Xúc động trước tình cảm của người dân trên quê hương V.I.Lenin dành cho Bác

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên Xô có vai trò đặc biệt. Tại đây, Người đã được tiếp cận, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin, đường lối của Quốc tế Cộng sản, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào phong trào cách mạng Việt Nam, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam-Liên Xô, nay là Liên bang Nga. Cho đến nay, nhiều nơi tại Nga còn in đậm dấu ấn của Người qua các kỷ vật được lưu giữ trong bảo tàng, khắc ghi bằng Tượng đài, những tấm biển đánh dấu nơi Người từng làm việc, từng đặt chân đến…

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ulianovsk-Nga

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ulianovsk-Nga

Ulianovsk là thành phố thuộc tỉnh, nằm bên bờ sông Volga êm đềm, “địa linh nhân kiệt”, quê hương của V.I.Lenin, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản. Điểm đến mở đầu cho chuyến công tác của chúng tôi là tượng Đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, được dựng vào năm 2017, theo sáng kiến của chính cộng đồng người Việt tại đây và nhận được sự ủng hộ của tỉnh Ulianovsk, cũng như lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Chủ tịch Duma thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên gia thuộc Phòng các nhà lập pháp trẻ - Hội đồng Liên bang Nga, ông Ilya Nozhechkin cho biết, Đại lộ Hồ Chí Minh, tượng đài Hồ Chí Minh, quảng trường ở đây là địa điểm yêu thích của người dân địa phương: “Chúng tôi đặt hoa vào những ngày kỷ niệm. Chúng tôi tôn trọng quyền tự chủ văn hóa dân tộc và tất nhiên chúng tôi tương tác với nó. Trường số 76 nằm ngay gần đây, chỉ vài bước đi bộ, có bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tưởng nhớ và kính trọng Người. Chúng tôi đã đến đó ít nhất hai lần trong tháng trước”.

Lãnh đạo địa phương, đại diện cộng đồng người Việt và PV VOV cùng đặt hoa tại tượng Bác

Lãnh đạo địa phương, đại diện cộng đồng người Việt và PV VOV cùng đặt hoa tại tượng Bác

Tháng trước mà ông nhắc đến là dịp 19/05, kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác. Ông bày tỏ xúc động sâu sắc rằng, các dân tộc chúng ta có mối quan hệ hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau. Do đó, các tượng đài của các nhà lãnh đạo của hai quốc gia, các công trình lịch sử đã và sẽ được đặt ở trên lãnh thổ Nga và ở Việt Nam.

Phó Thị trưởng thành phố, đứng đầu quận Zasviyazhsky Nail Yumakulov giới thiệu với chúng tôi rằng, tượng đài Hồ Chí Minh nằm trên chính tuyến đường đông người, phương tiện qua lại. Ở đây có một khu nghỉ ngơi nhỏ, các cửa hàng, cảnh quan đẹp: “Chúng tôi cố gắng duy trì tượng đài trong trạng thái tiêu chuẩn tốt, vì đây là một địa điểm yêu thích của người dân, họ đưa con cái đến đây đi đạo, nghỉ ngơi. Chúng tôi rất cảm ơn nhân dân Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam đã dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây. Chúng tôi tự hào rằng ở quận Zasviyazhsky-thành phố Ulianovsk, ở khu vực của chúng tôi có tượng đài tuyệt vời này”.

Ông đưa chúng tôi vào thăm bảo tàng Hồ Chí Minh ở trường trung học số 76 mang tên Người ngay gần đó. Lãnh đạo và các học sinh của trường nồng nhiệt chào đón khách. Một nhóm học sinh lớp 8 thay nhau kể về Bác, về những ngày lễ truyền thống, nét đặc sắc của lịch sử, văn hóa Việt Nam: “Trường của chúng em được mang tên Người là vinh dự lớn. Về Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có thể bày tỏ sự khâm phục, với những gì Người đã làm, tư tưởng và hành động của Người, những đóng góp của Người vào lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới.

Chúng em thu thập thông tin. Chúng em biết về hoạt động chính trị của Người. Chúng em biết về những gì Người đã làm cho dân tộc mình. Hồ Chí Minh là Chủ tịch đầu tiên của Việt Nam. Người là anh hùng dân tộc. Tất cả chúng ta cần noi theo tấm gương của Người”.

Học sinh trường trung học số 76 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đón khách

Học sinh trường trung học số 76 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đón khách

Bà Lyudmila Grechko, hiệu trưởng nhà trường cho biết, vào năm 2017, theo sáng kiến của chính quyền thành phố và quận, trường được mang tên Chủ tịch đầu tiên của Việt Nam Hồ Chí Minh. Tại trường đã khai trương bảo tàng Hồ Chí Minh: “Trong 5 năm qua, chúng tôi cố gắng trang bị cho bảo tàng này. Chúng tôi đón các vị khách, học sinh của chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn thăm quan cho các vị khách bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga”.

Theo bà Lyudmila Grechko, một số hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bảo tàng của trường là những bản copy được Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, bảo tàng Matxcơva tặng, quà tặng của các vị khách. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đến thăm và tặng các bức chân dung anh, em, thân mẫu và thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Grechko rất vui và tự hào, vì không chỉ học sinh các trường lân cận, các tường của thành phố thăm quan bảo tàng, mà trước hết là các đoàn đại biểu từ các thành phố khác nhau, đặc biệt là cộng đồng người Việt từ Kazan, Saratov, Moscow, St.Petersburg. Trường đang lên kế hoạch dạy tiếng Việt, đưa nó trở thành một môn trong chương trình giảng dạy.

Hiện có một lớp đang huấn luyện cho các em trở thành hướng dẫn viên bảo tàng Hồ Chí Minh, các em được học về lịch sử Việt Nam và đây là lớp đầu tiên học tiếng Việt. Ngoài ra, bản thân trường cũng học tập, nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam, có các bộ phim về Việt Nam.

Bà Lyudmila Grechko, hiệu trưởng trường số 76 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bà Lyudmila Grechko, hiệu trưởng trường số 76 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hình ảnh về Bác tại bảo tàng của trường

Hình ảnh về Bác tại bảo tàng của trường

Trong một dịp trả lời phỏng vấn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh từng chia sẻ rằng, trong suốt nhiệm kỳ công tác, ông được tận mắt chứng kiến nhiều tình cảm của các vị lãnh đạo, chuyên gia, học giả, người dân Nga dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng ông ấn tượng hơn cả trước tình cảm của chính quyền, người dân Ulianovsk: “Ở đây tôi cảm thấy rất nhiều điều như ở Việt Nam, đấy là tình cảm hữu nghị đặc biệt của vị Thống đốc, của các vị lãnh đạo, của tỉnh đối với Bác Hồ, đối với Việt Nam. Tôi rất xúc động trước tình cảm của các cháu học sinh, của các thầy cô trường trung học số 76 dành cho Bác Hồ. Tôi nghĩ, tình cảm được hun đúc từ các cháu học sinh, những lớp thanh niên rất trẻ, thì đấy là nền tảng, điều mà chúng tôi có niềm tin vững chắc rằng, những lớp trẻ như hiện nay kế thừa các lớp đi trước, tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai đất nước”.

Trường trung học số 76 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ năm 2017 đã ký kết thỏa thuận hợp tác với trường chuyên Phan Bội Châu-Nghệ An. Còn tỉnh Ulianovsk và tỉnh Nghệ An từ lâu đã kết nghĩa, giao lưu về văn hóa, kinh tế-thương mại. Cộng đồng người Việt Nam tại Ulianovsk chăm chỉ làm ăn, có nhiều đóng góp cho sở tại. Nền tảng hợp tác với Liên xô/LB Nga mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, đang được chính quyền, nhân dân hai nước duy trì và phát triển. Người vẫn đồng hành cùng hai dân tộc.

Anh Tú/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/xuc-dong-truoc-tinh-cam-cua-nguoi-dan-tren-que-huong-vilenin-danh-cho-bac-post1029311.vov