Xứng tầm truyền thống

Hà Nội là đô thị đặc biệt, là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước và có nền văn hiến hơn nghìn năm. Lịch sử Hà Nội là một phần quan trọng để tìm hiểu về lịch sử dân tộc Việt Nam. Vì thế, nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện rõ hơn nét riêng có của văn hóa Thủ đô, làm rõ nội hàm văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố di sản sáng tạo…

Văn hiến, văn minh, hiện đại

Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 27.11 về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho biết, cách đây hơn 2.000 năm, An Dương Vương đã chọn Cổ Loa - Hà Nội làm kinh đô. Hai Bà Trưng cũng chọn đất Mê Linh - Hà Nội làm kinh thành. Đến thời Ngô Quyền tiếp tục chọn Cổ Loa làm kinh đô của nước ta. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, dưới sự cố vấn của các thiền sư cùng bá quan văn võ, đại sự đầu tiên là dời kinh đô từ Hoa Lư - Ninh Bình về Thăng Long - Hà Nội.

“Vì Hà Nội ở giữa trung tâm trời đất, được thế rồng cuốn hổ ngồi, chính ở ngôi Nam Bắc Tây Đông, thuận ở thế tựa sơn hướng thủy. Thế đất cao lại thoáng, muôn vật phong phú tốt tươi, thực là nơi thắng địa nơi hội tụ trọng yếu của 4 phương, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”, ĐBQH, Hòa thượng Thích Thanh Quyết phân tích.

Thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội tiếp tục được lựa chọn là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính vì thế, các đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị để phát triển bền vững Thủ đô theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, tạo động lực lan tỏa cho cả nước cùng phát triển. Trong đó, cần tiếp tục có những chính sách đặc thù để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Nội.

Hồ Hoàn Kiếm nhìn từ trên cao. Ảnh: Vũ Minh Quân

Ưu tiên văn hóa, bảo tồn di sản

Theo ĐBQH, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch nghĩa tình, văn minh tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đồng thời đề nghị bổ sung nội dung “xây dựng Hà Nội văn hiến, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của thủ đô và dân tộc”.

Với tình yêu Hà Nội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) “mong lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế. Tập trung bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị truyền thống người Hà Nội”.

Khoản 4 Điều 23, dự thảo Luật, quy định các khu vực di tích và di sản được tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị. Tuy nhiên, theo ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), các giải pháp, điều kiện và nguồn lực bảo đảm, trách nhiệm của chính quyền các cấp ở thủ đô và của Trung ương cho việc bảo tồn, khôi phục các di tích, di sản chưa được quy định cụ thể. Dự thảo Luật cũng chưa có điều chỉnh so với Luật Di sản văn hóa hiện hành để Thủ đô có quy định đặc thù và lộ trình thực hiện sớm hơn, bảo đảm xử lý ngay các vấn đề cấp bách trong bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội. Do vậy, cần rà soát để quy định rõ nét, đầy đủ, cụ thể hơn.

ĐBQH Phạm Nam Tiến (Đắk Nông)đề nghị thể chế hóa đầy đủ 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần Quyết định số 1755 ngày 8.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thể chế và dự thảo những quy định tiên phong mở đường, không chỉ về trung tâm công nghiệp văn hóa mà còn bao gồm cả hạ tầng và không gian văn hóa, phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn đã được xác định trong chiến lược.

Để bảo tồn, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa cần tập trung được nguồn lực đủ lớn. ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) gợi ý: “Huy động tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và khai thác các di sản phát triển du lịch. Trong đó, di sản thuộc về sở hữu độc quyền của nhà nước, nhưng tư nhân được quyền đầu tư, tôn tạo và khai thác thông qua ứng dụng công nghệ mới. Cơ chế đó sẽ giúp các di sản văn hóa được sống lại, các di tích lịch sử được tôn tạo, các giá trị văn hóa lịch sử được khơi dậy, lan tỏa và văn hóa du lịch sẽ trở thành một ngành mũi nhọn của Thủ đô”.

Anh Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/xung-tam-truyen-thong--i351844/