Xuất khẩu từ nay đến cuối năm ra sao?

Dù kết quả xuất khẩu tháng 5 đã khả quan hơn nhưng hiện vẫn có những dự báo ngược chiều về diễn biến xuất khẩu trong những tháng tới; bên cạnh kỳ vọng phục hồi, có ý kiến cho rằng xuất khẩu có thể tiếp tục sụt giảm.

Xuất khẩu tăng nhẹ

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt hơn 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 136,17 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có hơn 88% từ nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong đó các mặt hàng điện tử đã lấy lại đà tăng trưởng. Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng rất tốt như như gạo, rau quả, hạt điều… Đáng lưu ý, mặt hàng gạo đã thâm nhập vào thị trường EU có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng; tận dụng khá tốt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA.

Xuất nhập khẩu 5 tháng giảm 14,7%. Nguồn: ITN

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu gần 10 tỷ USD, đây là một điểm sáng, giúp nước ta ổn định cán cân ngoại hối… Mặc dù vậy, xuất nhập khẩu 5 tháng vẫn tiếp đà giảm sâu tới 14,7% so với cùng kỳ năm trước và sụt giảm ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Cụ thể, xuất khẩu giảm 11,6%, nhập khẩu giảm 17,9%. Sụt giảm nhập khẩu lớn hơn phản ánh tình hình sản xuất tiếp tục khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu giảm. Thực tế, các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ vẫn tiếp tục khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng.

Theo đại diện Bộ Công thương, hiện lạm phát đã giảm ở một số thị trường có thể giúp hoạt động xuất khẩu phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm.

Trong báo cáo phân tích ngành thủy sản, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm sẽ hồi phục khi nhu cầu tiêu thụ của cả ba thị trường chính, bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc có dấu hiệu tăng. Với thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa cuối năm sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư chứng khoán và trái phiếu, VinaCapital, cho biết hàng tồn kho tại Mỹ đang giảm với tốc độ khá nhanh. Cụ thể, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã tăng nhanh và đạt đỉnh vào cuối năm 2022 với mức tăng trưởng là 20% so với cùng kỳ, đang giảm nhanh về mức 10% và sẽ tiệm cận mức 0% vào cuối năm nay. “Do đó chúng tôi tin rằng triển vọng cho khối sản xuất đang dần tích cực trở lại và các đơn hàng tại các nhà máy ở Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2023", bà Thu nói.

Không hẳn lạc quan

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Maybank (gồm Brian Lee Shun Rong và Chua Hak Bin) không lạc quan như vậy; trong báo cáo về kinh tế Việt Nam công bố cuối tháng 5, Maybank cho rằng, xuất khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 4,3% so với tháng 4 nhưng so với cùng kỳ năm 2022 vẫn giảm 5,8%. Mức tăng tháng 5 vừa qua một phần do trong tháng 4, xuất khẩu đã giảm 6,2% so với tháng trước.

Các nhà nghiên cứu của Maybank dự báo xuất khẩu sụt giảm có thể sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm nay, dù có thể thấy sự phục hồi khiêm tốn trong quý IV. Lý do là nhu cầu từ Mỹ và EU có thể sẽ vẫn yếu do tăng trưởng chậm và hàng tồn kho của các nhà bán lẻ vẫn tăng cao. Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị suy giảm do nhu cầu ảm đạm của toàn cầu và sự phục hồi của Trung Quốc. Tổ chức này tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam xuống âm 4,1%.

Trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bộ đã, đang và sẽ tập trung xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Đặc biệt, sẽ đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei). Ông cũng đề nghị các Thương vụ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với cơ quan xúc tiến thương mại, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Trong khi đó, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh yếu tố chất lượng sản phẩm khi thị trường xuất khẩu ngày càng có nhiều đòi hỏi, yêu cầu khắt khe, nhất là về an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, tiêu chuẩn phát thải... Do đó, kể cả khi đã thâm nhập thị trường, các doanh nghiệp vẫn phải hết sức lưu ý duy trì tốt về chất lượng sản phẩm, nếu không sẽ bị đào thải và rất khó lấy lại uy tín.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xuat-khau-tu-nay-den-cuoi-nam-ra-sao-i332199/