Xung đột Ukraine đã làm ưu thế quân sự của Nga ở Baltic giảm thế nào?

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, khi xung đột Ukraine tiếp diễn, ưu thế quân sự của Nga từng có tại khu vực Baltic đã suy giảm.

Nhận định về ưu thế quân sự Nga bị suy giảm ở vùng Baltic do xung đột Ukraine được đưa ra trong báo cáo của Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IRFI), được xuất bản vào ngày 14/11/2023. IRFI là một trung tâm nghiên cứu và diễn đàn tranh luận về các vấn đề chính trị và kinh tế quốc tế. Tác giả bản báo cáo là Pavel Baev.

Lính Nga sử dụng súng chống tăng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Báo cáo nói rằng nhiều nhà hoạt định chính sách của phương Tây không tính đến các tác động dài hạn của xung đột vũ trang ở Ukraine đối với an ninh vùng Baltic.

Các quốc gia Baltic là Estonia, Latvia và Litva từng trở thành thành viên của Liên Xô trong Thế chiến II. Vào đầu thập niên 1990, các nước này tách ra độc lập. Kể từ đó, các nước Baltic này trở thành tâm điểm của liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. NATO đã tăng cường chỗ đứng của họ ở vùng này do lo ngại về thách thức an ninh do Nga tạo ra.

Tác giả Baev - chuyên gia lâu năm về Nga, viết rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine (bắt đầu vào tháng 2/2022) đã gây tổn thất lớn cho Nga về mặt quân sự khiến họ gặp khó khăn trong duy trì lực lượng lớn ở sườn phía Tây với NATO (tức tại khu vực giáp với các nước Baltic).

Baev viết: "Bất kể quy mô kết quả cuộc chiến là gì, Nga sẽ vẫn không thể xây dựng lại vị thế thượng phong về quân sự trên vùng Baltic, hoặc thậm chí xác lập một thế cân bằng tương đối về lực lượng với NATO - khối quân sự đang thực thi một kế hoạch mới để củng cố thế đứng của mình theo hướng này".

Baev bổ sung thêm: "Nga đã đánh mất vị thế sức mạnh và năng lực phóng chiếu sức mạnh quân sự trước các nước láng giềng".

Trong báo cáo của mình, Baev - cũng là giáo sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hòa bình, viết rằng biên giới Baltic về mặt lịch sử là một nơi tương tác lớn giữa Nga và phương Tây. Ngoài ra, có những thay đổi sâu sắc trong bản chất và cường độ các thách thức ở nhiều khía cạnh "tương tác đa diện giữa NATO và Nga".

Baev cho rằng Nga có thể khó tiến hành các cải cách xa hơn nữa về quân sự trong bối cảnh ngập sâu trong xung đột vũ trang với Ukraine. Vẫn theo Baev, các khó khăn về kinh tế và nhân khẩu của Nga trong thập niên 2020 sẽ khiến Moscow thiếu nguồn lực dành cho khu vực Baltic.

Bản báo cáo còn nêu một số trở ngại nữa đối với một số mục tiêu chiến lược của Nga như nỗ lực biến vùng lãnh thổ tách rời của họ là Kaliningrad thành bàn đạp để chế ngự lõi trung tâm của vùng Baltic. Bên cạnh đó, việc Ukraine thực hiện được các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự của Nga quanh bán đảo Crimea đã phơi bày một số điểm yếu trong hệ thống phòng thủ duyên hải của Nga. Các điểm yếu này cũng được cho là xuất hiện cả trong hệ thống quân sự của Nga dọc theo bờ biển với khối Baltic.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Newsweek

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/xung-dot-ukraine-da-lam-uu-the-quan-su-cua-nga-o-baltic-giam-the-nao-post1061531.vov