Xuân về trên những cánh đồng lúa - tôm

Thời gian qua, mô hình lúa - tôm được tỉnh Bạc Liêu ưu tiên phát triển, bởi lẽ mô hình này thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Đặc biệt, gần đây Bạc Liêu tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh tại nhiều khu vực để chủ động điều tiết nước, ngăn mặn, trữ ngọt nên mô hình này càng phát huy hiệu quả.

Xuôi về vùng nông thôn của thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu trong những ngày này bắt gặp những cánh đồng lúa trải dài xanh mướt mắt, nhiều nơi lúa đã trổ đều và đang ướm vàng trong ánh nắng xuân. Nông dân Đoàn Thanh Tùng ở xã Phong Thạnh A hồ hởi cho biết, từ lúc thực hiện mô hình lúa - tôm trên 3 hecta đất, thu nhập gia đình ông tăng lên đáng kể. Riêng vụ lúa này sẽ thu hoạch vào những ngày cận Tết. Năm nay lúa vừa trúng, vừa có giá cao so với những năm trước nên bà con ở đây đều phấn khởi, hứa hẹn đón xuận về, Tết đến trọn vẹn, tràn đầy.

“Nó lợi nhuận hơn trước nhiều lắm mà hơn nữa mình trồng được cây lúa, mình cải tạo mặt đất, làm vụ tôm rất hiệu quả, rất thành công. Nếu mà trừ chi phí thì lời một công khoảng 5 triệu đồng. Còn một vụ tôm nữa thì mỗi năm tôi lời cỡ 300 - 400 triệu đồng trở lên. Năm nào cũng có, hiệu quả lắm”, ông Đoàn Thanh Tùng phấn khởi.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 40.000 ha đất sản xuất theo mô hình lúa- tôm

Thị xã Giá Rai có hơn 30.000 hecta đất sản xuất thuộc 2 vùng sinh thái mặn, ngọt. Vùng mặn tương đương khoảng 23.000 hecta trước đây chuyên nuôi tôm. Tuy nhiên, việc nuôi chuyên tôm hiệu quả ngày càng giảm đi. Chính vì vậy, từ năm 2020, Giá Rai phát động nông dân thực hiện mô hình lúa - tôm, tức là sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm xen canh, có nơi bà con kết hợp nuôi thêm tôm càng xanh, nuôi cá kèo trong thời điểm trồng lúa.

Ông Huỳnh Thanh Toàn, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Giá Rai cho biết, là địa phương nằm ở cuối nguồn nước ngọt, bao đời nay nông dân nơi đây chỉ chuyên nuôi tôm nên khi vận động chuyển đổi thực hiện mô hình mới, ở buổi đầu phần lớn bà con đều đắn đo, do dự. Tuy nhiên, sau đó thấy mô hình lúa - tôm mang lại hiệu quả khả quan nên nhiều nông dân đã bắt tay thực hiện. Từ diện tích gần 3.000 hecta ở những năm đầu, đến năm ngoái, diện tích thực hiện mô hình lúa tôm ở thị xã Giá Rai đã tăng lên hơn gấp đôi và trong năm nay đã tăng lên hơn 7.000 hecta.

Với mô hình lúa tôm, vụ lúa cho năng suất cao.

“Làm chuyên tôm thì những năm đầu hiệu quả nhưng dần màu mỡ của đất chuyên tôm nó giảm đi, chính vì vậy, phát động nông dân làm một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Mô hình mang lại hiệu quả là cải tạo được đất, gây thêm độ màu mỡ của đất nên nuôi tôm rất hiệu quả, bình quân một hecta lúa - tôm cho người nông dân thu nhập 1 năm hơn 100 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí”, ông Huỳnh Thanh Toàn cho hay.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả từ mô hình lúa - tôm, thời gian gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư kinh phí xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, ô đê bao khép kín tại nhiều vùng để chủ động điều tiết nước, ngăn mặn, trữ ngọt. Tại xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư hơn 114 tỷ đồng xây dựng ô đê bao với 21 cống, khép kín 3.000 hecta đất sản xuất đang thực hiện mô hình lúa - tôm. Nông dân Nguyễn Anh Thư, ở xã Phong Thạnh A tâm sự, những năm qua thực hiện mô hình lúa - tôm đã hiệu quả, giờ có hệ thống đê bao nên thực hiện mô hình này càng hiệu quả hơn.

Vụ tôm nuôi cũng đạt hiệu quả

Theo ông Phạm Văn Hết, Bí thư Đảng ủy xã Phong Thạnh A, từ khi thực hiện mô hình lúa – tôm, đời sống người dân trong xã phát triển rõ rệt. Trước đây, toàn xã có hơn 400 hộ nghèo và cận nghèo, giờ chỉ còn 47 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/năm. Xã đang phấn đấu trong năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 74 triệu đồng trở lên. Điều phấn khởi nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, qua lấy phiếu sự hài lòng của nhân dân thì có đến 98% người dân trong xã hài lòng rất cao về công tác chuyển dịch kinh tế, về cái cách điều hành, quản lý của Đảng bộ, chính quyền xã trong thời gian qua.

Nhiều nơi được đầu tư xây dựng ô đê bao khép kín nên mô hình lúa - tôm càng phát huy hiệu quả.

“Bà con nhìn chung rất phấn khởi, lúa - tôm kết hợp mang lại hiệu quả rất cao, kinh tế của người dân phát triển rất rõ trong 2 năm qua. Người dân không còn đi xa làm ăn nữa do nhu cầu kinh tế gia đình có và chuyển dịch cơ cấu này đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân dân trong phạm vi toàn xã. Đời sống của nhân dân trong toàn xã tăng lên, tinh thần của nhân dân đối với chính quyền, Đảng bộ xã cũng được gắn kết, gắn bó, đồng thuận rất cao”, ông Phạm Văn Hết cho biết.

Theo các nhà khoa học và qua thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy, việc nuôi tôm kết hợp với trồng lúa hoàn toàn không xảy ra xung đột trong quá trình sản xuất. Đây là mô hình thông minh, cân bằng sinh thái đồng ruộng, bảo vệ môi trường. Sản xuất lúa tôm được đánh giá là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác và được xem như mô hình thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả hiện nay.

Những cánh đồng lúa thuộc mô hình lúa- tôm ở thị xã Giá Rai đã bắt đầu chín, hứa hẹn vụ mùa bội thu vào những ngày cận Tết.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 40.000 hecta đất sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Qua thống kê cho thấy, hiệu quả đem lại từ việc kết hợp giữa cây lúa - con tôm không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác mà còn tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi phát triển tốt. Bạc Liêu hiện đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình sản xuất này. Theo đó, định hướng đến năm 2025, Bạc Liêu mở rộng diện tích lên hơn 43.000 hecta. Điều đặc biệt của mô hình lúa - tôm là không dùng thuốc thú y thủy sản trị bệnh cho tôm mà sử dụng biện pháp sinh học; cây lúa cũng không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, với mô hình canh tác này, Bạc Liêu cũng đang hướng đến mục tiêu lúa thơm - tôm sạch, lúa – tôm hữu cơ.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xuan-ve-tren-nhung-canh-dong-lua-tom-post1068674.vov