Xung đột - 'thủ phạm' khác trong thảm họa vỡ đập ở Libya

Cuộc khủng hoảng khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến vụ vỡ đập gây ra trận lũ lụt nghiêm trọng tại Libya, nhưng chính xung đột là một 'thủ phạm' giấu mặt khiến cho thảm họa này càng thêm thảm khốc.

Hậu quả thảm khốc

Trung tuần tháng 9 vừa qua, bão Daniel đổ bộ vào Địa Trung Hải gây những trận lũ lụt nghiêm trọng. Mưa lớn trút xuống nhiều vùng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Hy Lạp. Tỉnh Thessaly của Hy Lạp đã chứng kiến lượng mưa lớn trong 18 tháng chỉ trong một ngày. Nước sông dâng cao, nhấn chìm nhiều ngôi làng và thị trấn trong biển nước, cướp đi sinh mạng của 15 người, làm hư hại các tòa nhà, cơ sở hạ tầng cũng như tàn phá mùa màng.

Vụ vỡ đập gây lụt lội nghiêm trọng ở Darna, Libya. Nguồn: AFP

Vụ vỡ đập gây lụt lội nghiêm trọng ở Darna, Libya. Nguồn: AFP

Sau đó, cơn bão di chuyển về phía Nam, đổ bộ vào Libya vào ngày 10.9, gây ra lượng mưa lên tới 400mm chỉ trong 24 giờ ở những khu vực thường chỉ nhận được lượng mưa 540mm hàng năm. Hậu quả của trận lụt ở Hy Lạp không thấm vào đâu so với sự tàn phá và mất mát nhân mạng thảm khốc mà bão Daniel đã gây ra cho bờ biển Libya và đặc biệt là thành phố cảng Derna. Trận mưa lớn khiến hai con đập vỡ, khiến hơn 11.000 người chết và nhiều người mất tích, xóa sổ toàn bộ một khu dân cư và phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng dân sự.

Nhưng có lý do khiến Libya, quốc gia giàu dầu mỏ, lại phải chịu đựng hậu quả thiên tai thảm khốc hơn nhiều so với Hy Lạp. Kể từ năm 2011, đất nước này đã phải rơi vào một cuộc xung đột nội bộ có lúc bùng phát rồi lắng xuống, nhưng cuối cùng vẫn tiếp tục âm ỉ, gieo rắc chết chóc, tàn phá và làm xói mòn các thể chế nhà nước, bao gồm cả những thể chế lẽ ra đã có thể hành động để giảm thiểu tác động của lũ lụt. Thảm kịch ở Libya cho thấy xung đột có thể khiến hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu mang lại cho con người càng thêm nghiêm trọng đến mức nào.

Biến đổi khí hậu đang trở thành một “bình thường mới”

Những cơn bão như Daniel rất hiếm, nhưng chúng đại diện cho một điều bình thường mới khi biến đổi khí hậu tăng cường các cơn bão nhiệt đới giống như Địa Trung Hải, còn được gọi là Medicanes. Theo Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), mặc dù những cơn bão như vậy chỉ xảy ra một đến ba lần mỗi năm và chủ yếu ở phía Bắc và phía Tây Địa Trung Hải, nhưng biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ khiến chúng mạnh lên và đưa chúng đến bờ biển phía Đông và phía Nam Địa Trung Hải.

Biến đổi khí hậu đã làm suy yếu các dòng tia (đó là các luồng gió hẹp, thổi nhanh ở khí quyển của một số hành tinh như Trái Đất, hay Sao Mộc; trên Trái Đất, các dòng tia chính nằm ở đỉnh tầng đối lưu, thường thổi theo hướng từ Tây sang Đông, và có đường đi uốn lượn). Điều này làm đình trệ hệ thống áp suất và kéo dài cả các đợt nắng nóng và bão. Đại dương nóng hơn đang tăng cường hấp thụ độ ẩm của lốc xoáy, trong khi không khí nóng giữ nhiều nước hơn, gây ra những trận mưa lớn hơn; một vùng đất bị hạn hán kéo dài sau đó sẽ chứng kiến lượng mưa vô cùng dữ dội, làm cho vấn đề trở nên tồi tệ. Khi vùng đất khô cằn nhận được lượng mưa quá lớn, khả năng hấp thụ nước mưa sẽ kém hơn, điều này khiến tình trạng lũ lụt trở nên trầm trọng hơn.

Mặc dù các nghiên cứu phân bổ chi tiết về mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với trận bão Daniel vẫn chưa có kết quả cụ thể, nhưng chắc chắn không thể loại bỏ nguyên nhân biến đổi khí hậu. Cho đến nay, ba tháng trước trận lũ lụt là thời điểm nóng nhất được ghi nhận. Nhiệt độ bề mặt nước biển ở phía Đông Địa Trung Hải trong mùa hè năm nay cũng cao hơn bình thường 2 - 3 độ, đạt mức kỷ lục 28,7 độ C.

Xung đột làm tăng tính tổn thương trước khủng hoảng khí hậu

Trước thực trạng Địa Trung Hải nóng lên nhanh chóng như vậy, đáng lẽ các chính quyền địa phương nên tăng cường nỗ lực và chuẩn bị các phương án đối phó; họ nên đánh giá rủi ro khí hậu và xây dựng các kế hoạch thích ứng bao gồm các biện pháp dài hạn để giảm tác động của thiên tai, chẳng hạn như đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng cường xã hội dân sự. Họ cũng nên triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp để giải quyết các nhu cầu trước mắt, chẳng hạn như lập kế hoạch sơ tán và bảo đảm hoạt động của cơ sở hạ tầng thiết yếu; nhưng không một biện pháp nào trong số này được áp dụng ở Libya trước khi bão Daniel đổ bộ.

Việc thiếu sự quản lý thống nhất và xung đột dân sự kéo dài giữa chính phủ được quốc tế công nhận ở Tây Libya với Lực lượng quân đội miền Đông của Chỉ huy quân sự, tướng Khalifa Haafter và Hạ viện ở Đông Libya đã làm tăng tính dễ bị tổn thương của đất nước trước khủng hoảng khí hậu - gây ra thảm họa. Chính quyền Libya ở cả hai bên xung đột đã hầu như không làm gì để chuẩn bị cho những giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù là một bên ký kết Thỏa thuận Paris, Libya đã không đệ trình bất kỳ kế hoạch quốc gia nào nhằm giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bản thân thành phố Derna đã chìm trong xung đột từ nhiều năm sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi sụp đổ vào năm 2011; thành phố rơi vào vòng kiểm soát của các nhóm chiến binh trong một thời gian cho đến khi bị Hafter chiếm được vào năm 2019. Kể từ đó, người dân thành phố không nhận được sự quan tâm của chính quyền ở Đông Libya, hầu như nơi đây không được đầu tư cải thiện đường sá và dịch vụ công cộng, chưa nói đến các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Việc quản lý phân tán cũng cũng dẫn đến tình trạng các quy định và thực thi các quy định về xây dựng thiếu chặt chẽ, lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng nhà ở dân sự xuất hiện trong và gần vùng đồng bằng ngập lũ của một con sông có nước chảy xuyên qua thành phố. Điều đáng nói là, hai đập đá bị sập trong trận lũ đã không được bảo trì kể từ năm 2002, bất chấp đã có 2 triệu euro (2,14 triệu USD) được phân bổ cho mục đích đó và bất chấp cảnh báo của các chuyên gia địa phương rằng một cơn bão lớn có thể dẫn đến vỡ đập.

Tình trạng quản trị rời rạc cũng làm suy yếu khả năng chuẩn bị và xử lý thảm họa. Trung tâm Khí tượng Quốc gia Libya ở Tripoli đã đưa ra cảnh báo bão trước ba ngày. Ngoài ra, giới chức ở Đông Libya cũng cảnh báo người dân và ban bố lệnh giới nghiêm nhưng chính quyền ở cả hai bên đều không đưa ra kế hoạch sơ tán dự phòng trong những ngày bão đổ bộ; ngay cả khi nước dâng cao, vẫn chưa rõ liệu người dân có nên sơ tán hay không.

Thất bại trong quản trị và xung đột kéo dài cũng tạo ra thách thức cho việc ứng phó khẩn cấp. Chính quyền có trụ sở tại Tobruk đang dẫn đầu các nỗ lực cứu trợ và phối hợp với các đồng minh như Ai Cập. Chính phủ có trụ sở tại Tripoli, thiếu khả năng tiếp cận đầy đủ với thành phố và các hoạt động trên thực địa, đồng thời lại trì hoãn thông báo nhu cầu cứu trợ của Derna cho các nhà tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, họ đã phân bổ được 412 triệu USD cho việc tái thiết.

Thúc đẩy hòa bình phải là một phần của ứng phó với biến đổi khí hậu

Số người thiệt mạng ở Libya cao hơn đáng kể so với Hy Lạp cho thấy biến đổi khí hậu gây tổn hại không tương xứng đến những nơi không có sự chuẩn bị.

Lũ lụt ở Libya cho thấy các mối đe dọa về khí hậu đang được khuếch đại như thế nào ở các khu vực xung đột thiếu khả năng phục hồi và cơ sở hạ tầng. Các quốc gia khác trong lưu vực Địa Trung Hải bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu cũng thiếu khả năng phục hồi và cơ sở hạ tầng đầy đủ cũng như phải vật lộn với xung đột cũng như bất ổn chính trị và kinh tế.

Việc thích ứng và phòng chống thiên tai đòi hỏi sự quản lý và hợp tác ổn định. Toàn bộ khu vực Địa Trung Hải cần được hỗ trợ để xây dựng hòa bình, củng cố cộng đồng và chuẩn bị cho những cú sốc khí hậu không thể tránh khỏi. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi phải giải quyết xung đột và quản trị những thách thức liên quan. Xây dựng hòa bình nên là một phần của ứng phó với khủng hoảng khí hậu Đối với các quốc gia chia sẻ rủi ro về khí hậu trong khu vực, thảm họa Derna là một tiếng chuông nhắc nhở rằng việc “sửa mái nhà khi mặt trời đang chiếu sáng” luôn là điều cần thận trọng.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/xung-dot---thu-pham-khac-trong-tham-hoa-vo-dap-o-libya-i344206/