Xuất khẩu lao động có chuyên môn, trình độ cao là xu hướng

Những ngày này, trên các phương tiện thông tin cả nước nóng lên vấn đề học xong THPT, có học sinh dù học khá, giỏi cũng không thi đại học như trước nữa mà chọn con đường xuất khẩu lao động để có thu nhập cao hơn, giải quyết được nhiều việc trước mắt. Đây là hình thức xuất khẩu lao động phổ thông. Tuy nhiên, không chỉ riêng học sinh, hiện nhiều bạn trẻ rất dũng cảm, sau khi tốt nghiệp đại học, họ đến với thị trường xuất khẩu lao động có chuyên môn, trình độ cao- nguồn lực đang được nhiều thị trường nước ngoài ưa thích.

Anh Trần Văn T. ở xã Gio An, huyện Gio Linh tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Khoa Chế tạo máy, nhưng nộp hồ sơ xin ứng tuyển việc làm nhiều chỗ, đợi gần một năm vẫn không có kết quả. Anh T. quyết định nhờ gia đình vay tiền để xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, thuộc phân khúc lao động chất lượng cao. Sau 5 năm, anh T. về nước, vốn liếng dành dụm được anh mua đất xây nhà 3 tầng sinh sống và kinh doanh tại TP. Đà Nẵng.

Nhờ những tháng ngày lao động miệt mài ở Nhật Bản trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, mang theo kiến thức được tích lũy từ nước ngoài về, bây giờ anh trở thành chuyên gia kỹ thuật cao về chế tạo máy nông nghiệp tại miền Trung mà doanh nghiệp nào cũng ước mơ có được lao động chất lượng như anh T..

Giám đốc một doanh nghiệp lớn đóng tại Đà Nẵng có lần chia sẻ, những lao động có tay nghề cao như anh T. hiện Việt Nam rất hiếm. Trong lúc đất nước đang thực hành nền nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu nên rất cần lao động chất lượng cao, được tôi luyện ở các nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, họ mang kiến thức, kỹ năng về phổ biến lại cho lao động địa phương.

Cũng tại xã Gio An, một nữ sinh tốt nghiệp “bằng đỏ” chính quy của Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội về quê xin việc làm không được vì biên chế chuyên ngành chưa có. Không chịu khoanh tay chấp nhận ở nhà đợi việc làm, em quyết định học tiếng Hàn Quốc để xuất khẩu lao động. Khi sang được Hàn Quốc, em vừa làm việc theo hợp đồng và thi trúng tuyển vào một trường đại học để học ngoài giờ nhằm trau dồi chuyên môn. Chăm chỉ, chịu khó sắp xếp thời gian lao động và học tập phù hợp nên em sớm có thu nhập gửi về cho gia đình trả khoản nợ trước đó vay nuôi mình học đại học ở Việt Nam; rồi hàng tháng còn phụ thêm tiền cho ba mẹ tích lũy để xây nhà.

Thực tế, có nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp đại học quyết định chọn con đường xuất khẩu lao động, không phải chỉ riêng thanh niên ở xã Gio An. Hiện lựa chọn này khá phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh và trong cả nước. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, tỉ lệ người tốt nghiệp đại học đến đơn vị làm hồ sơ xuất khẩu lao động ngày càng nhiều. Nhờ có trình độ chuyên môn nên các bạn hướng đến thị trường lao động khắt khe trong tuyển dụng như Nhật Bản, Đức, Ả rập Xê út… và có thu nhập rất cao.

Sâu xa của vấn đề sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học đi xuất khẩu lao động có từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là nhận thức rằng, đại học chỉ là một trong những đích đến chứ không phải là con đường duy nhất để quyết định sự thành công của một con người.

Bên cạnh đó, thực tế sinh viên ra trường những năm gần đây, tỉ lệ thất nghiệp cao, năm sau cao hơn năm trước. Vì vậy, xu hướng sau khi tốt nghiệp đại học và chọn con đường xuất khẩu lao động có chuyên môn, trình độ cao là vấn đề cần quan tâm. Thực tiễn những người đang đi theo con đường này đã mang đến những kết quả khả quan, một hướng lập nghiệp mới với thu nhập cao.

Các chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp phân tích, trước đây xuất khẩu lao động phổ thông thường được xem là giải pháp tích cực giúp thanh niên có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, vì không có điều kiện để học tiếp đại học.

Tuy nhiên, hiện nay các chương trình, chính sách xuất khẩu lao động đang dần chuyển hướng, hạn chế tiếp nhận lao động phổ thông, chuyển sang nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có chuyên môn, trình độ cao. Vì vậy, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã chọn xuất khẩu lao động để lập nghiệp, đây là nguồn lực chất lượng mà thị trường các nước muốn hợp tác. Sự lựa chọn này rất phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Khi được làm việc tại các nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, các lao động tiếp tục học hỏi, phát triển bản thân, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức để tham gia “sân chơi” lao động toàn cầu, đồng thời còn tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong tương lai.

Xuất khẩu lao động có chuyên môn, trình độ cao là chương trình thiết thực, ý nghĩa, giúp lao động có thu nhập cao hơn nhiều so với lao động phổ thông nên đang được Bộ LĐ,TB&XH đẩy mạnh. Cục Quản lý lao động ngoài nước của Bộ LĐ,TB&XH cho biết, cơ hội làm việc cho những lao động xuất khẩu đang rất lớn, đặc biệt là những người sở hữu chuyên môn cao. Nhiều thị trường đang có nhu cầu lớn về tuyển lao động có trình độ, chuyên môn cao và trả lương xứng đáng.

Đã đến lúc chúng ta không chỉ dựa vào lợi thế xuất khẩu lao động phổ thông giá rẻ, mà phải nâng cao chất lượng lao động, giá trị xuất khẩu, hình ảnh dân tộc, thương hiệu lao động. Vì vậy, các địa phương cần quan tâm hơn nữa để nâng cao chất lượng lao động, chú trọng đến xuất khẩu lao động có chuyên môn, trình độ cao.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/xuat-khau-lao-dong-co-chuyen-mon-trinh-do-cao-la-xu-huong/178670.htm