Xung đột Israel - Hamas: Mỹ 'than ngắn thở dài' vì một điều, thứ mang đến bàn đàm phán vẫn chỉ là lòng thù hận

Trước khủng hoảng nhân đạo đáng báo động, quốc tế trông chờ vào các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas về một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, với những điều mà Israel đang ấp ủ về một chiến dịch mới ở Rafah hay lập trường cứng rắn phải 'tiêu diệt Hamas' thì tương lai của các giải pháp hòa bình vẫn rất xa vời.

Israel có kế hoạch tấn công Rafah, nơi trú ẩn cuối cùng của những người dân 'khốn cùng' ở Dải Gaza. (Nguồn: AFP)

Giới chức Ai Cập cho biết các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột Israel-Hamas dự kiến sớm diễn ra tại Qatar trong bối cảnh các nỗ lực nhân đạo vẫn đang chạy đua với thời gian và các bên tìm cách thuyết phục Israel tránh kích động “thảm họa đẫm máu” ở Rafah.

Cuộc đàm phán sẽ đánh dấu lần đầu tiên các quan chức Israel và lãnh đạo Hamas tham gia đàm phán gián tiếp kể từ khi bắt đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Các nhà hòa giải quốc tế từng hy vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài sáu tuần trước khi sự kiện linh thiêng này bắt đầu hồi đầu tuần trước, song cả hai phía đã không thể hiện thực hóa.

“Hố đen” Rafah và những lời cảnh báo

Điểm xung đột mới nhất là mục tiêu của Israel nhằm truy đuổi Hamas tới tận Rafah, một thành phố ở miền Nam Gaza. Ngày 15/3, Văn phòng Thủ tướng Netanyahu cho biết ông đã phê duyệt kế hoạch quân sự tấn công Rafah, thị trấn cực Nam Gaza, nơi có khoảng 1,4 triệu người Palestine. Israel muốn nhắm vào các tiểu đoàn Hamas đóng quân trong khu vực. Nhiều người Palestine đã chạy trốn đến Rafah khi Israel tấn công trả đũa tại Dải Gaza.

Văn phòng Thủ tướng Netanyahu không cung cấp thông tin chi tiết hoặc thời gian biểu cho chiến dịch Rafah, song tuyên bố kế hoạch sẽ bao gồm cả việc sơ tán dân thường. Mỹ và các quốc gia khác cảnh báo rằng một cuộc tấn công quân sự vào Rafah có thể là thảm họa.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa qua đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ Israel tấn công Rafah, cho rằng rủi ro nằm ở chỗ chiến dịch này có thể “gây thương vong dân thường cực kỳ tồi tệ”.

Washington cũng ngày càng có thái độ chỉ trích đối với cách Thủ tướng Netanyahu xử lý cuộc xung đột. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây nhấn mạnh việc cần một “kế hoạch rõ ràng và khả thi” để bảo vệ những người dân vô tội song thừa nhận ”chưa từng thấy một kế hoạch như vậy”.

Ông Blinken khẳng định đối thoại gay gắt giữa các nhà lãnh đạo Israel và Mỹ không có nghĩa là liên minh đang rạn nứt, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Đó thực sự là sức mạnh của mối quan hệ này, đủ để có thể nói rõ ràng, thẳng thắn và trực tiếp”.

Nhiều người hy vọng có thể tránh được một cuộc tấn công vào Rafah khi các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn và thả con tin đang được tiến hành ở Qatar.

Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ sẽ không có nhóm đại diện tại các cuộc đàm phán nhưng vẫn tham gia vào quá trình này.

"Điểm chạm" vẫn rất xa vời

Theo hai quan chức Ai Cập giấu tên, Hamas đã đưa ra cho các nhà hòa giải một đề xuất mới về kế hoạch gồm ba giai đoạn nhằm chấm dứt giao tranh. Giai đoạn đầu tiên sẽ là lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, trong đó Hamas sẽ thả 35 con tin – gồm phụ nữ, người bệnh và người già - để đổi lấy 350 tù nhân Palestine mà Israel giam giữ.

Hamas cũng sẽ thả ít nhất 5 nữ quân nhân để đổi lấy 50 tù nhân. Lực lượng Israel được yêu cầu rút khỏi 2 con đường chính ở Gaza để người Palestine di tản trở về phía Bắc Gaza, nơi đã bị tàn phá trong cuộc xung đột và cho phép dòng viện trợ tự do đến khu vực.

Các quan chức cho biết trong giai đoạn thứ hai, hai bên sẽ tuyên bố ngừng bắn vĩnh viễn và Hamas sẽ trả tự do cho những binh sĩ Israel còn lại bị bắt làm con tin để đổi lấy thêm tù nhân. Trong giai đoạn thứ ba, Hamas sẽ giao nộp các thi thể mà họ đang giữ để đổi lấy việc Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa Gaza và cho phép bắt đầu tái thiết.

Theo giới chức Ai Cập, các cuộc đàm phán lúc đầu dự kiến tiến hành vào chiều 17/3 (giời địa phương), song bị hoãn sang 18/3.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi đề xuất của Hamas là “không thực tế” song vẫn đồng ý cử các nhà đàm phán Israel tới Qatar. Chính phủ Netanyahu từ chối lời kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn, nhấn mạnh rằng trước tiên họ vẫn phải thực hiện mục tiêu đã nêu là “tiêu diệt Hamas”.

Có những đứa trẻ "không còn sức để khóc"

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 17/3 thông báo hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng ở Gaza trong cuộc tấn công của Israel, đồng thời cho biết nhiều trẻ đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và “thậm chí không còn sức để khóc".

Giám đốc Điều hành UNICEF Catherine Russell chia sẻ với chương trình "Face the Nation" của CBS News: "Hàng nghìn trẻ khác đã bị thương hoặc chúng tôi thậm chí không thể xác định được các em ở đâu. Các em có thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát...

Chúng tôi chưa từng thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ em như vậy trong hầu hết các cuộc xung đột khác trên thế giới… Tôi đã từng đến khu chăm sóc trẻ em bị thiếu máu nặng, suy dinh dưỡng, cả khu yên tĩnh tuyệt đối. Vì các em… thậm chí còn không có sức để khóc".

Bà Russell cho biết có "những thách thức rất lớn mang tính quan liêu" khi xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza.

Quốc tế đã chỉ trích mạnh mẽ Israel do số người chết trong chiến tranh, cuộc khủng hoảng nạn đói ở Gaza và cáo buộc ngăn chặn việc vận chuyển viện trợ vào vùng đất này.

Đầu tháng này, một chuyên gia của Liên hợp quốc cho rằng Israel đang phá hủy hệ thống lương thực của Gaza như một phần của "chiến dịch bỏ đói" tại đây, song Israel đã bác bỏ cáo buộc này.

(theo AP, AFP, Reuters)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-hamas-my-than-ngan-tho-dai-vi-mot-dieu-thu-mang-den-ban-dam-phan-van-chi-la-long-thu-han-264594.html