Xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế

ĐBP - Trong chiến tranh gian khổ, người lính luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trở về cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ' và tinh thần tự lực, tự cường, các cựu chiến binh (CCB) đã và đang xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế. Họ luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì ổn định các mô hình kinh doanh, dịch vụ; nhất là tích cực giúp đỡ các hội viên khác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Chuyên giới thiểu sản phẩm gà xương đen đến khách hàng.

Trong lần công tác về xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) chúng tôi gặp CCB Nguyễn Hồng Chuyên, điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua câu chuyện anh kể, chúng tôi hiểu được phần nào những khó khăn vất vả, sự kiên trì, nỗ lực gây dựng cơ nghiệp, làm giàu chính đáng từ đôi bàn tay trắng... CCB Nguyễn Hồng Chuyên kể lại: “Năm 2001 với tinh thần tuổi trẻ, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, anh được điều về Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 304 đóng quân tại huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 2003, CCB Nguyễn Hồng Chuyên rời quân ngũ trở về quê hương mưu sinh, làm nhiều nghề. Anh đi nhiều nơi từ Ðiện Biên, Lai Châu tham khảo cách làm kinh tế nhưng vẫn chưa tìm được hướng thoát nghèo.

Sau khi lập gia đình, anh Chuyên chuyển về sinh sống, lập nghiệp tại bản Lúm, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo). Năm 2015, nhận thấy đất đai phì nhiêu, nhiều bãi chăn thả, anh quyết định gây dựng cơ nghiệp với mô hình “Trang trại gà thịt xương đen lồng ghép cây ăn quả” có diện tích 1,1ha với mong muốn đưa sản phẩm sạch, có chất lượng tới người tiêu dùng. Anh Chuyên chia sẻ thêm: “Trang trại hiện cung cấp ra thị trường rất nhiều mặt hàng thực phẩm, nhưng chủ yếu tập trung vào 2 loại chính là: Gà xương đen (có thịt đen, xương đen rất thơm ngon); nhãn lồng chín muộn (quả to, cùi dày, vỏ mỏng, rất ngọt vào cuối vụ). Năm đầu tiên chăn nuôi đạt khoảng 10 tấn gà xương đen, giá thành 110 triệu đồng/tấn, doanh thu đạt 1,1 tỷ đồng; đặc biệt trang trại đã góp phần tạo thêm việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; cải tạo môi trường sống, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn.

Không riêng gia đình CCB Nguyễn Hồng Chuyên mà trên địa bàn huyện Tuần Giáo có rất nhiều mô hình kinh tế, dịch vụ do các CCB làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Vũ Nguyên Trãi, Chủ tịch Hội CCB huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Ðể giúp CCB xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, những năm qua các cấp hội CCB huyện Tuần Giáo luôn tìm hiểu, nắm vững thế mạnh, tiềm năng, xu hướng phát triển của từng xã, bản để thông tin, vận động, hướng dẫn CCB chuyển đổi ngành nghề, phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp và làm ăn có hiệu quả. Ðồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các CCB phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, chuyển đổi cây trồng… Cùng với đó, hộ nghèo là CCB thiếu vốn thì chúng tôi sẽ tập trung vốn từ nguồn quỹ xoay vòng của hội; nguồn vốn không phân tán như những năm trước mà tập trung giải quyết từng đối tượng, đảm bảo đủ lực phát triển kinh tế”.

Hiện Hội CCB tỉnh có 18.126 hội viên. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua các cấp hội tích cực vận động CCB phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm; có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tùy theo sức của mình và điều kiện gia đình, địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Triển khai phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các cấp hội CCB đã thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hội viên và đề ra những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp hội viên phát triển kinh tế; nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình để hội viên học tập, làm theo. Ðồng thời, thường xuyên phối hợp với các đoàn thể tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên có kiến thức áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Ða số hội viên CCB là những người lính trở về từ chiến trường muốn phát triển kinh tế thì trở ngại lớn nhất chính là thiếu vốn đầu tư. Ðể giúp đỡ hội viên các cấp hội CCB đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn với lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ đến tháng 11/2020 là 715,285 tỷ đồng góp phần hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế... từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo trong CCB còn 16%; nâng số hộ khá giả lên 46,4%.

Với sự nỗ lực và những hỗ trợ thiết thực của các cấp hội CCB, phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng, động viên CCB vươn lên khắc phục khó khăn, xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/183011/xung-kich-tren-mat-tran-phat-trien-kinh-te