Xuất hiện ca khó với bệnh lý hiếm gặp, tỷ lệ 1/1.000.000 người

Bà M. (64 tuổi), đau đầu, tê bì, yếu liệt tay chân suốt ba ngày, nguy cơ bị liệt, đi khám bác sĩ phát hiện tụ máu ngoài màng cứng tủy sống. Bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ xuất hiện 1/1.000.000 người.

TS.BS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, máu tụ ngoài màng tủy tự phát (SSEH) là sự tụ máu trong khoảng trống nằm giữa màng cứng và xương.

Đây là bệnh lý hiếm gặp, chỉ xuất hiện ở 1/1.000.000 người. Ước tính chiếm khoảng 0,3% đến 0,9% các tổn thương ngoài màng cứng.

Hiện ở Việt Nam chỉ có một số lượng rất ít các báo cáo ca bệnh liên quan đến tụ máu ngoài màng tủy được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ghi nhận 2 ca kể từ khi thành lập và đây là trường hợp đầu tiên điều trị bằng phương pháp nội soi.

Theo TS Đức Anh, người bệnh không mắc bất kì bệnh nền nào, không sử dụng thuốc chống đông. Tình trạng đau đầu xuất hiện cách đây vài tháng. Bà M. đã đi khám 2 bệnh viện trước đó và được chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm trái. Bác sĩ cho thuốc uống nhưng tình trạng tê bì tay chân không cải thiện.

Ba ngày trước khi nhập viện, người bệnh xuất hiện cơn đau, tê bì tay chân, “Tôi tê tới mức tay chân không cử động được, tưởng ngất đi, tôi đã nghĩ mình bị đột quỵ”, bà M. chia sẻ.

Kết quả chụp MRI cho thấy khối máu tụ lớn vùng cổ, kéo dài 6cm từ đốt sống C3-C7 gây phù tủy cổ. Qua khai thác tiền sử bệnh lý, các bác sĩ chẩn đoán, người bệnh mắc máu tụ ngoài màng tủy tự phát, tức là không rõ nguyên nhân.

Bác sĩ chỉ định người bệnh phẫu thuật nội soi để loại bỏ khối máu tụ, giảm chèn ép cho tủy sống. “Bệnh của bà M. đã bước vào giai đoạn nguy hiểm. Khối máu tụ có thể gây chèn ép tủy sống khiến người bệnh khó thở, suy hô hấp, nguy cơ tổn thương tủy cổ, liệt tứ chi, thậm chí liệt nửa người nếu không điều trị”, tiến sĩ Đức Anh đánh giá.

Các bác sĩ ngay lập tức phẫu thuật nội soi loại bỏ khối máu tụ. Qua vết mổ có kích thước nhỏ, khoảng 3cm bác sĩ đưa thiết bị chuyên dụng tiếp cận vùng cột sống chứa máu tụ. Màn hình nội soi phóng đại vùng tổn thương giúp bác sĩ quan sát rõ và loại bỏ toàn bộ khối máu tụ, giải phóng tủy sống và dây thần kinh bị chèn ép.

Tiến sĩ Đức Anh (bên phải) phẫu thuật nội soi loại bỏ khối máu tụ cho bà M.

“Trước đây các ca bệnh máu tụ ngoài màng tủy được điều trị bằng phương pháp kinh điển là mổ mở. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, phẫu thuật nội soi ra đời mang lại nhiều lợi thế trong điều trị bệnh lý này.

Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, bảo tồn tối đa cấu trúc cột sống, giúp người bệnh phục hồi nhanh, ít đau, ít chảy máu, thẩm mỹ và hạn chế được tối đa tổn thương trong quá trình phẫu thuật.

Cho đến nay, y văn mới ghi nhận có 2 trường hợp máu tụ ngoài màng tủy ở cột sống thắt lưng được phẫu thuật nội soi toàn bộ thành công.

Với tổn thương ở cột sống hiện chưa có bất kỳ báo cáo nào. Việc áp dụng thành công kỹ thuật này tại Bệnh viện Tâm Anh đã mang lại cho người bệnh cơ hội được điều trị bằng những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới”, tiến sĩ Đức Anh cho hay.

Hai giờ sau mổ, người bệnh được đưa về khoa hồi sức. Ngay trong ngày người bệnh đã hồi phục tốt và được về khoa phẫu thuật thần kinh để tiếp tục chăm sóc.

Các bác sĩ hội chẩn cùng chuyên gia dinh dưỡng xây dựng phác đồ để người bệnh nhanh chóng phục hồi, cải thiện tốt. Hai ngày sau, bà M. hết hẳn tình trạng tê bì tay chân, đau cổ. Người bệnh có thể vận động nhẹ, sinh hoạt bình thường và được xuất viện sau 5 ngày.

Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rõ ràng nguyên nhân gây máu tụ ngoài màng tủy tự phát. Tuy nhiên, rối loạn đông máu, khối u, dị dạng mạch máu, nhiễm trùng hoặc chấn thương là những yếu tố nguy cơ có thể kể đến. Người mắc tăng huyết áp, dùng thuốc chống đông có nguy cơ cao mắc bệnh.

Máu tụ ngoài màng tủy nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt, có nguy cơ tiến triển, chèn ép vào tủy sống và các dây thần kinh gây tổn thương khó hồi phục.

Noài ra, không rõ triệu chứng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như đột quỵ. Cả hai bệnh lý này đều thuộc nhóm bệnh nguy hiểm, cần được điều trị khẩn cấp. Do vậy, khi có biểu hiện đau cổ, lưng, suy giảm vận động, tê yếu tay chân… người bệnh cần đi khám sớm để ngăn ngừa tổn thương thần kinh nghiêm trọng, vĩnh viễn.

Đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ cao như sau sang chấn vùng cột sống, có bệnh lý về đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.

Điều trị tụ máu ngoài màng tủy đòi hỏi phẫu thuật viên có kỹ năng, kinh nghiệm do nguy cơ tổn thương tủy rất cao. Tiến sĩ Đức Anh nói thêm, bệnh tụ máu ngoài màng tủy khó phát hiện do nhiều cơ sở y tế không đủ thiết bị chuyên dụng dẫn đến dễ bỏ sót trong quá trình chẩn đoán. Vì vậy, người bệnh khi thăm khám cần lựa chọn cơ sở y tế có chuyên môn cao trong lĩnh vực thần kinh – cột sống.

Để phòng tránh bệnh hiệu quả, tiến sĩ Đức Anh khuyên, mỗi người nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Người có tiền sử mắc các bệnh lý nền thần kinh – cột sống, tăng huyết áp, sử dụng thuốc chống đông… nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và chủ động tái khám sức khỏe định kỳ. Người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ tổn thương cột sống ngay lập tức đi khám, chụp phim MRI để loại trừ những tổn thương nguy hiểm.

Linh Đan

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/xuat-hien-ca-kho-voi-benh-ly-hiem-gap-ty-le-1-1000000-nguoi-d8866.html