Xuân về trên các công trình giao thông trọng điểm

Một mùa xuân mới đang về, mang theo niềm tin và ước vọng. Không khí xuân hiện rõ trên công trường thi công các công trình giao thông trọng điểm. Các kỹ sư, công nhân hối hả, khẩn trương dốc sức hoàn thành những mét đường, nhịp cầu. Các nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công chặng nước rút, để những công trình giao thông quan trọng sớm đưa vào khai thác, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, mở đường thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Khẩn trương thi công tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn 1). Ảnh: Anh Tuấn

Động lực dẫn dắt

Khi những km đầu tiên của tuyến đường Đông-Tây cơ bản hoàn thành, kết nối liên thông với nút giao lên đường cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, hình hài con đường lớn kết nối liên vùng, liên tỉnh đang dần hiện rõ. Nhìn con đường mới rộng thênh thang sắp được đưa vào sử dụng, ông Nguyễn Văn Trường, cán bộ hưu trí trên địa bàn thành phố Tam Điệp bày tỏ: "Chỉ một thời gian mà con đường đi qua thành phố đã mang một diện mạo khác. Sự thay đổi này không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn đánh dấu sự phát triển của địa phương. Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, chúng tôi ai nấy đều phấn khởi. Mong rằng khi con đường hoàn thành sẽ tiếp tục tạo đà để phát triển kinh tế-xã hội cho thành phố trẻ".

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông-Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là công trình trọng tâm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn. Dự án (giai đoạn I) có chiều dài 23 km đoạn từ Tam Điệp đến Nho Quan. Đây là Dự án giao thông kết nối liên vùng lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Ninh Bình, tạo trục giao thông chiến lược, liên thông đồng bộ với hệ thống giao thông của tỉnh; kết nối các trung tâm kinh tế với Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, vùng rừng núi Cúc Phương và ven biển Kim Sơn đầy tiềm năng; mở ra không gian, tạo dư địa và động lực mới thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện cho 8 làn xe toàn bộ tuyến. Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 20,2/22,9 km. Chủ đầu tư đang phối hợp với các đơn vị có liên quan quyết tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa công trình vào khai thác năm 2025. Tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của Quốc gia như: Đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, QL1A, đường bộ ven biển, đường sắt BắcNam... mở ra hướng kết nối liên thông với tuyến đường Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng đồng bằng Sông Hồng.

Ông Lê Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung, đại diện liên doanh nhà thầu chia sẻ: Tranh thủ thời tiết những ngày nắng, nhà thầu tập trung hàng trăm kỹ sư, công nhân, huy động toàn bộ máy móc, vật tư để thi công. Ngoài ra, các bên nhà thầu tư vấn giám sát, chủ đầu tư đều thường trực có mặt trên công trường để giám sát chất lượng thi công, kỹ thuật cũng như đảm bảo tiến độ đề ra.

Hiện nay, các đơn vị đang triển khai thi công nền đường trên phạm vi mặt bằng đã bàn giao, cơ bản hoàn thành thảm asphalt và kết nối đoạn đầu tuyến đường Đông-Tây liên thông với nút giao lên đường cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45. Các nhà thầu đang tập trung thi công cống ngang đường. Các cầu Ma Chanh, Sòng Vặn, Xuân Viên... cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện mặt cầu và lan can. Giá trị thực hiện đạt gần 40% so với hợp đồng.

Mở ra dư địa phát triển

Tuyến đường đê biển Bình Minh 4 (giai đoạn 1) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Trường Huy

Tỉnh Ninh Bình xác định, một trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020- 2025 là tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Trong đó, chú trọng đầu tư những công trình giao thông quan trọng, tạo sức bật trong thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế, đưa Ninh Bình trở thành một cực tăng trưởng của khu vực đồng bằng Sông Hồng.

Do vậy, từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động về phát triển hạ tầng giao thông, trong đó Nghị quyết số 10-NQ/ TU, ngày 14/12/2021 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu tập trung đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng, đảm bảo tính kết nối vùng, liên vùng, mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa và động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện quan điểm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về đầu tư công, yêu cầu tập trung triển khai nhanh gọn, dứt điểm từng dự án, đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả, làm cơ sở và động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, chỉ đạo bố trí nguồn vốn tập trung, ưu tiên cho các dự án trọng tâm và các dự án có khả năng hoàn thành sớm. UBND tỉnh tiếp tục quyết tâm cao trong triển khai thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công.

Đến hết năm 2023, Ninh Bình hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình, dự án quan trọng, có vai trò chiến lược như: Tuyến đường kết nối QL.12B với QL.21B đoạn từ cầu Tu đến cầu Cọ; phối hợp tổ chức khánh thành đường cao tốc đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45; cơ bản hoàn thành thảm asphalt và kết nối đoạn đầu tuyến đường Đông-Tây liên thông với nút giao lên đường cao tốc Mai SơnQuốc lộ 45; cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến và cầu qua sông Vạc của Dự án tuyến đường ĐT.482; hoàn thành thủ tục và khởi công cầu Chà Là; triển khai thi công kè 2 bờ sông Vân đoạn từ cầu Lim đến cầu Vân Sàng... Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn; giảm phần lớn phương tiện giao thông đi vào trung tâm các đô thị của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, thế mạnh các khu vực trước đây bị coi là "vùng trũng" do hạn chế về giao thông; mở ra không gian, dư địa mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh.

Cũng trong giai đoạn 2021- 2025, Ninh Bình triển khai khảo sát, thực hiện thủ tục đầu tư hoặc nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng: Tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn II); tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình đi Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình); phương án kết nối tuyến đường ĐôngTây với tuyến đường Hồ Chí Minh để liên thông, đồng bộ kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc, tạo sự kết nối liên vùng giữa đồng bằng Sông Hồng với vùng núi và trung du Bắc Bộ.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, tỉnh Ninh Bình đã và đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo lập cơ cấu vận tải hợp lý, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tếxã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, sớm đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng Sông Hồng.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xuan-ve-tren-cac-cong-trinh-giao-thong-trong-diem/d20240130163421876.htm