Xuất khẩu đạt trên 30 tỷ USD tháng thứ 3 liên tiếp

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 đạt 31,41 tỷ USD, dù giảm 4,1% so với tháng trước đó, nhưng ghi nhận là tháng thứ 3 liên tiếp vượt ngưỡng 30 tỷ USD.

Phương tiện vận tải và phụ tùng là nhóm hàng xuất khẩu trên chục tỷ USD tăng trưởng dương trong 9 tháng 2023.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước đó nhưng ghi nhận là tháng thứ 3 liên tiếp đạt trên 30 tỷ USD. Dấu hiệu này cho thấy, đà giảm xuất khẩu đang được thu hẹp lại so với các tháng của quý I và quý II/2023.

Xuất khẩu hàng hóa đã quay trở lại mốc trên 30 tỷ USD trong tháng 7, đánh dấu là tháng đầu tiên trong năm nay đạt được mức này, sau nhiều tháng dưới ngưỡng 30 tỷ USD.

6 tháng đầu năm, tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là tháng 3 cũng chỉ đạt 29,71 tỷ USD, trong khi tháng thấp nhất là tháng 1 với đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài, nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 23,61 tỷ USD.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 9/2023, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 6,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,11 tỷ USD, giảm 3,1%.

Trong quý III/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý II/2023.

Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.

9 tháng qua, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%).

Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2023

Xuất khẩu đạt trên 30 tỷ USD tháng thứ 3 liên tiếp là tín hiệu về nhu cầu hàng hóa hồi phục, tạo kỳ vọng cho xuất khẩu của quý cuối cùng trong năm, từ đó thu hẹp đà giảm do nhiều tháng trước đó xuất khẩu tăng trưởng âm ở mức cao.

Đà phục hồi cũng thấy rõ hơn, khi mức độ suy giảm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực được rút xuống. Đơn cử, 9 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang Trung Quốc 42,2 tỷ USD, tăng 2,1%, sang EU đạt 32,8 tỷ USD, giảm 8,8%, Hàn Quốc đạt 17,8 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thứ hạng của các nhóm hàng xuất khẩu có sự thay đổi so với cùng kỳ. Điện thoại, linh kiện chỉ đứng ở top 2, với trị giá hơn 39 tỷ USD (giảm gần 6,4 tỷ USD) so với cùng kỳ, còn điện tử, máy tính và linh kiện dẫn đầu với gần 41,2 tỷ USD.

Trong nhóm 6 mặt hàng xuất khẩu trên chục tỷ USD, duy nhất có nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng tăng trưởng dương 16,5%, 5 nhóm hàng còn lại tăng trưởng âm.

Sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu đang diễn ra trên diện rộng trên phạm vi toàn cầu. Không chỉ với riêng Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều báo cáo doanh số thương mại giảm trong tháng 7.

Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan (CPB) công bố hôm 25/9 cho biết, Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, có khối lượng xuất khẩu hàng hóa giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với khu vực Eurozone, mức giảm là 2,5%, trong khi Mỹ chứng kiến mức giảm 0,6% khối lượng xuất khẩu trong tháng 7.

Các chỉ số niềm tin cho thấy thương mại toàn cầu sẽ còn yếu trong những tháng sắp tới.

Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global theo dõi đơn hàng xuất khẩu mới báo hiệu một sự sụt giảm mạnh mẽ trong tháng 8 và tháng 9 ở cả Mỹ, Eurozone và Anh. Các nhà kinh tế học đang dự báo khối lượng xuất khẩu của Eurozone cả năm nay đi ngang so với năm ngoái, thay vì tăng 2% như dự báo đưa ra hồi đầu năm.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xuat-khau-dat-tren-30-ty-usd-thang-thu-3-lien-tiep-d199768.html