Xuất khẩu lao động có tay nghề: Cơ hội từ tầm nhìn chiến lược

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (hay còn gọi xuất khẩu lao động) là chiến lược quan trọng và lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm nay, chất lượng nguồn nhân lực luôn được đặc biệt chú trọng trong kế hoạch, mục tiêu của các cơ quan chức năng, nhất là đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi mà thị trường lao động ngoài nước ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.

Giờ thực hành nghề điện công nghiệp của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ.

Nâng cao cơ hội

Trường Cao đẳng cơ điện Phú Thọ là một trong số 45 trường được lựa chọn để đầu tư thành trường nghề chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Với nguồn kinh phí được Nhà nước tập trung đầu tư, thời gian qua trường không ngừng đổi mới trang thiết bị và chương trình giảng dạy, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trường hiện có hơn 1.000 học sinh, sinh viên theo học ở 13 ngành, nghề, trong đó có nhiều nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và khu vực ASEAN. Những năm gần đây, trường đã tổ chức đào tạo các ngành, nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao như: Công nghệ ô tô, hàn, cơ khí... Hàng năm, hơn 80% sinh viên sau tốt nghiệp đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo đúng ngành, nghề theo học. Trong đó, nhiều sinh viên nghề Công nghệ ô tô tìm được việc làm ổn định ở thị trường Nhật Bản với thu nhập cao. Thầy giáo Lê Đức Vũ - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Việc định hướng, tư vấn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) được nhà trường tổ chức miễn phí thường xuyên. Tính riêng năm 2023, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) và UBND huyện Thanh Ba tổ chức hai sàn giao dịch việc làm, thu hút hơn 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với trên 1.000 vị trí việc làm thuộc các ngành nghề: Công nghệ thông tin, điện công nghiệp, kế toán, hàn, công nghệ ô tô, điện tử, trong đó nhiều đơn hàng đi làm việc ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Úc... mở ra không ít cơ hội tìm kiếm việc làm với thu nhập cao cho sinh viên sau tốt nghiệp".

Được thành lập từ năm 2000, Trung tâm hợp tác đào tạo và XKLĐ (Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ) có chức năng tư vấn, tuyển dụng, đào tạo lao động, du học sinh đi làm việc và học tập ở nước ngoài. Hơn 20 năm qua, Trung tâm đã từng bước kết nối với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở ngoài nước, từ đó tuyển chọn, đào tạo và cung ứng hàng nghìn lao động với nhiều ngành nghề khác nhau đi làm việc tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, các nước Trung Đông... Số lao động này hiện đang làm việc ổn định và nhận được sự đánh giá cao của các chủ sử dụng lao động. Để có được kết quả đó, Trung tâm đã kết nối hợp tác trực tiếp với nhiều trường của Nhật Bản, Hàn Quốc và đã đưa được hàng trăm du học sinh trên địa bàn tỉnh sang học tập và làm việc tại hai thị trường tiềm năng này. Tỷ lệ học sinh được đào tạo nghề cơ bản, học tiếng đều đạt kết quả cao và được cấp VISA đến 90%, chi phí học tập thấp, cơ hội việc làm cao, tạo ra thu nhập ổn định hàng tháng từ 30-40 triệu đồng/người. Để tăng hiệu quả hoạt động, Trung tâm đã định hướng và đang tập trung khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có tiềm năng lớn, XKLĐ có tay nghề, lao động có thu nhập cao và ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Châu Âu,... Hiện tại, Trung tâm hợp tác đào tạo và XKLĐ đang dần hoàn thiện bộ máy tổ chức, không ngừng bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ nhân viên, xây dựng ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo trong toàn thể cán bộ, nhân viên. Để cải tiến và nâng cao hiệu quả công tác tạo nguồn lao động, Trung tâm có kế hoạch tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác có chức năng tạo nguồn lao động cung ứng cho các đơn hàng XKLĐ; mở các cơ sở đào tạo, văn phòng tiếp nhận hồ sơ lao động tại các địa phương để đưa các thông tin đến người lao động nhiều hơn. Cùng với đó, Trung tâm sẽ chú trọng đến công tác tuyển chọn và đào tạo lao động để nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Tăng cường liên kết

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, trung bình mỗi năm toàn tỉnh đưa được từ 2.500-2.700 người đi XKLĐ. Sau thời gian trầm lắng do ảnh hưởng đại dịch, năm nay, công tác XKLĐ của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bà Nguyễn Hiển Ngọc - Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động - Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đưa được gần 2.600 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (vượt 129,3% so với kế hoạch), trong đó tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Hàn Quốc. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh hiện đào tạo hơn 200 ngành, nghề, trong đó có một số ngành, nghề như: Công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại, điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị khách sạn, điện dân dụng... thu hút nhiều học sinh, sinh viên tham gia học tập. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, gần 90% số người học nghề có việc làm và thu nhập ổn định".

Sinh viên Trường Cao đẳng cơ điện Phú Thọ tìm kiếm cơ hội đi lao động có thời hạn ở nước ngoài tại sàn giao dịch việc làm.

Để có được kết quả đó, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH luôn chú trọng việc tăng cường mối liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp. Đây được coi là giải pháp quan trọng để đào tạo những thợ lành nghề, bậc cao mà thị trường lao động đang có nhu cầu lớn. Đến nay, các cơ sở hoạt động GDNN đã chủ động hợp tác, đặt hàng với doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm. Đa phần học sinh, sinh viên ra trường đều được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm với mức lương khởi điểm 6-8 triệu đồng/tháng/người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 của toàn tỉnh đạt 71%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt gần 30%.

Nhằm đẩy mạnh hợp tác ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong hoạt động GDNN; phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp, cơ sở GDNN trong việc tổ chức các chương trình, hoạt động liên kết đào tạo GDNN, giải quyết việc làm cho người lao động; đa dạng hóa các hình thức hợp tác, phát triển thị trường lao động, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-SLĐTBXH ngày 24/9/2021 về Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, trong đó đề ra các giải pháp hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động như: Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội nghề doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, GDNN đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; xây dựng và cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động; kết nối, thu hút các doanh nghiệp có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài vào tỉnh tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Thời gian tới, để XKLĐ trở thành một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, các cơ sở GDNN sẽ chủ động xây dựng chương trình đào tạo, bên cạnh kiến thức khung nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Khi người lao động đã có kỹ năng tay nghề vững vàng, sang nước bạn sẽ không mất nhiều thời gian để học hỏi và sẽ nhanh chóng thích nghi. Họ sẽ dành thời gian làm việc và học hỏi, bổ sung những kiến thức, trải nghiệm mới từ một quốc gia phát triển. Hết thời hạn làm việc ở nước ngoài, trở về Việt Nam, những lao động này sẽ trở thành nguồn lao động chất lượng cao cho tỉnh và cho đất nước.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/xuat-khau-lao-dong-co-tay-nghe-co-hoi-tu-tam-nhin-chien-luoc/202053.htm