Xúc động kỷ vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các lái xe, dân công vận tải

Trong số những kỷ vật được trưng bày tại gian phòng tiểu sử Đại tướng tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, bức thư của Người gửi 'các anh chị em dân công vận tải' vẫn còn vẹn nguyên và đầy xúc động.

Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thuộc Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, tại bản Phăng, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Công trình có diện tích 230m2 gồm 2 tầng.

Tại tầng 2 nơi thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một gian dành riêng để trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp của Người.

Trong số những kỷ vật được trưng bày, "Thư của Đại tướng Tổng tư lệnh gửi các anh em lái xe và phụ xe, các anh chị em dân công vận tải" đã hiện lên đầy hào hùng và nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Vận tải trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bức thư này do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp soạn gửi các đồng chí lái xe và anh chị em dân công vận tải nhằm động viên tinh thần thi đua phục vụ bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đồng chí lái xe và anh chị em dân công vận tải, động viên tinh thần thi đua phục vụ bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bức tâm thư hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã nhiều người đến đây để xem bức thư và rất xúc động trước kỷ vật này.

Nguyên văn nội dung bức thư đề cập:

"Nhiệm vụ giết giặc của bộ đội ngày càng lớn. Nhiệm vụ cung cấp cho bộ đội ngày càng lớn. Nhiệm vụ ngành Vận tải lại càng nặng nề và quan trọng.

Để bảo đảm cho bộ đội giết giặc, tất cả các đội vận tải, các anh em lái xe, phụ xe, các anh chị em dân công vận tải hãy cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ, thi đua tăng năng suất, thi đua tranh thủ thời gian, thi đua chuyển cho nhiều hàng, thi đua tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe cộ, giữ gìn hàng hóa.

Muốn được như vậy, các anh chị em cần có quyết tâm vững chắc, cần có tinh thần chịu đựng gian khổ, cần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, các anh chị em hãy hăng hái thi đua giật giải thưởng của Hồ Chủ tịch, giật giải thưởng của Bộ tổng tư lệnh".

Nội dung bức thư thể hiện sự quan tâm sâu sát, tầm nhìn chiến lược và tình cảm của người Anh cả quân đội dành cho anh chị em dân công vận tải trong những năm tháng khó khăn tại Điện Biên Phủ.

Bức thư của Đại tướng được đánh máy, trở thành tài liệu lịch sử chân thực nhất góp phần làm sáng rõ vai trò chiến lược và tầm quan trọng của mặt trận giao thông vận tải trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà sau này đã trở thành trận đại thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Hình ảnh dân công Việt Nam sử dụng xe đạp thồ vận chuyển lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngoài bức thư Đại tướng gửi anh chị em dân công vận tải, còn rất nhiều tài liệu về cuộc đời Đại tướng và con đường cách mạng của Người.

Xung quanh căn phòng trưng bày thuộc khu tưởng niệm được chia thành 5 gian riêng biệt: "Bên dòng Kiến Giang" - Giới thiệu về tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "Con đường cách mạng" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thời kỳ trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, "Con đường cách mạng" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ và "Quyết định lịch sử", "Con đường cách mạng" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thời kỳ sau Chiến dịch Điện Biên Phủ và Vị tướng của nhân dân.

Gian trưng bày "Bên dòng Kiến Giang" - Giới thiệu về tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013), tên khai sinh là Võ Giáp, là một nhà lãnh đạo quân sự và chính trị gia lỗi lạc. Ông là Đại tướng đầu tiên - Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Huân chương Sao Vàng do Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quôc.

Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 7h ngày 7/4/1975 "Thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam".

Thân sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, liệt sỹ Võ Quang Nghiêm (bên trái) và cụ bà Nguyễn Thị Kiên (bên phải).

Ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời còn là sinh viên Luật khoa Đại học Đông Dương năm 1934.

Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp cùng người vợ đầu - bà Nguyễn Thị Quang Thái (bên trái), và ảnh Đại tướng chụp cùng người vợ sau - bà Đặng Bích Hà (bên phải).

Gian trưng bày "Con đường cách mạng" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - thời kỳ trước Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lời hiệu triệu của Tổng quân ủy gửi đoàn thể các đồng chí của Đảng trong chiến dịch XX. Hiệu triệu nêu rõ quyết tâm của Hồ Chủ Tịch và Trung ương Đảng là phải tiêu diệt toàn bộ quân địch ở XX (Điện Biên Phủ). Lời hiệu triệu do đồng chí Võ Nguyên Giáp viết và cơ quan tuyên huấn mặt trận Điện Biên Phủ ấn hành gửi tới các chi bộ Đảng cơ sở của các đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch, quán triệt đến từng Đảng viên.

Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110 - SL phong hàm đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp - đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở tuổi 37.

Một trong những bài báo đầu tiên của đồng chí Võ Nguyên Giáp dưới bút danh Hải Thanh có tên Vũ trụ và Tân Hóa in trên báo Tiếng Dân năm 1929 do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ biên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn dạy tại trường Thăng Long.

Gian trưng bày "Con đường cách mạng" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ và "Quyết định lịch sử".

Thư số 45/CT của Tổng quân ủy, ngày 29/3/1954 gửi toàn thể các đồng chí Đảng viên trước đợt II cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ ngày 21/3/1954 - 4/4/1954.

Gian trưng bày "Con đường cách mạng" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thời kỳ sau Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điện ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi từ Hà Nội cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ quân đoàn XX tăng cường (anh Hòa, anh Tấn) truyền đạt. Các đồng chí lên đường và làm nhiệm vụ vẻ vang.

Gian trưng bày "Vị tướng của Nhân dân" gồm các bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại nhân dân và chiến trường xưa.

Không ai có thể chiến thắng được thời gian, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ đã không còn nữa nhưng hình ảnh, dấu ấn của Đại tướng vẫn hàng ngày, hàng giờ hiện hữu trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.

Đăng Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xuc-dong-ky-vat-dai-tuong-vo-nguyen-giap-gui-cac-lai-xe-dan-cong-van-tai-192240416231150887.htm