Xuất hiện hiện tượng quầng mặt trời: Liệu có bất thường?

Hiện tượng quầng mặt trời là hiện tượng bình thường, không có gì đặc biệt, cũng không có dấu hiệu sắp xảy ra thời tiết nguy hiểm.

Trưa 21-5, trên bầu trời TP Hải Phòng, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) xuất hiện hiện tượng mặt trời được bao quanh bởi một quầng sáng với nhiều màu sắc, điều này khiến nhiều bạn đọc đặt câu hỏi vì sao lại xuất hiện hiện tượng này.

 Quầng mặt trời xuất hiện ở Xã Lộc Thành, Huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng trưa ngày 21-5. Ảnh: VÕ TÙNG

Quầng mặt trời xuất hiện ở Xã Lộc Thành, Huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng trưa ngày 21-5. Ảnh: VÕ TÙNG

Lý giải hiện tượng này, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, đây là hiện tượng quầng mặt trời, là hiện tượng bình thường, không có gì đặc biệt, cũng không có dấu hiệu sắp xảy ra thời tiết nguy hiểm.

 Hiện tượng quầng mặt trời cũng xuất hiện ở TP Hải Phòng vào trưa 21-5. Ảnh: CTV

Hiện tượng quầng mặt trời cũng xuất hiện ở TP Hải Phòng vào trưa 21-5. Ảnh: CTV

Hiện tượng quầng mặt trời hay quang mặt trời, halo sun, hào quang mặt trời... là một hiện tượng thiên văn có tên khoa học là Halo. Quầng mặt trời là những vòng ánh sáng bao quanh mặt trời hoặc mặt trăng.

 Người dân thích thú lưu lại hình ảnh khi quầng mặt trời xuất hiện. Ảnh: VÕ TÙNG

Người dân thích thú lưu lại hình ảnh khi quầng mặt trời xuất hiện. Ảnh: VÕ TÙNG

Chúng thường sẽ xuất hiện khi có một lớp mây li ti mỏng xuất hiện trên bầu trời, xảy ra trong khí quyển trái đất ở khu vực lân cận đĩa sáng mặt trời hoặc mặt trăng khi thời tiết khô, ít hơi nước, trên tầng cao của khí quyển chỉ có mật độ thấp các hạt băng.

"Hiện tượng quang học do ánh sáng mặt trời hay mặt trăng khi đi qua các mây Ci, Cs, có kiến trúc tinh thể đá, bị khúc xạ hay phản xạ sinh ra những vòng tròn, cánh cung với tâm là mặt trời hay mặt trăng, hoặc sinh ra cột sáng hay vết sáng.

Khi quầng sinh ra do ánh sáng mặt trời bị khúc xạ thì có nhiều màu, do ánh sáng mặt trăng thì thông thường màu trắng.

Phần lớn quan sát được quầng nhỏ có bán kính 22 độ, màu trắng hay màu vàng, vòng phía trong có màu đỏ và đôi khi phía ngoài có màu tím.

Đôi khi quan sát được vòng có góc 46 độ, gọi là quầng lớn, có độ sáng kém quầng nhỏ. Có thể quan sát được một giải sáng thẳng đứng suốt từ phía trên đến phía dưới mặt trời gọi là “cột sáng ”"- ông Lê Đình Quyết chia sẻ.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/xuat-hien-hien-tuong-quang-mat-troi-lieu-co-bat-thuong-post791695.html