Xuất khẩu dầu thô Bắc Cực của Nga tăng vọt dù còn nhiều rủi ro

Theo dữ liệu theo dõi tàu, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc thông qua tuyến đường vận chuyển Bắc Cực đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2023 khi Moscow tiếp tục xoay trục về phía đông sau khi bị phương Tây xa lánh.

Trở ngại chính của Nga trong việc thúc đẩy thương mại dầu mỏ phải kể đến thời gian di chuyển không thể đoán trước và tuyến đường vận chuyển dễ bị đóng băng.

Nhờ các cảng Bắc Cực và Baltic, có tổng cộng 10,4 triệu thùng dầu Nga đã đến Trung Quốc, dữ liệu từ S&P Global Commodities at Sea cho thấy. Được vận chuyển với 13 chuyến hàng, tổng số tăng từ chỉ một chuyến hàng là 484.000 thùng vào năm 2022 và 2,2 triệu thùng vào năm 2019 khi các chuyến hàng thương mại đầu tiên bắt đầu.

Ảnh minh họa: Internet.

Các chuyến hàng chở dầu đều được vận chuyển thông qua “Tuyến đường biển phía Bắc” (NSR), trong đó các tàu đi về phía Đông từ Biển Barents qua Eo biển Bering và về phía Nam đến Thái Bình Dương, đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2010, nhờ hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến nhiều tảng băng tại Bắc Cực tan ra.

Nhưng khối lượng dầu xuất khẩu trên tuyến vẫn tương đối khiêm tốn, chỉ xảy ra vào mùa hè khi băng ở Bắc Cực rút đi.

Mặc dù khối lượng trên tuyến đường ngắn hơn đã tăng vọt từ mức thấp, nhưng chúng chỉ chiếm 1/8 trong số 80 triệu thùng được vận chuyển từ cùng các cảng của Nga đến Trung Quốc trong năm nay và một phần trong tổng số 1 triệu thùng/ngày dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga tới Trung Quốc. Trung Quốc chủ yếu vận chuyển về phía nam qua kênh đào Suez.

Năm nay, gần một nửa khối lượng là dầu thô Urals xuất khẩu chuẩn của Nga được nạp tại các cảng Ust Luga và Primorsk trên Biển Baltic và chuyển hướng đến người mua ở miền Bắc Trung Quốc, dữ liệu CAS cho thấy.

Phần còn lại là dầu thô Novy Port nhẹ hơn của Nga từ mỏ Novoportovskoye và dầu Y-K Blend, còn được gọi là dầu thô Arctic Light hoặc dầu Varandey được nạp gần cảng Murmansk ở Bắc Cực của Nga.

Việc Nga tăng vận chuyển dầu thô về phía đông qua vùng biển Bắc Cực cũng mang lại lợi ích cho các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang hy vọng được hưởng lợi từ việc giảm giá dầu thô.

Theo đánh giá của Platts, một bộ phận của S&P Global Commodity Insights, sự chênh lệch giữa dầu thô ESPO chất lượng cao được dẫn đến cảng Kozmino ở Bờ biển Thái Bình Dương của Nga và dầu thô Urals trung bình, chua đã đạt trung bình 15 USD/thùng trong năm nay.

John Webb, Giám đốc Năng lượng Nga và Caspian tại S&P Global Commodity Insights, cho biết: “Những dấu hiệu gần đây cho thấy kế hoạch xuất khẩu 600.000 thùng/ngày dầu Vostok Oil của Rosneft từ một cảng Bắc Cực mới bắt đầu vào năm tới có thể quá lạc quan”.

“Sản lượng từ các mỏ Vostok đang sản xuất thấp hơn nhiều so với mức này và việc thiếu tàu chở dầu hạng băng của Nga có thể khiến hoạt động xuất khẩu của Vostok trở nên phức tạp hơn nữa”, ông nhận định.

Việc Nga thúc đẩy xuất khẩu thêm dầu thô sang Trung Quốc qua vùng biển Bắc Cực là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của nước này nhằm tránh tác động đến doanh thu từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Điệp Nguyễn (Theo HSNW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xuat-khau-dau-tho-bac-cuc-cua-nga-tang-vot-du-con-nhieu-rui-ro-post274783.html