Xuất 1 triệu tấn thịt lợn sang Trung Quốc từ năm nay

Phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu 1 triệu tấn thịt lợn của Việt Nam ngay khi hoàn thiện hồ sơ thủ tục.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) ngày 26/5 cho hay, phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam 1 triệu tấn ngay khi hoàn thiện hồ sơ thủ tục, theo Dân Việt.

“Bộ NNPTNT đã có đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu sang Trung Quốc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc bàn về việc xuất khẩu chính ngạch lợn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Chuyến công tác đã có kết quả tốt đẹp, theo đó về chủ trương phía Trung Quốc đã đồng ý mở cửa thị trường cho lợn Việt Nam” - ông Dương cho biết.

Việt Nam có thể xuất lại thịt lợn sang Trung Quốc.

Theo đó, để sản phẩm thịt lợn của Việt Nam có thể xuất theo đường chính ngạch, cần phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Trung Quốc về tình hình dịch bệnh, bệnh lở mồm long móng... cũng như chất lượng sản phẩm để dỡ bỏ lệnh cấm.

Sau đó, phía Trung Quốc sẽ từng bước có những buổi tiếp xúc, đàm phán cụ thể hơn để tiến tới ký kết xuất nhập khẩu chính ngạch thịt lợn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

"Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, cơ quan thú y của nước bạn sẽ hỗ trợ mình để làm sao hồ sơ hoàn thiện nhanh nhất có thể. Sắp tới phía Trung Quốc sẽ cử một đoàn cán bộ sang thăm Việt Nam đồng thời khảo sát nắm bắt tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, nếu Việt Nam thực sự đã kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh, họ sẽ mở của nhập khẩu lợn của chúng ta ngay trong năm nay” – ông Dương chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Cục phó Cục Chăn nuôi, phía Trung Quốc đề xuất Việt Nam nên xuất lợn đã giết mổ cấp đông, hạn chế xuất lợn sống để đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

"Giá thịt lợn của Trung Quốc hiện nay ở mức 40.000- 45.000 đồng/kg. Tuy không quá cao nhưng vẫn hơn giá ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể tiêu thụ một lượng lớn thịt lợn của Việt Nam. Mỗi năm Trung Quốc thừa sức nhập trên dưới 1 triệu tấn thịt lợn từ Việt Nam, đây là con số khả quan, có thể thực hiện được” – ông Dương đánh giá.

Vị Cục Phó Cục chăn nuôi nhấn mạnh, để thâm nhập và giữ vững thị trường này, Việt Nam cần tổ chức sản xuất lại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, các hộ chăn nuôi liên kết thành Hợp tác xã, Tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp chế biến để hình thành chuỗi khép kín từ trang trại tới bàn ăn.

"Bên cạnh tạo ra các giống lợn chất lượng, chúng ta cần đẩy mạnh khâu chế biến nhằm có nhiều sản phẩm từ thịt lợn, phải đa dạng sản phẩm thì mới thúc đẩy tiêu thụ cả trong và ngoài nước được" - ông Dương cho hay.

Cùng với đó, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cũng phải bắt tay với Bộ Nông nghiệp để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường nhiều nước để nắm bắt các thông tin từ thói quen, phong tục, hàng rào kỹ thuật để đáp ứng cho xuất khẩu từ Việt Nam sang.

Việt Nam nên xuất khẩu thịt lợn đông lạnh.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, việc giải cứu đàn lợn tồn trong dân là việc làm cấp bách.

Ông nói: “Khi hàng nghìn hộ dân điêu đứng vì giá lợn hơi giảm, lượng thịt lợn tồn không có đầu ra thì đây không còn là vấn đề riêng của Bộ Nông Nghiệp nữa mà cần có sự chung tay của tất cả các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương".

Khi đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ NN&PTNT tổ chức quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên vật nuôi, nhanh chóng công bố hết dịch; tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp thu mua chế biến lớn trong nước và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu để phối hợp, hỗ trợ cho Bộ Công Thương trong việc đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Bộ Công Thương cũng đề nghị phối hợp đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường xuất khẩu cho lợn sống, lợn sữa, thịt lợn đông lạnh Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Philippines, Singapore…

Người nông dân không tin vào dự báo của cơ quan nhà nước.

Từng trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, ĐH Cần Thơ cho rằng dự báo của các cơ quan chuyên môn chưa thật sự chính xác, vẫn mang yếu tố cảm tính nên khiến người dân không tin tưởng vào các cảnh báo mà tự nuôi theo ý thích.

Ngoài ra, theo ông Đệ hệ thống phân phối thịt lợn của Việt Nam hiện nay cũng đang có vấn đề khi nằm ngoài vòng quản lý của nhà nước và rơi vào tay một số thương lái, doanh nghiệp tư nhân.

“Trong tình trạng cung vượt cầu, theo quy luật kinh tế thị trường thì chắc chắn giá thịt lợn phải giảm. Tuy nhiên có một nghịch lý đang xảy ra ở Việt Nam.

Đó là giá thịt heo hơi mua của người dân giảm nhưng giá thịt bán trong các siêu thị, ngoài thị trường vẫn không hề giảm. Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt đắt. Đây là những tồn tại trong vấn đề phân phối khiến lợi nhuận rơi vào chỗ các thương lái”, ông Đệ nhấn mạnh.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xuat-1-trieu-tan-thit-lon-sang-trung-quoc-tu-nam-nay-3336204/