Xuất khẩu ngày 1-3/9: Sầu riêng Việt đang có lợi thế 'một mình một chợ'; mặt hàng nào tăng trưởng 3 con số sang thị trường Ấn Độ

Sầu riêng Việt đang có lợi thế 'một mình một chợ'; xuất khẩu đang dần lấy lại đà tăng trưởng... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 1-3/9 .

Cần có quy định về tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng để cạnh tranh, giữ được thị trường xuất khẩu. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Sầu riêng Việt đang có lợi thế "một mình một chợ"

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả mang về đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, con số trên đã vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 (3,16 tỷ USD) và với tốc độ tăng trưởng có thể vượt kỷ lục 3,81 tỷ USD vào năm 2018.

Đáng chú ý, với việc mang về 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng năm 2023, sầu riêng chính là nhóm hàng đóng góp lớn cho kỷ lục của rau quả.

Đặc biệt, đà tăng của loại trái cây này được dự báo còn tiếp tục bởi đây là lợi thế của Việt Nam khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ.

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, vụ sầu riêng chính ở vùng Tây Nguyên với sản lượng và diện tích rất lớn và trái vụ so với các nước khác. Thời điểm từ tháng 9, hầu như chỉ có Việt Nam có vụ sầu riêng và đây là lợi thế về xuất khẩu.

Đến nay, đã có hơn 300 các mã số vùng trồng sầu riêng và gần hơn 100 mã số cơ sở đóng gói. Do vậy hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ cho việc xuất khẩu cho các diện tích và sản lượng sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên đi một cách thuận lợi.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho hay, tháng 9 là thời điểm vùng sầu riêng lớn nhất nước - Tây Nguyên - vào vụ thu hoạch rộ. Trong khi đó, sầu riêng các nước khác đang vào cuối vụ, sản lượng hạn chế hoặc chỉ còn sản phẩm đông lạnh. Chính vì vậy, sầu riêng tươi của Việt Nam càng có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể vượt 1,5 tỷ USD.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực về thị trường và giá bán sau khi có được “tấm hộ chiếu” xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, thì ngành hàng sầu riêng cũng đối mặt nhiều biến động, bất an khi liên tục bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật, chất lượng không đảm bảo khi múi bị sống sượng, quả thối hỏng không thể chín vì trái bị cắt non.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do có những thời điểm giá lên cao, thương lái gom hàng mạnh, chủ vườn tranh thủ bán hàng chạy giá theo kiểu cắt một lần là sạch vườn thì tỷ lệ trái non rất lớn.

Việc chất lượng sầu riêng xuất khẩu nảy sinh nhiều vấn đề, thị trường tranh mua, tranh bán, bát nháo như hiện nay, theo các chuyên gia, lý do một phần nằm ở lòng tham của chủ vườn, thương lái; song phần lớn là trách nhiệm thuộc về các cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Mặt khác, vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng Việt Nam hiện nay là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng. Trong khi tại Thái Lan, nông dân được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, từ khi cây ra hoa, xả nhụy đã phải ghi chép, buộc dây đánh dấu, khi đủ ngày phải cắt trái kiểm tra, nếu chất lượng đảm bảo mới được phép cắt bán cho doanh nghiệp. Chính vì cách quản lý này nên sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, trong khi giá nhập khẩu sầu riêng Thái Lan và Việt Nam nhiều thời điểm ngang nhau, nhưng nếu làm hàng Thái Lan thì yên tâm về chất lượng, mẫu mã. Tình trạng này đang khiến loại trái cây xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam bị giảm uy tín, nguy cơ khó giữ được thị trường xuất khẩu bền vững.

Xuất khẩu đang dần lấy lại đà tăng trưởng

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%.

Cụ thể, về xuất khẩu tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 giảm 7,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%.

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,92 tỷ USD, giảm 9,2%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,79 tỷ USD, giảm 10,3%, chiếm 73,7%. Đáng chú ý, trong 8 tháng qua có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và̀ khoáng sản ước đạt 2,82 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hà̀ng công nghiệp chế biến ước đạt 201,31 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hà̀ng nông sản, lâm sản ước đạt 17,87 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hà̀ng thủy sản ước đạt 5,71 tỷ USD, chiếm 2,5%.

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, nhưng giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,8%).

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD. Trong 8 tháng qua, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 53 tỷ USD giảm 21% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 19,6 tỷ USD, giảm 9,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 146 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 32,3 tỷ USD, giảm 30,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,3 tỷ USD, giảm 34,5%; nhập siêu từ ASEAN 5,2 tỷ USD, giảm 38,4%.

Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8/2023 ước tính xuất siêu 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD.

Tháng 7/2023, nhóm hàng nào đạt tăng trưởng xuất khẩu 3 con số sang thị trường Ấn Độ?

Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, tháng 7/2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ đạt 1,26 tỷ USD, tăng 6,06% so với mức 1,18 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ trong đạt 766 triệu USD, tăng 22,8% so với mức 624 triệu USD trong cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 490 triệu USD giảm 12,5% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại trong tháng 7/2023 ở mức 275 triệu USD nghiêng về phía Việt Nam.

Sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng đạt tăng trưởng xuất khẩu 3 con số sang thị trường Ấn Độ. (Nguồn: Báo Công Thương)

Trong tháng 7/2023, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất với 199,2 triệu USD, tăng 152,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chiếm 26%.

Thứ hai là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện với giá trị 115,5 triệu USD, tăng 3,2% và chiếm tỷ trọng 15,1%. Thứ ba là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với giá trị 90,7 triệu USD, giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số nhóm hàng khác có mức tăng trưởng ấn tượng như hạt điều tăng 34 lần từ mức 6.000 USD lên 11,3 triệu USD; sắt thép các loại tăng hơn 10 lần từ mức 4,6 triệu USD lên 52,6 triệu USD; gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng gần gấp 4 lần từ 2,6 triệu USD lên 13,3 triệu USD.

Ngược lại một số nhóm hàng cho thấy sự suy giảm đáng kể như giày dép các loại giảm 63% từ 28 triệu USD xuống còn 10,2 triệu USD; Xơ sợi dệt các loại giảm 53% từ 10,8 triệu USD xuống 5 triệu USD.

Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 8,3 tỷ USD, giảm 7,7% so với mức 8,98 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2023 ở mức 4,66 tỷ USD, giảm 1,1% so với mức 4,72 tỷ USD năm ngoái. Nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 3,64 tỷ USD, giảm 14,9%. Thặng dư thương mại 1,02 tỷ USD (tăng 130,6%).

(tổng hợp)

Vân Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-1-39-sau-rieng-viet-dang-co-loi-the-mot-minh-mot-cho-mat-hang-nao-tang-truong-3-con-so-sang-thi-truong-an-do-240757.html