Xuất siêu nhưng tăng trưởng thấp

Qua chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu vẫn còn xa mục tiêu tăng 10% so với năm 2015: quí 1-2016 chỉ tăng 4,1%; sáu tháng tăng 5,9%, chín tháng tăng 6,7%.

Năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp vùng đồng bằng sông Cửu Long không có mùa nước nổi, nắng hạn hợp sức với xâm ngập mặn, gây thiệt hại kép về trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Hai trụ cột của ngôi nhà xuất khẩu không vững

Hai trụ cột công nghiệp và nông nghiệp cho ngôi nhà xuất khẩu không vững. Năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không có mùa nước nổi, nắng hạn hợp sức với xâm ngập mặn, gây thiệt hại kép về trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Và, sự cố ô nhiễm môi trường ven biển bốn tỉnh miền Trung cũng góp phần không nhỏ.

Ngành chế biến, chế tạo có mức tăng cao nhất trong khối công nghiệp nhưng vẫn không “cõng” nổi sự sa sút của ngành khai khoáng, trong đó trọng tâm là dầu khí (được dự báo là tiếp tục khó khăn trong những tháng cuối năm do giá dầu khôi phục chưa rõ, khó đạt được mức giá kế hoạch như kỳ vọng). Ngành dệt may thì từ quí 2, đơn hàng xuất khẩu chững lại và bắt đầu giảm từ quí 3. Khách hàng sộp từ châu Âu, Nhật Bản nghe như “lảng” dần.

Có điểm sáng

Thật ra xuất khẩu cũng có điểm sáng, như xuất khẩu rau quả. Lần đầu tiên rau quả đã đuổi kịp rồi vượt xuất khẩu gạo. Tám tháng đầu năm 2016, gạo xuất khẩu được 1,5 tỉ đô la Mỹ thì rau quả hơn chút đỉnh, với 1,573 tỉ đô la Mỹ; đến chín tháng, gạo lên 1,691 tỉ đô la Mỹ thì rau quả vọt lên 1,811 tỉ đô la Mỹ (gần bằng kim ngạch của chính mặt hàng này cả năm 2015). Thực ra, không chỉ vượt gạo mà vào thời điểm này rau quả đứng thứ ba trong chín mặt hàng thuộc nhóm nông lâm, thủy sản.

Lúng túng nhiều mặt hàng

Giá gạo xuất khẩu vào thời điểm này thua những tháng đầu năm. Lượng gạo xuất khẩu còn sa sút hơn. Nguyên do từ bên ngoài là sự giảm nhu cầu cùng với việc thay đổi chính sách (kiềm chế nhập khẩu ở các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam) và không loại trừ áp lực từ việc Thái Lan xả kho gạo tồn kho. Châu Á - khu vực thị trường chính về gạo của Việt Nam - giảm nhiều. Cho đến nay các đơn hàng lớn đã tất toán, đơn hàng mới chờ mở thầu, nghĩa là nhu cầu chưa lộ diện hết. Còn bên trong thì hiện tượng thời tiết cực đoan - hạn, mặn trên diện rộng - đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất lúa gạo, nhất là vựa lúa ĐBSCL.

Năm 2016 muốn tăng xuất khẩu 10% so với năm 2015 thì tổng kim ngạch xuất khẩu phải được 180 tỉ đô la Mỹ, trừ kết quả đạt được trong chín tháng đầu năm là 128 tỉ đô la Mỹ thì quí cuối phải “cõng” 52 tỉ đô la Mỹ.

Xuất khẩu dệt may đang gặp khó về sản xuất đã đành, còn phải đối mặt với các đối thủ mới toanh ngay bên cạnh. Campuchia, Myanmar, Bangladesh... được ưu đãi thuế nhập khẩu dệt may vào Mỹ là 0%, trong khi Việt Nam vẫn phải chịu thuế lên tới 17%. Không những thế, giá nhân công tại các nước này cũng đang thấp hơn Việt Nam khiến khách hàng chuyển đơn đặt hàng sang các đối tác đó. Muốn được ưu đãi về thuế suất theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam phải tới chờ tới ít nhất là năm 2018. Với những quốc gia mà ta chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) thì trở ngại với xuất khẩu dệt may là đương nhiên.

Sản xuất điện thoại và các mặt hàng điện tử đã gần đến ngưỡng công suất thiết kế, nên mức tăng phổ biến là một chữ số, nếu có hai chữ số thì cũng khiêm tốn không bùng nổ như hồi mới khai trương, tới ba chữ số.

Chín tháng qua, xuất khẩu mặt hàng đồ trang sức có mức tăng cao nhất trong các mặt hàng chủ lực so với năm 2015 (64,5%) song kim ngạch còn xa mới tới một tỉ đô la Mỹ, trong khi năm 2010 xuất khẩu mặt hàng này đã là 2,8 tỉ đô la Mỹ.

Xuất khẩu than chỉ bằng nửa cùng kỳ năm ngoái. Đáng quan ngại là nhập khẩu than gấp 17 lần so với xuất khẩu về số lượng và gấp 10 lần về kim ngạch.

Nhập khẩu vẫn thất thường

Nhập khẩu năm nay cũng thất thường, thường thấp hơn mức tăng của xuất khẩu. Theo đó, trong quí 1-2016, sáu tháng rồi chín tháng đầu năm, mức tăng của nhập khẩu lần lượt là tăng 4,8%, giảm 0,5% và tăng 1,3%.

Dù trong ba kỳ thống kê, tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu không giống nhau song có điểm giống nhau là nhóm hàng “cần nhập khẩu” có mức tăng thấp hơn mức tăng trưởng chung, còn các nhóm hàng “cần phải kiểm soát” và “hạn chế nhập khẩu” thường có mức tăng cao hơn mức tăng chung của nhập khẩu. Hàng cần nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên, vật liệu tăng chậm, lý giải cho việc sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu ì ạch. Hàng phải kiểm soát và hạn chế nhập tăng cao hơn không thể là điều đáng khích lệ. Chín tháng đầu năm 2016, riêng ô tô nguyên chiếc các cỡ, các kiểu, ta đã nhập 76.899 chiếc, ngốn 1,737 tỉ đô la Mỹ.

Quí 1-2016, cả nước xuất siêu 0,8 tỉ đô la Mỹ thì doanh nghiệp FDI xuất siêu 4,8 tỉ đô la Mỹ, doanh nghiệp trong nước nhập siêu 4 tỉ đô la Mỹ. Các cặp số tương ứng của sáu tháng đầu năm là: 1,5 - 11,2 - 9,7 tỉ đô la Mỹ; của chín tháng đầu năm là 2,8 - 17,2 - 14,4 tỉ đô la Mỹ. Điều này không mới nhưng đảo ngược tình thế không dễ.

Tăng tốc không dễ

Thời gian còn lại không nhiều mà mục tiêu còn xa, nhiệm vụ để lại cho quí 4 năm nay rất nặng. Năm 2016 muốn tăng xuất khẩu 10% so với năm 2015 thì tổng kim ngạch xuất khẩu phải được 180 tỉ đô la Mỹ, trừ kết quả đạt được trong chín tháng đầu năm là 128 tỉ đô la Mỹ thì quí cuối phải “cõng” 52 tỉ đô la Mỹ, bình quân mỗi tháng trong quí cuối phải gánh 17,3 tỉ đô la Mỹ - điều mà chín tháng qua chưa tháng nào đạt được. Song vẫn hy vọng vì xuất khẩu quí 4 thường tăng trưởng bứt phá hơn các quí đầu năm. Cùng với đó, nhiều cam kết có lợi cho Việt Nam từ các FTA bắt đầu có hiệu lực.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152287/xuat-sieu-nhung-tang-truong-thap.html/