Xung quanh vụ việc máy bay va chạm tại Nhật Bản

Hình ảnh chiếc máy bay chở khách của Japan Airlines đâm trúng máy bay của Cảnh sát biển Nhật Bản rồi bốc cháy đã gây rúng động toàn cầu. 5/6 người trên máy bay cứu trợ của lực lượng Cảnh sát biển đã thiệt mạng. Tới thời điểm hiện tại cơ quan điều tra đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay thuộc lực lượng Cảnh sát biển, nhưng hộp đen chiếc máy bay chở khách của Japan Airlines vẫn chưa được tìm thấy.

Máy bay mang số hiệu MA-722 của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản là một chiếc Bombardier Dash-8 chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tới một căn cứ ở tỉnh Niigata, hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất, đã va chạm với một chiếc Airbus A-350 mang nhãn hiệu JAL516 của hãng Japan Airlines có kích thước lớn hơn. Sự việc xảy ra vào khoảng 17h50p giờ địa phương (15h50 theo giờ Hà Nội) ngày 2/1.

Vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng của Nhật Bản.

Phi công JAL516 đã hạ cánh theo chỉ dẫn nhưng dường như không nhìn thấy máy bay tuần tra Dash-8 ở bên dưới. Các chuyên gia hàng không đánh giá vụ tai nạn này khá bất thường.

Theo video tờ DailyMail UK chia sẻ cho thấy hành khách la hét bên trong cabin đầy khói của máy bay và chạy qua đường băng sau khi thoát ra ngoài bằng cầu trượt khẩn cấp. Toàn bộ 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn của Airbus A350 đều sơ tán an toàn. Tuy nhiên, trong số 6 người trên máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, 5 thành viên phi hành đoàn được phát hiện đã thiệt mạng, trong khi phi công đã kịp thoát ra khỏi máy bay và bị thương nặng. Bên ngoài, máy bay Airbus bị bao trùm bởi ngọn lửa dữ dội khi nó đang nằm trên đường băng

Máy bay Airbus bị bao trùm bởi ngọn lửa dữ dội.

Tại cuộc họp báo vào tối 2/1, các quan chức Japan Airlines cho biết máy bay JAL516 đã được cho phép hạ cánh. Tuy nhiên, không rõ liệu máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển có được phép cất cánh trên đường băng hay không. Các chuyên gia cho rằng có thể xảy ra lỗi do con người từ phía hãng hàng không, lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc trạm kiểm soát không lưu.

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến vụ tai nạn như tầm nhìn ban đêm kém hơn, kích thước nhỏ của máy bay tuần tra Dash-8, đèn bên trong máy bay Dash-8 bị che khuất, lỗi liên lạc, sai sót trong việc nhận biết biển báo trên đường băng. Ủy ban An toàn giao thông Nhật Bản sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn với sự tham gia của các cơ quan chức năng Pháp và Anh (nước chế tạo chiếc Airbus A350 và nước sản xuất động cơ cho máy bay).

Ngành hàng không Nhật Bản thường xuyên nằm trong nhóm có thành tích an toàn cao. Vụ va chạm gây hỏa hoạn hôm 2/1 là tai nạn hàng không thương mại nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản trong nhiều thập kỷ.

Chiếc Bombardier Dash-8 của Cảnh sát biển Nhật Bản hay DHC-8 là một dòng máy bay thương mại động cơ cánh quạt phổ biến với hơn 1.200 chiếc được sản xuất từ năm 1983 đến nay, bởi de Havilland Canada (trước đó là Bombardier sản xuất). Những chiếc Dash 8 dùng động cơ cánh quạt của Pratt-Whitney, với bốn series từ 100-400.

Chiếc máy bay gặp nạn của Japan Airlines là Airbus A350 - dòng máy bay chở khách phản lực thân rộng được phát triển bởi hãng Airbus. A350 là máy bay Airbus đầu tiên mà cả thân máy bay và cấu trúc cánh được làm chủ yếu từ polymer gia cố bằng sợi carbon. Loại máy bay này có sức chứa từ 250 đến 350 hành khách với ba khoang ghế và có thể phục vụ tối đa 440 hành khách tùy loại. Máy bay Airbus A350 là đối thủ cạnh tranh của Boeing 787 Dreamliner và dòng Boeing 777.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xung-quanh-vu-viec-may-bay-va-cham-tai-nhat-ban-212309.htm