Xuất khẩu rau quả tăng mạnh, mừng và lo!

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) rau quả năm 2016 ước đạt 2,6 tỷ USD và Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất khi chiếm đến 70%. Đây là một tín hiệu vui, song cần thận trọng để không bị lệ thuộc quá lớn vào thị trường này. Bài học từ heo, gạo... đã chứng minh yếu tố rủi ro rất lớn trong những thương vụ giao dịch với thương lái Trung Quốc, dù đây là thị trường rất tiềm năng.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Năm 2016 là thời điểm đánh dấu mức tăng trưởng mạnh của ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam. Theo báo cáo mới đây của Bộ Công thương, chỉ tính đến tháng 11/2016, KNXK của ngành này đã đạt 2,17 tỷ USD và ước đạt từ 2,5-2,6 tỷ USD khi năm 2016 khép lại, trong khi kế hoạch đề ra là 2 tỷ USD.

Cần tìm thị trường mới cho rau quả Việt Nam. (Ảnh: Kiều Dũng)

Tăng trưởng với tốc độ cao, thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của ngành rau quả Việt Nam. Thậm chí, chuyên gia nông nghiệp Đào Thế Anh còn khẳng định khả năng KNXK rau quả có thể nâng lên mức 5 tỷ USD nếu giải quyết thấu đáo các điểm yếu còn tồn tại, trong đó có 2 điểm yếu lớn nhất chưa giải quyết được là thị trường và vùng nguyên liệu chế biến.

Về mặt thị trường, ông Đào Thế Anh cho rằng: Việt Nam phải đẩy mạnh khâu giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ nông sản, thực phẩm quốc tế như: Anuga (Đức), Sial (Pháp), Moscow (Nga), Foodex (Nhật Bản)... Từ đây, doanh nghiệp và sản phẩm Việt sẽ được biết đến. Đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ với các đối tác ở nhiều thị trường để nắm bắt và đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ngoài ra, để có thể tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thì công đoạn chế biến là cực kỳ quan trọng. Nhưng điều này vẫn chưa được triển khai tốt ở Việt Nam. Chúng ta có lợi thế với những vùng khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù phù hợp với từng loại rau quả khác nhau, do đó cần xây dựng nhà máy chế biến gắn liền với vùng nguyên liệu. Thực chất việc quy hoạch nhà máy chế biến xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu đặc thù đã được thực hiện từ cách đây rất lâu nhưng hiệu quả đạt được thì chưa như mong đợi.

Các chuyên gia về xuất khẩu rau quả cũng đồng loạt khẳng định, ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. Những vùng có thể phát triển mạnh như trung du và miền núi Bắc bộ, Tây Nguyên hay đồng bằng sông Cửu Long... vẫn chưa được khai thác triệt để lợi thế. Hướng tới, nếu việc xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu được triển khai tốt, rau quả Việt Nam không chỉ phát huy được thế mạnh vốn có, mà KNXK cũng sẽ tăng thêm 5-10 lần nữa.

Niềm vui chưa trọn

Rau quả Việt Nam hiện đã được xuất đi ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thế nhưng, chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 70% tổng KNXK, trong khi 39 thị trường còn lại chỉ chiếm 30%. Đặc biệt những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc lại chỉ khiêm tốn ở mức 3,1-3,6%. Nguyên nhân là bởi thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ lớn lại khá dễ tính trong khâu kiểm tra chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, thị trường này vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro khiến người nông dân chưa thật sự yên tâm.

Chị Trương Thu Thảo (Vĩnh Long) cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây gia đình tôi bắt đầu xuất bán loại bưởi da xanh, mà loại này thì nước ngoài rất mê. Chúng tôi có thương lái từ Trung Quốc qua đặt mua tại vườn luôn, không cần phải chuyển đi đâu. Nói chung từ khi có bưởi xuất bán thì thu nhập cũng ổn định, khó khăn mình chưa gặp nhiều và cũng đang mở rộng trồng thêm ở Bến Tre”.

Đưa sản phẩm trưng bày, giới thiệu ở các hội chợ nông sản - thực phẩm quốc tế là một giải pháp mở rộng thị trường, tăng KNXK. (Ảnh: Tuấn Vương)

Vui mừng là thế nhưng chị Thảo vẫn còn nhiều đắn đo. Chị nói “hầu hết người dân ở đây cũng đều bán cho lái Trung Quốc vì giá tốt. Nhưng mà sau mấy cái vụ thương lái Trung Quốc ép giá heo, ép giá ớt... của bà con mình diễn ra liên tiếp nên tôi cũng lo lo”. Ngoài ra, chị Thảo cũng cho biết thêm, với việc giá cả ổn định, thu nhập tốt nên người dân cũng bắt đầu đua nhau trồng loại này nhiều hơn. Thời gian tới, chắc chắn sản lượng sẽ tăng lên đáng kể, nếu không xuất đi nước ngoài được mà chỉ tiêu thụ trong nước thì chắc chắn không hết, dẫn đến ứ đọng, rớt giá và khi đó người trồng bưởi sẽ lại lâm vào cảnh khó khăn như người nuôi heo, trồng ớt... trước đây.

Cùng quan điểm với chị Thảo, anh Lữ Phú Quốc, người đang có 2 ha với gần 250 gốc măng cụt ở Lái Thiêu (Bình Dương) chia sẻ: “Măng cụt vốn là loại trái cây có giá trị kinh tế cao, gia đình tôi cũng đã gắn với nó hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy ổn định được thời gian lâu dài. Ngoài việc cung cấp cho thành phố thì măng cụt Lái Thiêu chủ yếu đi Trung Quốc nhưng thị trường này rất bấp bênh, cứ “phình lên, xẹp xuống” liên miên. Đất này thích hợp với nó với lại cũng là cái nghề truyền thống xưa giờ của gia đình nên mình phải bám, chứ không an tâm!”.

Trước những đắn đo của người nông dân, ông Mai Văn Minh - Giám đốc Công ty CP TT Chuyện Nhà Nông (CNN) phân tích: Thị trường Trung Quốc thật ra rất tiềm năng bởi nó rộng lớn và có sức tiêu thụ mạnh, còn rủi ro hay không là do chúng ta. Chúng ta đã không quản lý chặt chẽ việc thương lái Trung Quốc tổ chức thu mua sản phẩm của nông dân tại vườn. Trên thực tế, họ có thể ngang nhiên vào nước ta, đến tận nhà vườn đặt điều kiện thu mua với nông dân mà chẳng cần xin phép ai và cũng không chịu sự giám sát của bất kỳ đơn vị nào. Điều này là hoàn toàn bất lợi cho người dân, kể cả ngành nông nghiệp.

“Không ai quản lý, giám sát đồng nghĩa với việc họ có thể tự do thương lượng về giá cả và các điều khoản mua bán đi kèm với nông dân. Những thỏa thuận này cũng chẳng có giá trị pháp lý thì không có sự ràng buộc của bất cứ cơ quan chức năng có thẩm quyền nào. Kẽ hở này đã tạo ra một không gian quá lớn, quá thoải mái để thương lái nước ngoài thỏa sức chèn ép người dân” - ông Minh nhấn mạnh.

Quản lý thương lái nước ngoài

Để tránh tình trạng phải chịu sự chi phối quá nhiều của thương lái, dẫn đến những hệ lụy khó lường cho người nông dân, ông Minh hiến kế: “Hơn ai hết, cấp quản lý thấp nhất ở các địa phương phải trực tiếp sâu sát, đi cùng với người nông dân và chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân trong các thỏa thuận, mua bán sản phẩm với thương lái nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta cần cấp phép để bảo vệ quyền lợi người dân.

Võ Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/xuat-khau-rau-qua-tang-manh-mung-va-lo-d52536.html