Xuân Diệu nói chuyện thơ ở phố núi

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi rất mê thơ tình và yêu thích những nhà thơ như: Xuân Diệu, Hữu Loan, Nguyễn Bính… Và thật may mắn, sau ngày thống nhất đất nước (1975), ở miền sương gió Pleiku đầy mơ mộng, tôi được gặp những cây đại thụ trong làng thơ Việt, trong đó có Xuân Diệu.

\Nếu tôi nhớ không nhầm thì vào khoảng tháng 8-1976, tiết trời Tây Nguyên đang dịu mát mặc dù là mùa mưa, nhưng hôm ấy trời lại nắng ráo, buổi sáng có sương mờ giăng lối, đẹp và lãng mạn. Đúng dịp này, “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu đã... lạc bước đến Pleiku. Hồi đó, tôi đang theo học lớp sư phạm cấp tốc. Được thầy cô thông báo nghỉ học để nghe Xuân Diệu nói chuyện thơ, tôi và các bạn vô cùng háo hức. Buổi nói chuyện thơ hôm ấy diễn ra tại Trường Sư phạm (nay là Trường THPT Phan Bội Châu). Ngoài hàng trăm giáo sinh, thầy cô trong trường còn có khá đông người yêu thơ. Khán phòng chật kín như nêm, nhiều người phải đứng ngoài hành lang để được chiêm ngưỡng nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu.

Hồi học phổ thông, tôi đã nghe thầy giáo say sưa đọc và bình thơ Xuân Diệu. Thầy cho rằng, thơ Xuân Diệu là “vườn mơn trớn”, ca ngợi tình yêu bằng muôn sắc điệu, âm thanh và hương vị trong “Thơ thơ”, pha lẫn chút vị đắng cay trong “Gửi hương cho gió”… Từ đó, tôi và các bạn của mình hay ngâm ngợi “Yêu, là chết ở trong lòng một ít/Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?” hay như: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/Em, em ơi, tình non đã già rồi”. Và, cũng từ những câu thơ đầu đời ấy mà lòng tôi biết xốn xang khi nhìn thấy cô bạn xinh xinh ngồi chung một lớp.

Chúng tôi ngồi ngay ngắn trong hội trường chờ đợi. Nhà thơ Xuân Diệu bước vào trong những tràng pháo tay nồng nhiệt. Tôi nhìn ngắm nhà thơ. Trên gương mặt ông có chút phong trần, mái tóc vẫn bồng bềnh gợn sóng như trong tấm ảnh mà tôi được nhìn thấy trong sách. Sau lời giới thiệu của thầy Hiệu trưởng về Xuân Diệu, nhà thơ thong thả bước lên bục diễn thuyết. Những tiếng vỗ tay lại tiếp tục vang lên. Nhà thơ Xuân Diệu bắt đầu bài nói chuyện bằng những câu thơ giới thiệu gia thế của mình: “Cha ở đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/Ông đồ nho lấy cô hàng nước mắm/Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ/Nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang/Bà ngoại nói: tôi trọng người chữ nghĩa/Dám gả con cho cách tỉnh, xa đàng…”.

Rồi ông nói về quê mẹ của mình. Đó là miền sông nước Gò Bồi, thuộc Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định, là “cái nôi đầu tiên của văn học dân gian đã ru tôi ngủ và đánh thức tôi dậy với những thương mến bao la của quê hương thứ nhất: Quê má đẻ ra mình”… Ngày xưa, vạn Gò Bồi nổi tiếng với bến cảng Nước Mặn tấp nập thuyền bè qua lại buôn bán và nhiều tao nhân mặc khách cũng từng đến, trú ngụ nơi này như nhà thơ, nhà soạn tuồng Đào Tấn, nhà thơ Hàn Mặc Tử… Người thời ấy đã truyền tụng câu thơ: “Gò Bồi tiếp biển một dòng sông/Tôm cá tươi màu thuận gió đông/Cá thu sắp dãy, người chen chúc/Xuôi ngược thuyền ghe nước mấy dòng”. Còn đây là cách nói về quê mẹ đầy da diết, nhớ thương của nhà thơ Xuân Diệu: “Ôi miền Nam, miền Nam/Quê má, quê má yêu/Quê xinh đẹp trăm chiều/Ôi miền Nam, miền Nam/Ôi Bình Định, Quy Nhơn/Đâu yêu mến cho hơn/Nơi ta lọt lòng mẹ?”.

Sau những cảm xúc về quê ngoại, nhà thơ Xuân Diệu trở lại với sở trường “thơ tình” của mình. Ông bình bài “Biển” với giọng đọc ấm, pha chút Nghệ nhưng dễ nghe: “Anh không xứng là biển xanh/Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/Bờ cát dài phẳng lặng/Soi ánh nắng pha lê…”. Với nguồn thi hứng dồi dào, ông dùng ngôn từ đẹp đẽ bằng tình yêu chân thành: “Anh xin làm sóng biếc/Hôn mãi cát vàng em/Hôn thật khẽ, thật êm/Hôn êm đềm mãi mãi/Đã hôn rồi hôn lại/Cho mãi đến muôn đời/Đến tan cả đất trời/Anh mới thôi dào dạt”. Sau những lời bình sâu sắc, lôi cuốn, ông đọc lại những câu thơ trong niềm phấn khích. Và, những tràng pháo tay của khán giả đã khiến nhà thơ thêm phần hưng phấn. Xuân Diệu là người không thích ngâm thơ. Nhiều buổi nói chuyện thơ của ông, các nghệ sĩ ngâm thơ xin được ngâm phụ họa nhưng đều bị ông từ chối. Ông cũng nói thẳng rằng, thơ là một thứ cảm xúc đặc biệt, chỉ có người sáng tác ra nó mới chiêm nghiệm được hết vẻ đẹp của nó. Vì vậy, chỉ có chính họ mới đọc ra những câu thơ, những ngôn từ máu thịt của họ cho người nghe thẩm thấu đầy đủ.

Sau những bài thơ tình thấm đẫm của mình, ông tiếp tục nói về thơ Hồ Chí Minh với bài “Cảnh rừng Pác Bó”, “Cảnh rừng Việt Bắc”; rồi thơ Tố Hữu với “Từ ấy”, “Sáng tháng năm”… Nhà thơ cũng dành thời gian nói về nữ nhà thơ Blaga Dimitrova của Bulgary, người gắn bó và yêu mến Nhân dân Việt Nam trong chiến tranh. Ông đọc những câu thơ trong bài “Sức mạnh” của Blaga Dimitrova bằng lời dịch của chính mình: “Người càng lấy của ta, ôi vũ trụ/thì ta lại càng sở hữu được người/chưa bao giờ người thuộc về ta đến thế/Và đến lúc chính ta không sở hữu gì ta nữa/thì ngươi sẽ thuộc về ta đến bao nhiêu/vũ trụ ơi!”…

Chuyến đi Pleiku năm ấy, nhà thơ Xuân Diệu đã viết bài “Cảm ơn anh giáo Huế” (tức thầy giáo dạy văn cấp III Lê Nhược Thủy ở Pleiku, sau chuyển về công tác ở Báo Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh) với những câu thơ gắn với Lệ Cần khoai: “Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai…”.

Với tôi, đây là một kỷ niệm khó quên; là buổi nghe nói chuyện thơ đầy thú vị và đáng nhớ nhất trong đời mình.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/xuan-dieu-noi-chuyen-tho-o-pho-nui-post246233.html