Xuân Sơn giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững

Xã vùng cao Xuân Sơn, huyện Tân Sơn có hệ sinh thái đa dạng và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với diện tích rừng đặc dụng rộng hàng nghìn ha cùng những hang động, thác nước và cảnh quan đẹp, lưu trữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường, Dao. Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, địa phương đã định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Dịch vụ homestay phát triển, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.

Trên địa bàn xã hiện có 11 nhà nghỉ homestay đi vào hoạt động với 45 phòng khép kín và 12 phòng cộng đồng có khả năng phục vụ khoảng 700 lượt khách qua đêm. Năm 2023, xã đã đón gần 9.000 lượt khách đến tham quan, trong đó hơn 2.000 lượt khách lưu trú qua đêm. Loại hình du lịch cơ bản ở Xuân Sơn được chọn lựa và tập trung đầu tư, phát triển gồm: Du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, thăm quan hệ sinh thái hang động, hệ động thực vật tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Việc phát triển du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế, trở thành nguồn sinh kế đối với nhiều người dân trong xã.

Được xây dựng với lối kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mường, năm 2017, homestay Quỳnh Nga chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm homestay này đón hơn 100 đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, lưu trú.

Chủ homestay Quỳnh Nga, anh Hà Văn Quỳnh cho biết: “Trước kia, gia đình tôi bán hàng tạp hóa, thu nhập thấp. Từ khi địa phương định hướng phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, tôi chuyển sang xây dựng homestay với mong muốn góp phần cùng địa phương quảng bá hình ảnh Xuân Sơn và tăng thu nhập cho gia đình. Khách đến với homestay chủ yếu từ thủ đô Hà Nội và cũng có cả khách quốc tế. Từ đó, ngoài tự tạo việc làm cho tất cả thành viên trong gia đình, homestay còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng”.

Tranh thủ lợi thế thường xuyên đón khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư mở dịch vụ đi kèm, nhằm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trước kia, vợ chồng chị Nguyễn Thị Điệp ở khu Dù thường xuyên phải đi làm ăn xa, ai thuê gì làm nấy để lấy tiền nuôi ba con nhỏ ăn học. Năm 2022, gia đình chị Điệp cùng nhiều hộ dân trong khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai, sạt lở đất đã chuyển đến khu tái định cư mới và xây dựng nhà cửa khang trang.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà rộng hơn 100m2, chị Điệp chia sẻ: “Được ra nơi ở mới đường sá đi lại thuận tiện, bản làng sung túc hơn nên vợ chồng tôi quyết định mở cửa hàng cắt tóc, gội đầu phục vụ du khách thăm quan, một phần phục vụ khách địa phương. Không phải bươn chải nay đây mai đó, vợ chồng tôi hy vọng cửa hàng đông khách để có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập để không bị tái nghèo”.

Để thu hút ngày càng đông du khách đến với xã vùng cao Xuân Sơn, góp phần tích cực giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, nhà đầu tư thực hiện một số dự án: Dự án hỗ trợ, cải tạo, nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng khung tại xã Xuân Sơn; dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối tỉnh Hòa Bình... Năm 2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 35 tỉ đồng, đạt 111,7% so với kế hoạch.

Cùng với hạ tầng giao thông, xã còn quan tâm đầu tư điểm dừng chân đón khách, biểu tượng cổng chào làng du lịch cộng đồng, hệ thống biển tên, nhà văn hóa cộng đồng gắn với Trung tâm đón tiếp, quản lý điều phối hoạt động du lịch cộng đồng, tổ chức sự kiện... nhằm thu hút du khách.

Nhờ làm tốt công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đến nay thu nhập bình quân trong xã đạt 24 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,8%, cận nghèo giảm còn 22,5%, vượt kế hoạch đề ra.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/xuan-son-giai-quyet-viec-lam-de-giam-ngheo-ben-vung/203023.htm