Xúc động khi ngắm bức tranh cổ động về chiến dịch Điện Biên Phủ

Thông qua ngôn ngữ và hình ảnh, màu sắc, các tác phẩm tranh cổ động về chiến dịch Điện Biên Phủ đã chuyển tải ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Ngày 17/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).

Tranh 'Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ' giành giải Nhất.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Quốc Huy cho biết, các tác phẩm tranh cổ động được tuyển chọn trưng bày triển lãm và đạt giải thưởng đã thể hiện rõ nội dung tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu về mỹ thuật. Thông qua ngôn ngữ và hình ảnh, màu sắc, các tác phẩm đã chuyển tải ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Kết thúc cuộc thi, Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn 70 tác phẩm tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó có 16 giải: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 1 giải Phong trào.

Theo đó, giải Nhất thuộc về tác giả Đỗ Như Điềm (Thái Bình) với tác phẩm Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai giải Nhì thuộc về tác giả Đỗ Như Điềm với tác phẩm Điện Biên Phủ, Chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam và tác giả Nguyễn Duy Thành (Hà Nội) với tác phẩm Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bác bảo thắng là thắng...

Tác phẩm giành giải Nhất cuộc thi sáng tác kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).

Đối với tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn 65 tác phẩm trưng bày triển lãm, trong đó có 17 giải thưởng: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 1 giải Phong trào.

Giải Nhất được trao cho tác giả Phạm Bình Định (Hà Nội) với tác phẩm Chào em cô gái mở đường. Hai giải Nhì trao cho tác giả Nguyễn Công Quang (Hà Nội) với Con đường huyền thoại và tác giả Nguyễn Duy Thành (Hà Nội) với tác phẩm Soi cho ta đi đánh trận trường kỳ.

Một số tác phẩm giành giải:

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xuc-dong-khi-ngam-buc-tranh-co-dong-ve-chien-dich-dien-bien-phu-2271525.html