Xuất khẩu sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử

Vừa qua, nhiều chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai đã tham gia hội thảo tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua thương mại điện tử (TMĐT) tại TP.Đà Nẵng. Đây là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại của Sở Công thương Đồng Nai nhằm hỗ trợ cho các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh có cơ hội bán hàng qua kênh TMĐT vào thị trường Trung Quốc.

Doanh nghiệp Đồng Nai trao đổi với doanh nghiệp tư vấn xuất khẩu nông sản qua kênh thương mại điện tử vào thị trường Trung Quốc tại hội thảo ở TP.Đà Nẵng. Ảnh: B.Nguyên

Xuất khẩu qua TMĐT là bán sản phẩm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Đây là giải pháp mở ra cơ hội xuất khẩu vào thị trường lớn Trung Quốc cho những nhà sản xuất quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

* Cơ hội cho chủ thể sản xuất nhỏ

Tại hội thảo tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua TMĐT, Chi hội trưởng Chi hội TMĐT Đà Nẵng (trực thuộc Hiệp hội TMĐT Việt Nam) Võ Văn Khanh kể: “Tôi đã đi một số tỉnh của Trung Quốc, tại một siêu thị ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) tôi thấy trái bơ Việt Nam được bán ở đây với giá rất cao dù chất lượng không phải quá tốt. Vì sản phẩm của chúng ta vào Trung Quốc mất rất nhiều thời gian, qua các khâu trung gian”.

Theo ông Khanh, lâu nay câu chuyện xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu theo cách truyền thống và tham gia vào thị trường này thường là doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn đáp ứng được các điều kiện về giấy tờ, thủ tục, về sản lượng hàng hóa... Nhưng đến nay lại là câu chuyện của xuất khẩu qua kênh TMĐT với cơ hội xuất khẩu trực tiếp sản phẩm vào thị trường Trung Quốc cho cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bà Nguyễn ANNA, đại diện Công ty TNHH VIETFAS (Hà Nội) chia sẻ thêm, với mô hình xuất khẩu xuyên biên giới qua kênh TMĐT, nhà sản xuất chỉ cần đáp ứng yêu cầu làm ra sản phẩm tốt, chứ không cần đáp ứng yêu cầu làm sản lượng lớn. Trong 1 container hàng xuất đi, có thể gồm cả trăm mặt hàng từ nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nhỏ từ các tỉnh, thành khác nhau. Hàng hóa sẽ thông qua kho ngoại quan của Trung Quốc để phân phối trực tiếp sâu vào thị trường Trung Quốc. Việc nhập khẩu hàng hóa theo hình thức nhập khẩu xuyên biên giới này có nhiều thuận lợi như: giúp giảm các thủ tục xuất, nhập khẩu vì nhiều loại hàng hóa được miễn kiểm tra chuyên ngành nên giảm nhiều loại thủ tục mà thường các cơ sở sản xuất nhỏ rất khó đáp ứng; miễn, giảm thuế nhập khẩu… Ngoài ra, hệ thống kho ngoại quan của Trung Quốc có nhiều hỗ trợ cho nhà sản xuất như tổ chức showroom trưng bày, trải nghiệm, mua sản phẩm (nơi người dân Trung Quốc đến cầm, nắm, thử sản phẩm và mua trực tiếp); tổ chức bán sản phẩm qua các sàn TMĐT; có dịch vụ đóng gói, giao hàng đến tận tay người tiêu dùng… Lợi thế lớn nhất của kênh phân phối này là giúp nhà sản xuất giảm được các khâu trung gian trong phân phối. Đây là hình thức để nhà sản xuất bán hàng trực tiếp đến người mua lẻ và hàng hóa đi sâu, tiếp cận với toàn thể khách hàng Trung Quốc chứ không chỉ phân phối ở một ngách nhỏ tại một số tỉnh, thành như trước.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đang xúc tiến đưa hàng hóa, nông sản, sản phẩm OCOP của Việt Nam vào kho ngoại quan của tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những kho ngoại quan có tốc độ tăng trưởng rất nhanh với tổng diện tích 14km2, có hệ thống kho ngoại quan trải rộng khắp nội địa Trung Quốc. Sản phẩm được đưa vào kho ngoại quan này sẽ được hỗ trợ tổ chức bán hàng trực tuyến đến toàn bộ người tiêu dùng Trung Quốc.

* Chi phí rẻ để “phủ sóng” toàn thị trường Trung Quốc

Giám đốc Công ty CP Biliver Việt Nam (Hà Nội) Trần Anh Dũng cho hay, về tổng quan TMĐT của thị trường Trung Quốc hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp, người dân Trung Quốc tham gia bán hàng bằng hình thức live stream với đủ mọi mặt hàng. Kho ngoại quan có dịch vụ tổ chức live stream bán hàng trực tuyến. Doanh thu bán hàng qua mạng rất tốt. Ông Dũng nêu những thuận lợi để bán hàng qua kênh TMĐT vào thị trường Trung Quốc gồm: dân số đông; phát triển cực kỳ mạnh về internet và người dân sử dụng phổ biến điện thoại thông minh; logistics rất phát triển, nhất là hệ thống về giao thông; thanh toán online rất phát triển. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, người dân Trung Quốc đã hình thành thói quen mua sắm trực tuyến, ngay cả với các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Có lợi thế không nhỏ là dịch vụ giao hàng của Trung Quốc phát triển mạnh, giao hàng rất nhanh, dịch vụ chuyên nghiệp, có đội ngũ đánh giá sản phẩm trên TikTok…

Tại hội thảo, doanh nghiệp Đồng Nai giới thiệu nhiều mặt hàng như: trái cây sấy, sản phẩm chế biến từ thịt, các loại nước chấm, gia vị, đông trùng hạ thảo… mong được kết nối đưa vào kho ngoại quan tỉnh Hà Nam, xuất khẩu hiệu quả sản phẩm qua hình thức TMĐT xuyên biên giới.

Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) chia sẻ: “DN đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo cách truyền thống. Sau khi nghe và được tư vấn về điều kiện và các giải pháp xuất khẩu nông sản xuyên biên giới qua kênh TMĐT, tôi thấy đây là kênh phân phối hàng tiềm năng mà doanh nghiệp rất mong được tham gia. Đây là kênh bán hàng mới rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro, rất phù hợp cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/xuat-khau-san-pham-ocop-qua-kenh-thuong-mai-dien-tu-4235bc9/