Xuân về trên Bản Ca

Cuối năm 1947, Bác Hồ đã chọn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn làm nơi sống, làm việc tiếp tục lãnh đạo Cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông, những người Dao ở Bản Ca tiếp tục đoàn kết xây dựng cuộc sống, để Bản Ca hôm nay là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế vùng ATK năm xưa.

Con đường tới Bản Ca trải nhựa thênh thang, men theo con suối và lượn theo những chân đồi. Cây đào bên những căn nhà xây kiên cố 2,3 tầng bung nở trong nắng ấm Mùa Xuân... Bản Ca cách trung tâm xã Bình Trung khoảng 5 km, gồm 71 hộ với 293 nhân khẩu và 100% là đồng bào dân tộc Dao. Dẫn chúng tôi đến thăm khu rừng mỡ đã sắp đến tuổi khai thác, cây thẳng đều tăm tắp của gia đình, ông Bàn Văn Lương cho biết, trước đây khu vực này vẫn là đất trống, đồi trọc. Nay mỗi ha có thể cho thu nhập cả trăm triệu đồng và những ngôi nhà mới được xây dựng trong bản đều nhờ đồi rừng mang lại.

Người Dao ở Bản Ca lấy kinh tế rừng làm hướng đi mũi nhọn

"Ngày xưa khó lắm, bây giờ thì khác hẳn ngày xưa. Cái thứ nhất là trồng rừng khá nhiều, ngày xưa không có đâu. Thứ hai nữa là làm ruộng cũng khác ngày trước, bây giờ có phân bón đầy đủ, có kỹ thuật. Trước thì điện thoại, ti vi không có. Bây giờ là nhờ Đảng, Nhà nước hướng dẫn làm ăn nên khá hơn, điện, đường, trường, trạm bây giờ cũng có đầy đủ rồi, thôn thì bây giờ cũng khá hơn ngày xưa", ông Lương nói.

Vài chục năm trước, có được cơ ngơi, cuộc sống như giờ là điều ông Lương và người dân Bản Ca không dám nghĩ đến. Khi ấy, người dân trong bản chủ yếu trồng ngô, lúa, lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên cuộc sống khi no lúc đói, nhất là mùa giáp hạt. Sự đổi thay thực sự bắt đầu khi Chi bộ thôn Bản Ca xây dựng Nghị quyết về tăng cường phát triển nông nghiệp, tập trung vào trồng rừng và chăn nuôi với sự đi đầu của cán bộ, đảng viên và người có uy tín trong bản.

Bản Ca với 90% số hộ là đồng bàn dân tộc Dao vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc

Thực tế đã chứng minh Nghị quyết của Chi bộ thôn Bản Ca là kịp thời và đến nay, diện tích rừng trồng của bản đã lên đến trên 400 ha với các loại cây chủ yếu là keo, quế và cây mỡ. Từ bán gỗ rừng, nhiều nhà có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, giúp diện mạo Bản Ca có nhiều thay đổi.

Bí thư Chi bộ Bản Ca Bàn Văn Ðức phấn khởi kể: Trước đây, việc trồng rừng không được người dân quan tâm do chu kỳ trồng rừng thường 7-8 năm mới cho thu hoạch, dẫn tới thu nhập từ rừng thấp, không ổn định. Chỉ đến khi các nhà máy chế biến gỗ, tinh dầu quế xuất khẩu phát triển mạnh, nguồn cung nguyên liệu không đủ thì nhận thức về kinh tế rừng của người dân đã thay đổi rõ rệt. Bây giờ, bình quân mỗi hộ ở Bản Ca có trên dưới 7 ha rừng và phần lớn diện tích đã đến tuổi khai thác. Từ rừng trồng, dân bản đã xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, các loại máy nông nghiệp và chăm lo cho con cái được học hành:

"Trước đây Bản Ca là thôn vùng sâu, vùng xa, bây giờ được Đảng, Nhà nước đầu tư mọi công trình đường, điện... Người dân mới tiếp cận, một số biết áp dụng khoa học kỹ thuật nữa và biết gọi chú trọng làm ăn, để tích lũy thì cuộc sống đã được khá giả", ông Bàn Văn Đức nói.

Những cánh rừng chuẩn bị cho thu hoạch của người dân Bản Ca

Những năm gần đây, Bản Ca cũng là điểm sáng trong lưu giữ văn hóa, phong tục đẹp của dân tộc Dao. Năm 2021, Câu lạc bộ hát Pá dung Bản Ca được thành lập với 20 thành viên. Ngoài tổ chức biểu diễn vào các dịp lễ, tết của bản, các thành viên Câu lạc bộ thường xuyên tham gia các chương trình, sự kiện văn hóa trong huyện, trong tỉnh; sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về Pá dung để nghiên cứu cũng như truyền dạy lại cho thế hệ con cháu sau này.

Cùng với di tích lịch sử cấp quốc gia nơi Bác Hồ sống, làm việc tại Bản Ca, người Dao ở đây cũng hy vọng những cánh rừng xanh ngút tầm mắt, những điệu hát Pá dung say đắm cùng những nét văn hóa truyền thống còn được lưu giữ sẽ giúp Bản Ca phát triển du lịch, văn hóa.

Ông Hoàng Văn Hỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo về an ninh quốc phòng trong Bản Ca, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chúng tôi đã định hướng cụ thể. Thứ nhất, về khu di tích lịch sử Bản Ca sẽ kiến nghị, đề nghị cấp trên để trùng tu, cải tạo, nâng cấp và làm sao cho xứng tầm với một di tích lịch sử quốc gia. Còn về mặt phát triển kinh tế xã hội, chúng tôi vận động, định hướng cho bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tăng gia sản xuất và đặc biệt là phát triển kinh tế rừng để nâng cao đời sống".

Trong sân những ngôi nhà mới xây, người Dao Bản Ca đang tất bật chuẩn bị lá dong, gạo nếp, nhiều nhà mổ lợn ăn tết cổ truyền, mừng một năm trồng rừng thắng lợi... Và Câu lạc bộ hát Pá dung của Bản Ca cũng đã sẵn sàng những điệu hát hay nhất, ý nghĩa nhất để mừng Xuân, mừng bản làng đổi mới...

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xuan-ve-tren-ban-ca-post1076087.vov