn cỏ lau trên những cù lao giữa sông chuẩn bị cho vụ dưa hấu đầu năm. Ảnh LHK

Dọn cỏ lau trên những cù lao giữa sông chuẩn bị cho vụ dưa hấu đầu năm. Ảnh LHK

Dọc đôi bờ sông Trà Khúc, có biết bao địa danh gắn với lịch sử, giai thoại. Từ truyền thuyết núi Long Đầu, đến giai thoại về ông Bùi Tá Hán gắn với ngọn núi Trấn Công. Từ núi Thiên Mã và câu ca về dòng họ Trương Mỹ Khê nổi tiếng đến những bí ẩn về ngọn núi Sứa. Cả những ngộ nhận cũng có điều gì đó thú vị. Làng Thạch Bích, rồi bãi Thạch Bích bên chân cầu Trà Khúc, chẳng dính dáng gì đến thắng cảnh Thạch Bích tà dương tận non cao trong thơ Nguyễn Cư Trinh (1716- 1767), nhưng lại có lắm người nhầm. Bến Tam Thương là địa danh có nguồn gốc từ mấy kho thóc dự trữ của triều đình, hình thành từ thời vua Tự Đức, để phòng những năm mất mùa, dân tình đói kém, theo đề xuất “tích cốc phòng cơ” của ông quan người Quảng Nam Đặng Huy Trứ (1825- 1874). Nó là chữ thương 倉, mà “Từ điển Hán Việt trích dẫn” giảng là “Chỗ để tồn trữ các loại cốc”, không phải chữ thương 伤, nghĩa là đau buồn, vết thương.

Tam Thương một thời không xa là bến ghe kinh (đò dọc) sầm uất, trên bến dưới thuyền. Có đường ghe lấy hàng từ cảng Thu Xà chở về cửa Bắc để vào thành Quảng Ngãi. Có đường ghe từ đây lên bến Hà Nhai, Đồng Có để bán cho đồng bào vùng cao những mặt hàng của vùng đồng bằng- ven biển và hàng công nghệ (muối, mắm, đá lửa, vải vóc, dầu thắp...); khi quay về lại chở hàng nông thổ sản của miền Tây (hồ tiêu, mít, chuối...)

Nhắc đến sông Trà Khúc, người Quảng Ngãi nay ở độ tuổi trung niên trở lên không thể không nhớ đến bờ xe nước, Đó là những công trình thủy lợi đồ sộ, xây dựng bằng bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ thủ công và hoàn toàn bằng nguyên liệu địa phương, lấy nước tưới cho những cánh đồng màu mỡ dọc hai bờ sông. Bờ xe nước đến nay không còn nữa vì đã có công trình thủy lợi Thạch Nham thay thế, song nó đã trở thành hình ảnh biểu tượng cho trí thông minh và bàn tay khéo léo của người dân Quảng Ngãi. Thế nhưng, muốn kể cho đủ chuyện về công trình thủy lợi độc đáo này phải kỳ công như ông quan Bố Chánh Nguyễn Thông (1827–1884), trong cuốn sách có tên là “Nghĩa Châu thủy lợi tiểu sách tự” (Cuốn sách nhỏ về thủy lợi ở châu Quảng Nghĩa). Gọi là cuốn sách nhỏ nhưng công lao người viết không hề nhỏ. Đếm kể các bờ xe, con kênh, con đập, mô tả rành mạch, rõ ràng, đâu phải là chuyện dễ, nếu không có tri thức, kết hợp với điều tra thực địa, dò hỏi kỹ lưỡng trong làng xã. Nhưng quan trọng nhất là tấm lòng với dân, với nước của một ông quan thanh liêm, mẫn cán, rất đáng được người Quảng Ngãi kính trọng, tôn thờ.

Hoàng hôn sông Trà. Ảnh LHK

Hoàng hôn sông Trà. Ảnh LHK

Tháng 3 âm lịch, tiết Thanh minh. Ban ngày nhiệt độ đã dần cao, trời nóng bức, nhưng về đêm lại mát mẻ, nhất là khi được đi trên thuyền nhỏ, xuôi ngược sông Trà Khúc, đôi bờ là những cánh đồng xanh mượt: Ba La, Ngân Giang, Thọ Lộc, An Bường…

An Bường, một địa danh nghe hơi lạ, nhưng thực ra là tên một thôn của xã Tịnh Ấn nằm ở đầu cầu Trà Khúc 2, phía Bắc. Bường (bình) là thổ âm vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi, cách nay chừng nửa thế kỷ vẫn còn nhiều người dùng. Thập niên 70 của thế kỷ trước, thôn An Bường đổi tên thành thôn Liên Hiệp thuộc xã Tịnh Ấn Đông, nhưng dân gian thì vẫn còn gọi chùa An Bường, miếu An Bường, đầu cầu An Bường.

Ruộng dưa trên những cù lao giữa dòng sông Trà Khúc.

Ruộng dưa trên những cù lao giữa dòng sông Trà Khúc.

“Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”. Ruộng dưa đang đến kỳ thu hoạch. Giá cả năm nay khiến người trồng dưa khá hài lòng. Đoàn xe tải đã xếp đầy những quả dưa căng mọng, nối hàng dài dọc con đường Hoàng Sa. Khác với không khí nhộn nhịp lúc đầu hôm, bến dưa về khuya vắng lặng, yên ả, chỉ thỉnh thoảng đó đây dăm bảy người nông dân và cánh lái xe ngồi uống trà tâm sự. Dưa được mùa, được giá, ánh mắt ai cũng như cười.

Nhắp một chén trà đậm, tôi lên bờ trở về nhà mang theo niềm vui chia sẻ với những người nông dân một nắng hai sương. Gió nồm thổi từ cửa Đại. Tiếng chuông chùa Thiên Ấn thong thả buông giữa không trung, âm thanh loang chầm chậm trong đêm vắng, chợt như đâu đó hiện về câu thơ đầy ám ảnh của thi sĩ Bích Khê:

Trà giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng

Vang tiếng ngàn năm đất Cẩm Thành…

Lê Hồng Khánh

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/song-tra-khuc-xuoi-nguoc-song-dem-2282844.html