Xứng tầm là một lễ trọng

Những ngày này, cả nước đang tưng bừng, hân hoan đón ngày Lễ giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đối với tỉnh Ninh Bình, đây cũng là thời gian tổ chức kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và Lễ hội Hoa Lư năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, thể dục, thể thao, du lịch, quảng bá tiềm năng, thế mạnh kinh tế - xã hội của tỉnh. Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Ninh Bình nói riêng và của cả nước nói chung.

Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc năm 2022.

Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc năm 2022.

Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh người anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã lập nên nhà nước Đại Cồ Việt, xây dựng kinh đô Hoa Lư, mở đầu thời kỳ độc lập, thống nhất lâu dài của đất nước ta. Theo sử sách, từ khi kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô, Lễ hội Hoa Lư luôn được các triều đại sau này coi như một lễ trọng, một quốc lễ.

Đến ngày Lễ hội Hoa Lư, triều đình ở Thăng Long hay ở Huế đều cử các quan đại thần về Cố đô Hoa Lư dự và làm chủ tế... Còn trong dân gian từ xưa đã có câu: "Ai là con cháu rồng tiên. Tháng ba mở hội Trường Yên thì về", để nhớ đến một lễ hội quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt bao đời nay.

Lễ hội Trường Yên đã được đổi tên là Lễ hội Hoa Lư được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch vì tương truyền ngày 10/3 âm lịch là ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và ngày 8/3 âm lịch là ngày kỵ của vua Lê Đại Hành.

Theo Ban Tổ chức, năm nay, tỉnh Ninh Bình tổ chức kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và Lễ hội Hoa Lư với quy mô tương đương với kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018, nhưng thành phần có mở rộng hơn. Cách thức tổ chức cũng gần giống với năm 2018, nhưng sẽ có nhiều điểm nhấn mới để người dân Ninh Bình và đồng bào trong nước, kiều bào nước ngoài cùng du khách nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Thế kỷ thứ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam là một thế kỷ đặc biệt, mà điểm sáng nhất là ở Hoa Lư (Ninh Bình) với sự kiện tiêu biểu nhất là Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt và định niên hiệu là Thái Bình mở ra một trang sử vẻ vang, thể hiện sự tin tưởng vào sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau nghìn năm Bắc thuộc và khát vọng muốn xây dựng một đất nước thái bình, hưng thịnh.

Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời năm 968 đã nâng tầm quốc gia dân tộc Việt Nam, không chỉ chấm dứt tình trạng cát cứ, phân tán để thống nhất đất nước mà đây còn là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia, dân tộc, hướng tới xây dựng một đất nước thống nhất, tập quyền phù hợp với sự phát triển của lịch sử.

Với tổ chức bộ máy, chính sách đối nội, đối ngoại tuy sơ khai, nhưng Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh đã mở ra một thời kỳ mới về tổ chức, quản lý đất nước trong lịch sử dân tộc, thời kỳ độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền đầu tiên ở Việt Nam sánh ngang với phương Bắc.

Những phát hiện quan trọng của quá trình khai quật khảo cổ học tại Cố đô Hoa Lư những năm gần đây góp phần xác định đây là khu di tích có diện tích lớn hàng nghìn ha, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử, văn hóa của dân tộc, giữ vai trò là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của Nhà nước mở đầu thời kỳ độc lập và tự chủ.

Từ nhà nước Đại Cồ Việt mở nền "chính thống thủy", các triều đại sau này đã bổ sung, củng cố, phát huy để xây dựng và giữ vững độc lập, tự chủ, thống nhất toàn vẹn đất nước.

Việc tỉnh Ninh Bình tổ chức kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và lễ hội Hoa Lư năm 2023 không chỉ là dịp để tưởng nhớ và tri ân các bậc Tiên đế, các bậc tiền nhân đã có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc mà còn mong muốn nâng tầm tổ chức Lễ hội Hoa Lư, gắn với sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt và công lao của Vua Đinh Tiên Hoàng đế nên thành một lễ hội quan trọng của đất nước như nhiều triều đại trước đã làm, nhằm phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh hội nhập với thế giới hiện đại cùng với những tác động to lớn của thiên tai, dịch bệnh và biến động của tình hình thế giới hiện nay.

Cứ mỗi dịp tổ chức kỷ niệm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư, lòng người dân Ninh Bình lại xao xuyến, tự hào và thêm yêu quê hương mình. Vùng đất Ninh Bình "địa linh, nhân kiệt" đã sinh ra, nuôi dưỡng nhiều danh nhân, nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất, làm rạng danh quê hương, đất nước mà tiêu biểu nhất là Đinh Bộ Lĩnh.

Cảnh sắc Ninh Bình đẹp và nên thơ như một bức tranh sơn thủy, hữu tình. Sống trên đó, đời nối đời, người dân Ninh Bình đã sáng tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, làm nên những nét riêng trầm lắng nhưng vô cùng đặc sắc, thể hiện qua những công trình kiến trúc nổi bật, những áng thơ, văn bất hủ và những làn điệu chèo, điệu xẩm mang hồn sông, núi mênh mang say đắm lòng người. Và năm 968, Đất và Người Hoa Lư (Ninh Bình) đã tạc vào lịch sử dân tộc một cột mốc khởi đầu quan trọng, đó là sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt.

Tự hào về non nước Ninh Bình và bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với Tràng An là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Tự hào vì mới đây, Ninh Bình được Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023. Và trước đó, tháng 02/2023, Ninh Bình vinh dự lọt top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới do Traveller Review Awards bình chọn. Chúng ta càng tự hào hơn khi vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình là nơi mở đầu xây dựng Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền, độc lập, tự chủ của đất nước ta trong tiến trình lịch sử qua các triều đại.

Ngày lễ hội năm nay, Cố đô Hoa Lư rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cờ hội, cờ phướn tung bay trong ánh nắng chan hòa. Tiếng trống hội âm vang, tiếng hát, tiếng cười rộn rã lan tỏa trên sông Sào Khê, Hoàng Long, núi Mã Yên, Phi Vân, hòa cùng tiếng gió thổi vi vu, ngân nga như vang mãi khúc ca về Ninh Bình, thúc giục bước chân mọi người vào hội kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và Lễ hội Hoa Lư năm 2023.

Mở lòng đón bạn bốn phương về với Ninh Bình để nhớ về nguồn cội; để tri ân công lao to lớn của các tiên đế, các bậc tiền nhân; để cảm nhận những dấu ấn, sự phát triển của vùng đất Cố đô xưa và để vui với những thành tựu kinh tế xã hội Ninh Bình hôm nay trên con đường đi tới mục tiêu "trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng".

Nguyễn Đông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xung-tam-la-mot-le-trong/d202304270810513.htm