Xung đột Israel-Hamas: Đối mặt áp lực tứ bề, Thủ tướng Netanyahu nhận thêm thách thức mới từ 'đối thủ đáng gờm' trong nội các

Ngày 18/5, quân đội và xe tăng Israel tiến vào các khu vực phía Bắc Gaza, nơi mà lực lượng này đã bao vây truy quét trong suốt hơn 7 tháng giao tranh, khiến hàng chục người Palestine thương vong. Thêm vào đó, một thành viên trong nội các thời chiến của ông Netanyahu đe dọa từ chức.

Bộ trưởng Nội các thời chiến Benny Gantz đã đe dọa sẽ từ chức khỏi nội các nếu kế hoạch của ông không được đồng ý. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Nội các thời chiến Benny Gantz đã đe dọa sẽ từ chức khỏi nội các nếu kế hoạch của ông không được đồng ý. (Nguồn: Reuters)

Quân đội Israel thông báo tiếp tục tấn công trên khắp Gaza bao gồm cả Jabalia và Rafah, tiến hành các “chiến dịch trúng đích”, tấn công hơn 70 mục tiêu, bao gồm cả cơ sở lưu trữ vũ khí, cơ sở hạ tầng quân sự, những kẻ khủng bố gây ra mối đe dọa cho quân đội IDF và tổ hợp quân sự”. Quân đội Israel cũng chiếm được một số vùng đất ở Rafah, một thành phố phía Nam giáp biên giới Ai Cập, nơi nhiều người dân đang di tản và cũng là điểm nóng Israel đe dọa tiến hành một chiến dịch tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas, kế hoạch khiến cả Cairo và Washington thấp thỏm lo ngại.

Thêm những vết nứt trong bức tranh tăm tối của khu vực là tuyên bố mới của ông Benny Gantz, thành viên trung dung trong nội các thời chiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, về đe dọa từ chức nếu nhà lãnh đạo cánh hữu không thông qua kế hoạch kiểm soát Gaza thời hậu xung đột trước hạn chót là ngày 8/6 tới.

Áp lực tứ bề

Thủ tướng Netanyahu phải đối mặt với những lời chỉ trích ở cả trong và ngoài nước vì thất bại trong việc vạch ra cái kết cụ thể cho cuộc xung đột kéo dài đã hơn 7 tháng.

Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Nội các thời chiến Benny Gantz nói rằng ông muốn nội các xây dựng một kế hoạch 6 điểm trong 3 tuần tới, và nếu yêu cầu này không được đáp ứng, ông sẽ rút chính đảng trung dung khỏi liên minh khẩn cấp của chính phủ ông Netanyahu.

Kế hoạch 6 điểm theo đề xuất của ông Gantz bao gồm việc trao trả con tin, chấm dứt sự kiểm soát của lực lượng Hamas, phi quân sự hóa Dải Gaza và "thành lập chính quyền với đại diện Mỹ, châu Âu, khu vực Arab và Palestine để quản lý các vấn đề dân sự ở Dải Gaza, song song với việc Israel duy trì kiểm soát khu vực… nhằm đặt nền móng cho giải pháp thay thế trong tương lai không liên quan đến nhóm Hamas hay Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas". Kế hoạch cũng đi theo hướng hỗ trợ các nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia và mở rộng phạm vi nghĩa vụ quân sự cho tất cả người Israel.

Tháng 10/2023, Israel thành lập nội các thời chiến, với nhiệm vụ điều phối hoạt động tác chiến, gồm ba nhân tố hàng đầu là ông Netanyahu, ông Benny Gantz và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ngày 14/5, Bộ trưởng Gallant thúc giục Thủ tướng Netanyahu "đưa ra quyết định và tuyên bố Israel không thiết lập kiểm soát dân sự với Dải Gaza".

Trong khi đó, Mỹ đã kêu gọi khôi phục chính quyền Palestine để quản lý Gaza với sự hỗ trợ từ Saudi Arabia và các quốc gia Arab khác trước khi thành lập nhà nước cuối cùng. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan dự kiến thúc đẩy những kế hoạch đó khi ông đến Israel trong ngày 19/5.

Cho đến nay, Thủ tướng Israel Netanyahu vẫn gạt bỏ tất cả những đề xuất này, song tối hậu thư của ông Gantz có thể thu hẹp những lựa chọn của ông. Ông Netanyahu loại trừ mọi vai trò tiềm năng của chính quyền Palestine ở Gaza, tuyên bố ông có kế hoạch giao trách nhiệm dân sự cho những người Palestine địa phương không liên kết với tổ chức này hoặc phong trào Hamas. Tuy nhiên, ông khẳng định các kế hoạch chưa thể triển khai cho đến khi nhóm Hamas bị đánh bại vì tổ chức này đe dọa các đối tác của Israel. Ngoài ra, chính phủ của ông Netanyahu cũng phản đối sâu sắc việc thành lập một nhà nước của người Palestine.

Trong tuyên bố đưa ra sau tối hậu thư từ ông Benny Gantz, ông Netanyahu cho biết các điều kiện của ông Gantz sẽ dẫn đến "thất bại cho Israel, bỏ rơi hầu hết các con tin, để nhóm Hamas nguyên vẹn và mở đường thành lập một nhà nước Palestine”. Dù vậy, ông khẳng định niềm tin vào việc chính phủ khẩn cấp đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giao tranh và ông “mong đợi ông Gantz sẽ làm rõ quan điểm của mình với công chúng”.

Lý giải sự chần chừ

Ông Benny Gantz là đối thủ đáng gờm nhất của Netanyahu theo các cuộc thăm dò ý kiến, việc ông rời khỏi chính phủ chưa chắc dẫn đến sự sụp đổ của nội các vì sự ủng hộ và liên minh của các chính đảng còn lại vẫn đủ bảo đảm thế đa số trong Quốc hội.

Tuy nhiên, thách thức từ ông Gantz cho thấy những căng thẳng gia tăng trong liên minh cầm quyền tại Israel, vốn do các đảng cực hữu thống trị. Nói cách khác, sự ra đi của ông Gantz sẽ khiến Thủ tướng Netanyahu càng phải “chịu ơn” các đồng minh liên minh cực hữu, bao gồm Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, những nhân vật quan trọng trong chính phủ.

Những quan chức này kêu gọi Israel tái chiếm Gaza, khuyến khích “sự di cư tự nguyện” của người Palestine khỏi lãnh thổ và tái lập các khu định cư của người Do Thái đã bị dỡ bỏ vào năm 2005.

Những người chỉ trích ông Netanyahu, trong đó có hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình hàng tuần trong những tháng gần đây, cáo buộc ông kéo dài cuộc xung đột vì sinh mệnh chính trị của chính mình. Ông Benny Gantz, người đã chấp nhận đưa chính đảng trung dung tham gia chính phủ sau các cuộc tấn công ngày 7/10/2023, đã cảnh báo người đứng đầu chính phủ Israel không nên “chọn con đường cuồng tín và dẫn cả đất nước đến vực thẳm”.

Ông Netanyahu phủ nhận những cáo buộc như vậy, nói rằng ông tập trung vào việc đánh bại phong trào Hamas và các cuộc bầu cử sẽ làm xao lãng nỗ lực giao tranh.

Thăm dò cho thấy ông Netanyahu sẽ thất bại nếu các cuộc bầu cử mới được tổ chức và ông Gantz rất có thể sẽ thay thế vị trí của ông. Điều này có khả năng sẽ đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp chính trị lâu dài của Thủ tướng Netanyahu và khiến ông bị truy tố về những cáo buộc tham nhũng lâu năm.

Truyền thông Israel liên tục đưa tin về sự bất bình ngày càng tăng trong cơ cấu an ninh Israel, với các quan chức cảnh báo rằng việc thiếu vắng kế hoạch thời hậu xung đột đang biến những thắng lợi chiến thuật thành thất bại chiến lược.

Theo đó, do thiếu lực lượng kiểm soát Gaza, phong trào Hamas đã nhiều lần tái tập hợp, ngay cả ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất mà Israel trước đây cho biết họ đã giải phóng. Giao tranh ác liệt đã nổ ra trong những ngày gần đây tại trại tị nạn Jabaliya được xây dựng ở phía Bắc và khu phố Zeitoun ở ngoại ô của Gaza.

Các cuộc đàm phán do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian nhằm ngừng bắn và thúc đẩy thả nhiều con tin bị lực lượng Hamas bắt giữ dường như cũng đang rơi vào bế tắc, trong khi gia đình của các con tin và những người ủng hộ đổ lỗi cho chính phủ Israel.

(theo Reuters, AP)

Hòa Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-hamas-doi-mat-ap-luc-tu-be-thu-tuong-netanyahu-nhan-them-thach-thuc-moi-tu-doi-thu-dang-gom-trong-noi-cac-271855.html