'Xuân sum vầy - Tết sẻ chia': Tết xưa cất gọi tiếng yêu thương

Ngày bố mãi rời xa anh em tôi, cuối năm ấy cây đào phai trước nhà cứ nhạt nhòa với gió…Tôi rất nhớ bố, luôn khắc ghi những lời giảng giải của bố năm nào, TẾT LÀ ĐỂ YÊU THƯƠNG.

Khi phố dài lên áo mới cũng là lúc hương Xuân chạm vào cánh cửa thời gian, đông đã rời đi chẳng bỏ quên gót mùa. Tiếng cựa mình của mầm non đang nhú, Xuân về òa cùng vào nỗi nhớ, bỗng nghe đâu đây dư âm Tết xưa cất gọi TIẾNG YÊU THƯƠNG…

Tôi là đứa trẻ rất thích Tết, thích không khí chộn rộn, tất bật vui tươi những ngày cận Tết. Mùi Tết, hương vị Tết cứ len lỏi vào trong lòng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Nhớ những lúc cả nhà quây quần ngồi gói bánh, tôi mừng rỡ reo lên khi những chiếc bánh chưng xanh vuông vức được buộc lại bởi những chiếc lạt mềm. Âm thanh vui tươi hòa lẫn tiếng cười của ông bà, cha mẹ cứ in dần vào tâm trí, vào tâm hồn tôi, chiều ba mươi rộn ràng đón Tết như thế.

Tôi mừng rỡ reo lên khi những chiếc bánh chưng xanh vuông vức được buộc lại bởi những chiếc lạt mềm

Nồi bánh được bắc lên bếp. Tiếng lửa reo vui, tiếng lách tách của củi, tiếng xèo xèo nồi bánh đã sôi. Vài giọt nước khẽ rớt xuống bếp thơm phức. Làn khói bay cay xè con mắt đang háo hức của tôi. Thi thoảng bố lại mở nắp nồi bánh đổ thêm nước vào.

Bên nồi bánh, tôi được nghe bố kể nhiều chuyện về Tết. Mẹ lúi húi nấu nước lá mùi già. Mẹ dặn anh em tôi khi tắm phải dội nước từ trên đầu xuống để thanh tẩy cơ thể, gột rửa ưu tư muộn phiền năm cũ, mừng đón may mắn tốt lành trong năm mới. Sau đấy, mẹ luộc gà và đơm dĩa xôi gấc đầy ắp tròn vo, mẹ cẩn thận đặt con gà lên trên.

Mẹ vừa làm vừa nói với tôi về thức cúng ấy. Trên thế gian này chỉ có gà mới có thể đánh thức được mặt trời, mặt trời thức dậy bởi tiếng gà gáy. Vì thế, giao thừa nhà nhà đều thường đồ xôi gấc, màu đỏ rực rỡ ấy tượng trưng cho mặt trời sẽ mang ánh sáng, ấm áp đến cho gia đình. Gà cúng phải chọn gà trống hoa chưa mọc cựa, mới tập gáy le te, chưa đạp mái. Gà có âm Hán Việt là kê, đồng âm với chữ "cát" nghĩa là "cát tường" may mắn. Mẹ nói, gà còn biểu tượng cho Ngũ thường của người quân tử, Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín.

Bày biện mọi thứ xong xuôi mẹ, quay sang nấu bình trà hoa cúc. Mẹ nói, cúc là loài hoa có trong Tứ quý, Tứ hữu và cả Tứ thời. Các cụ ngày xưa thường ví hoa cúc với người quân tử. Người quân tử làm bạn với hoa, thường vẽ hoa cúc trong đáy chén của mình để mỗi khi độc ẩm, nâng chén lên là thấy mặt hoa. Theo người xưa, hoa cúc tượng trưng cho khí tiết của người quân tử "Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa" (lá không rời cành, hoa không rụng xuống đất) hàm ý tượng trưng cho sự kiên trung của người quân tử, còn là minh chứng cho sự chung tình sắt son, mãi mãi không chia lìa. Trong rất nhiều bức tranh dân gian, hoa cúc và gà trống thường song hành với nhau. Người ta gọi hình ảnh ấy là "Cửu Cát" (hoa cúc đồng âm với chữ cửu trong tiếng Hán) mang ý nghĩa cầu mong mọi sự tốt đẹp được bền vững, lâu dài.

Đến khoảng 23 giờ 30, bàn thờ được kê ở giữa sân. Anh em chúng tôi xúng xính xinh xắn trong bộ quần áo mới, khi đồng hồ điểm đúng số 12 cũng là lúc nhịp thời gian giao hòa sang năm mới. Cả nhà chúng tôi mừng đón giây phút thiêng liêng của trời đất, cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với gia đình. Mùi trầm hương theo gió bay ngào ngạt, tôi hít hà hương của trời đất, cành đào xinh bên cạnh cũng nghiêng mình đâm nụ thắm tươi. Mùi khói pháo thơm nồng mang màu may mắn.

Bàn cúng giao thừa của nhà tôi luôn có thức cúng xôi gấc - gà trống hoa

Cúng xong, bố chỉ tay lên trời nói: Con biết không, ngay giờ khắc này là sự chuyển giao công việc của hai vị hành khiển, người hành khiển năm cũ sẽ bàn giao lại công việc cho người hành khiển năm mới, hai vị ấy nhìn xuống trần gian mỉm cười khi được nhà nhà người người "tống cựu nghinh tân". Mỗi năm, tôi lại được biết thêm về các con vật qua lời chỉ giải cặn kẽ của bố. Nhìn lên bức tranh "Cửu Long Quần Hội" treo trên tường, bố quay sang nói với tôi. Năm nay cầm tinh con rồng, trong quan niệm dân gian, rồng sinh chín con, nên gọi là Long sanh cửu tử, mỗi con có tên gọi riêng, có hình dáng và chức năng khác nhau. Bố nói tiếp, trong bức tranh nhà mình con thấy có một con rồng đầu đàn, tám con rồng còn lại đang hướng về phía rồng đầu đàn không, đó chính là sự tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới. Bố giải thích, con rồng đầu đàn được ví như người trụ cột gia đình, tức nhà có nóc, còn tám con rồng con như những thành viên trong nhà luôn đoàn kết, đồng lòng để xây dựng gia đình vững chắc.

Bức tranh chín con rồng đường bệ treo giữa phòng khách như lời nhắc nhớ của bố dành cho anh em chúng tôi. Đó như một thông điệp vượt không gian, thời gian, mãi mãi trường tồn. Rồi bố chỉ tay lên bức hoành phi kính cẩn treo giữa bàn thờ gia tiên. Bố chậm rãi đọc từng chữ cho anh em chúng tôi nghe "Hiếu nghĩa vi tiên".

Bố vỗ vai tôi nói sau này trưởng thành, hãy làm một người đàn ông trụ cột đúng nghĩa, phải duy trì đạo lý về tôn ti trật tự của nhà mình nghe con.

Bức tranh "Cửu Long Quần Hội" với lời giảng giải, dặn dò của bố năm nào mãi luôn theo tôi đến tận bây giờ

Bố tôi có thú chơi tranh Đông Hồ ngày Tết. Bố nói, thấy tranh Đông Hồ là thấy Tết ngay sát cửa. Mỗi bức tranh là một câu chuyện mà bố thường kể tôi nghe vào dịp này. Những tờ giấy điệp họa hồn dân tộc trên đó bởi một dòng tranh dân gian Việt Nam lâu đời. Tôi đắm chìm vào những điều bố kể, bố giảng giải. Có lần tôi ngây ngô hỏi bố, bố ơi Tết là gì? Bố tôi mỉm cười trả lời, Tết là dịp để tình thân trong gia đình thêm thắt chặt. Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn. Một năm bắt đầu bằng mùa xuân và Tết chính là dấu ấn đậm nét nhất khắc họa giây phút giao mùa. Mùa xuân gói Tết trong lòng để nở hoa yêu thương. Tết là dịp để ta ngưỡng vọng, tri ân cội nguồn, là dịp trả ơn người mình thọ ơn. Tết là dịp để ta được đi sâu vào hành trình văn hóa phong tục của dân tộc để thấy yêu hơn đất nước quê hương mình.

Ngày bố mãi rời xa anh em tôi, cuối năm ấy cây, đào phai trước nhà cứ nhạt nhòa với gió... Tôi rất nhớ bố, luôn khắc ghi những lời giảng giải của bố năm nào, TẾT LÀ ĐỂ YÊU THƯƠNG.

Hương Xuân đã chạm vào cánh cửa thời gian. Tiếng cựa mình của mầm non đang nhú, Xuân về òa cùng vào nỗi nhớ, ta nghe đâu đây dư âm Tết xưa cất gọi hai tiếng yêu thương… Mùa Xuân vẽ hoa vẽ thêm tóc mẹ ta màu trắng.

Tết là để yêu thương

Tôi yêu mùa Xuân, yêu nụ cười của mẹ, giá như mùa Xuân của mẹ cũng giống như mùa Xuân của đất trời, sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu, khi luôn có mẹ. Trong ảnh là tác giả và mẹ.

Lê Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xuan-sum-vay-tet-se-chia-tet-xua-cat-goi-tieng-yeu-thuong-196240220124638314.htm