Xuất khẩu gỗ sang Mỹ: Lưu ý tính hợp pháp của nguyên liệu

Đây là quan điểm của nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo ngành công nghiệp chế biến gỗ “Mở rộng cơ hội xuất khẩu” sáng 4/10 tại Hà Nội.

Theo thông tin tại Hội thảo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng trong những năm vừa qua, ở mức trên 10%/năm. Năm 2015, lượng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt 2, 45 tỷ USD, tăng 17% so với con số 2,1 tỷ USD của năm 2014.

Ảnh: Hà Giang

Trong đó, các mặt hàng quan trọng được xuất khẩu sang Mỹ bao gồm: ván ghép, đồ mộc xây dựng, khung tranh, ảnh, gương, ván sàn, gỗ dán...

Trong 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 1,4 tỷ USD, chiếm trên 50% trong tổng kim ngạch của năm 2015. Các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao bao gồm: khung tranh, ảnh, gương, ván ghép, đồ mộc xây dựng, ván sàn, đồ dùng, trang trí bằng gỗ...

Đến thời điểm này, Hoa Kỳ đã và đang tiếp tục là quốc gia quan trọng nhất cho ngành gỗ của Việt Nam cả trên phương diện nguồn cung gỗ nguyên liệu và là thị trường lớn nhất trong tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Mức thặng dư trong thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục gia tăng. Đây là những tín hiệu tích cực, phản ánh rõ nét việc mở rộng nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại Mỹ trong tương lai.

Theo các đại biểu, thiếu hụt về nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước trong bối cảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang tiếp tục mở rộng đòi hỏi mỗi năm Việt Nam cần phải nhập khẩu gỗ từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 160-170 loài và lượng nhập khoảng 4-4,5 triệu m3 gỗ quy tròn.

Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia chính sách của Tổ chức Forest Trends - cho rằng, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm gỗ hiện nay tại các thị trường lớn như: Mỹ, Châu Âu, Úc...cho thấy những đòi hỏi về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này có nghĩa rằng, các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường có cơ hội được chấp nhận tại các thị trường này. Ngược lại, các sản phẩm không đáp ứng được với các yêu cầu thị trường sẽ đặt doanh nghiệp đối mặt với các rủi ro.

“Các rủi ro này không chỉ đơn thuần là mất thị trường tiêu thụ sản phẩm mà còn liên quan đến các trách nhiệm pháp lý như hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp”, ông Phúc nhấn mạnh.

Đại diện này cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đã có sự sụt giảm trọng lượng nhập khẩu gỗ quý từ các nước tiểu vùng sông MeKong. Đây là sự sụt giảm đáng mừng bởi đây là loại gỗ có rủi ro cao. Dù vậy, sự sụt giảm này cũng ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu của các làng nghề truyền thống của Việt Nam.

“Việc loại bỏ những rủi ro này chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Bên cạnh những nỗ lực của các doanh nghiệp cũng cần có sự đồng hành của các Hiệp hội ngành hàng gỗ và cơ quan quản lý Nhà nước. Một trong những mảng chính sách cần phát triển đó là cập nhật thông tin thị trường cho các doanh nghiệp về những loại hình rủi ro, trong đó có những rủi ro về những loại gỗ nhập khẩu làm nguyên liệu”, ông Tô Xuân Phúc nói.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng chia sẻ, trong các Hiệp định song phương và đa phương như TPP có lộ trình cam kết giảm thuế như ngành gỗ Việt Nam từ năm 2006 đến nay, thuế xuất khẩu bằng 0, thuế nhập khẩu nguyên liệu bằng 0, cùng với đó những rào cản phi thuế quan không tác động lớn đến xuất khẩu. Điều này có tác động tích cực đến xuất khẩu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó những cơ chế chính sách cho ngành gỗ hiện rất thông thoáng, tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động thuận lợi là những điều kiện góp phần cho mở rộng xuất khẩu.

“Với tốc độ tăng trưởng từ 15% đến 20% mỗi năm, cơ hội ngành gỗ mở rộng xuất khẩu là rất lớn khi chúng ta tham gia các Hiệp định thương mại song phương và đa phương”, ông Quyền nhấn mạnh./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/xuat-khau-go-sang-my-luu-y-tinh-hop-phap-cua-nguyen-lieu-213417.html