Xung đột Nga-Ukraine: Lý do Đức chưa gửi Taurus, ông Biden thừa nhận tác động việc Chủ tịch Hạ viện mất chức

Kiev tích cực cải thiện năng lực phòng không, Đức lo VSU dùng tên lửa hành trình bắn cầu Crimea… là một số tin tức đáng chú ý về tình hình Ukraine.

Quá trình chuyển giao tên lửa hành trình Taurus của Đức tới Ukraine vẫn gặp trở ngại. (Nguồn: SAAB)

Quá trình chuyển giao tên lửa hành trình Taurus của Đức tới Ukraine vẫn gặp trở ngại. (Nguồn: SAAB)

* Ukraine nỗ lực trang bị các hệ thống phòng không: Ngày 4/10, trong bài phát biểu trực tuyến, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định: “Chúng tôi đang làm tất cả để trang bị thêm nhiều hệ thống phòng không trước mùa Đông… Hiện chúng tôi đang chờ đợi quyết định cụ thể từ các đối tác của mình”. Tuy nhiên, ông không nêu thêm chi tiết.

Cũng theo ông Zelensky, các khu vực của Ukraine nên quan tâm đến việc bảo vệ các cơ sở quan trọng và tái thiết “càng sớm càng tốt”.

Trước đó, Kiev cảnh báo Moscow đang khởi động lại chiến dịch không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine hồi năm ngoái, khiến hàng triệu người không có hệ thống sưởi và nước sạch trong thời gian dài.

Tuần này, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã kêu gọi xây dựng một chiến lược để bảo vệ Ukraine trước chiến dịch tấn công của Nga vào mạng lưới năng lượng.

* Thủ tướng Scholz từ chối gửi tên lửa Taurus cho Ukraine: Ngày 4/10, Báo Bild của Đức dẫn các nguồn thạo tin từ Chính phủ Đức và Ukraine đã xác nhận điều này.

Cụ thể, từ tháng 5/2023, Ukraine đã đề nghị Đức cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho nước này sau khi Pháp và Anh đã chuyển cho Kiev tên lửa hành trình Scalp và Storm Shadow, nhằm giúp Ukraine có thể tấn công các mục tiêu từ xa. Tuyên bố liên quan của Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính Đức đã làm dấy lên hy vọng rằng Kiev có thể nhận được tên lửa Taurus chậm nhất vào mùa Thu này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối việc chuyển giao loại tên lửa tối tân này. Tuy Berlin chưa chính thức lên tiếng, nhưng thông tin nội bộ cho thấy rất rõ rằng sẽ nước này sẽ không gửi tên lửa Taurus. Về lý thuyết, ông Scholz vẫn để ngỏ điều đó có thể xảy ra trong tương lai, nhưng việc chuyển giao những tên lửa như vậy rất khó xảy ra.

Tuần trước, tại một cuộc họp nội bộ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, khi được hỏi tại sao Pháp và Anh đã cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine nhưng Đức thì không, ông trả lời rằng hai nước đó “có thể làm những thứ mà chúng ta không được phép, nên vấn đề không được đặt ra”.

Theo Bild, đây là lời từ chối của Đức với việc cung cấp tên lửa Taurus. Dường như theo ông, Anh và Pháp trực tiếp theo dõi tọa độ các mục tiêu của tên lửa chuyển giao, thậm chí London còn có lực lượng tại chỗ.

Ngoài vấn đề liên quan tới tọa độ và nhân sự triển khai cùng, ông Scholz cũng được cho là đã bày tỏ quan ngại rằng tên lửa hành trình Taurus có thể được dùng để bắn cầu Crimea. Những tuần gần đây, đã có các cuộc thảo luận giữa đại diện Chính phủ Anh và Đức, trong đó các quan chức London muốn thuyết phục Berlin chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev. Theo tờ Bild, trong cuộc thảo luận này, phía Đức quan ngại rằng tên lửa Taurus có thể được dùng để tấn công cầu Crimea.

* Ông Biden: Bất ổn chính trị ở Mỹ có thể đe dọa viện trợ cho Ukraine: Ngày 4/10, khi được hỏi liệu việc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy mất chức có thể ảnh hưởng tới nguồn tài trợ cho Ukraine hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden đáp: “Điều đó làm tôi lo lắng. Nhưng tôi biết đa số thành viên Hạ viện và Thượng viện của cả hai đảng đã nói rằng họ ủng hộ việc viện trợ cho Ukraine”.

Đồng thời, ông kêu gọi đảng Cộng hòa ngừng đấu đá nội bộ và quay lại việc hỗ trợ “cực kỳ quan trọng” cho Kiev. Dự kiến, Tổng thống Mỹ sẽ sớm có bài phát biểu quan trọng về sự cần thiết phải hỗ trợ Ukraine chống lại hoạt động quân sự của Nga, sau khi sự hỗn loạn ở Washington khiến các đồng minh lo ngại.

(theo AFP, Bild, TASS)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-ly-do-duc-chua-gui-taurus-ong-biden-thua-nhan-tac-dong-viec-chu-tich-ha-vien-mat-chuc-244839.html