Xung đột khiến hàng chục nghìn người chạy nạn ở Afghanistan

Các gia đình buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột tại nơi ở tạm ở Kunduz (Afghanistan), ngày 26/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 12/8, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết xung đột ở các khu vực khác nhau trong tuần qua ở Afghanistan đã khiến hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn.

Theo OCHA, số người trên nằm trong số gần 390.000 người rơi vào tình trạng đó ở Afghanistan do các cuộc xung đột từ đầu năm nay, với mức tăng đột biến số người di dời kể từ tháng 5.

Đa số người tị nạn đến thủ đô Kabul và các thành phố lớn khác của Afghanistan. Hơn 5.800 người đến Kabul kể từ ngày 1/7-5/8 đang cần sự hỗ trợ về thực phẩm, vật dụng gia đình, nước, vệ sinh và các nhu cầu khác.

Cơ quan nhân đạo của LHQ cho biết mặc dù tình hình an ninh ngày càng xuống dốc, các tổ chức nhân đạo vẫn duy trì hoạt động cứu trợ và đã trợ giúp được 7,8 triệu người Afghanistan trong 6 tháng đầu năm nay.

Khoảng 156 tổ chức phi chính phủ và các cơ quan của LHQ đã hỗ trợ trên khắp Afghanistan. Trong khi đó, Quỹ ứng phó nhân đạo cho Afghanistan kêu gọi quyên góp 1,3 tỉ USD, nhưng hiện mới chỉ nhận được tài trợ 38%, còn khoản thiếu hụt lên đến gần 800 triệu USD.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ Ireland tại LHQ, bà Geraldine Byrne Nason ngày 12/8 cho biết Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ có thể sớm hành động bằng cách đưa ra lời kêu gọi tất cả các bên ở Afghanistan ngừng các hành động thù địch.

Đại sứ Ireland, nước đang giữ vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ cũng cho biết HĐBA mong muốn đạt được những tiến triển trong các cuộc đàm phán đang diễn ra tại Doha, Qatar giữa các bên tham chiến ở Afghanistan, và một giải pháp chính trị qua thương lượng.

Trong khi đó, cùng ngày, hai quan chức hàng đầu của Mỹ là Ngoại trưởng Antony Blinken cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã trao đổi với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, trong đó khẳng định Mỹ “vẫn đầu tư vào an ninh và ổn định của Afghanistan” trước chiến dịch tấn công của Taliban.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, giới chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ khẳng định rằng Washington đang cắt giảm số nhân viên dân sự tại Kabul do “tình hình an ninh biến chuyển” và sẽ tăng cường các chuyến bay đặc biệt đưa những người Afghanistan làm việc cho Mỹ sang Mỹ định cư.

Hai quan chức này cũng khẳng định Mỹ tiếp tục cam kết duy trì quan hệ an ninh và ngoại giao mạnh mẽ với chính quyền tại Kabul.

Cùng ngày, với cam kết của những quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden, Mỹ tuyên bố triển khai 3.000 binh sĩ đến sân bay Kabul để hỗ trợ công tác di tản nhân viên đại sứ quán của mình khỏi Afghanistan, trong bối cảnh Taliban vừa liên tiếp chiếm được hai thành phố lớn thứ hai và thứ ba tại nước này là Kandahar và Herat.

Trước việc Taliban liên tục đánh chiếm được nhiều địa phương tại Afghanistan, ngày 12/8, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Taliban sẽ phải đối mặt với sự cô lập của cộng đồng quốc tế nếu lực lượng này trở lại nắm quyền bằng vũ lực.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định nếu nắm quyền bằng vũ lực và thiết lập lại một vương quốc Hồi giáo tại Afghanistan, Taliban sẽ đối mặt với việc không được công nhận, bị cô lập, thiếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đồng thời đối mặt với nguy cơ xung đột và bất ổn kéo dài trong nước.

Ông Borrell cho biết điều kiện để EU tiếp tục hỗ trợ Afghanistan là các bên đạt được một thỏa thuận hòa bình và toàn diện, tôn trọng các quyền cơ bản của mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và các nhóm thiểu số.

EU cũng kêu gọi chính quyền Afghanistan “giải quyết bất đồng chính trị, tăng tính đại diện của tất cả các bên và tiếp xúc với Taliban trên quan điểm đoàn kết". EU cũng lên án tình trạng gia tăng các vụ việc vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế và nhân quyền tại các khu vực, thành phố mà lực lượng Taliban hiện đang chiếm đóng.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/262549/xung-dot-khien-hang-chuc-nghin-nguoi-chay-nan-o-afghanistan.html