Xu thế dòng tiền: Sẽ đến thời của các blue-chips ngoài ngân hàng?

Những tín hiệu điều chỉnh rõ nét ở nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua đã có lúc khiến VN-Index lao dốc mạnh nhất kể từ đầu năm 2024. Thị trường vẫn chưa xuất hiện các cổ phiếu/nhóm cổ phiếu khác đủ mạnh để thay thế và nếu nhóm ngân hàng tiếp tục điều chỉnh, rủi ro đối với VN-Index cũng tăng lên...

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Những tín hiệu điều chỉnh rõ nét ở nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua đã có lúc khiến VN-Index lao dốc mạnh nhất kể từ đầu năm 2024. Thị trường vẫn chưa xuất hiện các cổ phiếu/nhóm cổ phiếu khác đủ mạnh để thay thế và nếu nhóm ngân hàng tiếp tục điều chỉnh, rủi ro đối với VN-Index cũng tăng lên.

Dù đều đồng thuận trong việc đánh giá tác động của nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng đối với xu hướng chỉ số, các chuyên gia lại có cái nhìn khác nhau về ảnh hưởng từ mức độ điều chỉnh ở nhóm này. Khả năng phân hóa và cân băng khác nhau của từng mã trong nhóm được xem là cơ hội giữ ổn định cho chỉ số, nhất là khi một số mã điều chỉnh thêm chút nữa sẽ chạm tới ngưỡng hỗ trợ mạnh. Các chuyên gia đặt kỳ vọng vào sự trở lại của các blue-chips lớn ngoài nhóm ngân hàng – những cổ phiếu gần như đứng ngoài trong xu hướng tăng vừa qua.

Khả năng luân chuyển dòng tiền sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được kỳ vọng là động lực quan trọng để duy trì xu hướng tăng hiện tại. Mặc dù thông tin kết quả kinh doanh đã xuất hiện hết nhưng nhiều cổ phiếu vẫn chưa tăng nhiều ngay cả khi báo cáo lợi nhuận tốt. Vai trò dẫn dắt tập trung gần như “độc tôn” của cổ phiên ngân hàng tuy khá tương xứng với kết quả kinh doanh những cũng không thể duy trì mãi. Thị trường sẽ tạo kỳ vọng cho các cổ phiếu blue-chips khác trong thời gian tới.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có nhịp điều chỉnh rõ rệt và là nguyên nhân chính khiến VN-Index có phiên giảm mạnh ngày 31/1. Tuy nhiên 2 phiên cuối tuần nhóm này đã chững lại một chút. Với biên độ tăng mạnh vừa rồi, liệu nhịp điều chỉnh ở cổ phiếu ngân hàng đã xong?

Tôi thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ đi vào giai đoạn phân hóa và tạo nền tích lũy. Đồng thời, các “siêu” blue-chip như VNM, GAS, MSN, BVH, PLX, FPT, hay nhóm họ Vin… vẫn loanh quanh vùng đáy, thì kịch bản VN-Index có muốn chỉnh sâu cũng khó diễn ra. Khi nhóm ngân hàng dần mất đi sức ảnh hưởng thì có thể thúc đẩy dòng tiền luân chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác. Trong đó, nhóm “siêu” blue-chips có thể trở thành vùng trũng hút dòng tiền.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có vai trò dẫn dắt VN-Index không chỉ ở chiều tăng, mà cả trong những nhịp điều chỉnh nhỏ. Tuần giao dịch vừa qua thể hiện rõ vai trò đó, khi nguyên nhân chính khiến cho chỉ số này giảm mạnh vào ngày 31/1 là do nhóm ngân hàng điều chỉnh trở lại sau nhịp tăng mạnh.

Hiện tại, tôi thấy sức ép điều chỉnh lên nhóm ngân hàng có thể đã hạ nhiệt nhưng để lấy lại được sức bật mạnh và đồng thuận như nhịp tăng vừa qua thì có thể khó diễn ra trong ngắn hạn. Thay vào đó, nhóm cổ phiếu này có thể sẽ bước vào giai đoạn phân hóa, với chỉ một số ít cổ phiếu của nhóm quay lại ngay xu hướng tăng, còn phần lớn sẽ chuyển sang trạng thái vận động giằng co trong biên độ nhằm tạo nền tích lũy trước khi thực sự thể hiện xu hướng rõ ràng hơn.

Do vậy, vai trò dẫn dắt VN-Index của nhóm ngân hàng có thể sẽ giảm dần sau kỳ nghỉ Tết. Tôi cho rằng các “siêu” blue-chip như VNM, GAS, MSN, BVH, PLX, FPT, hay nhóm họ Vin… vốn gần như bất động ở giai đoạn vừa qua, có thể sẽ thể hiện vai trò lớn hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Cổ phiếu ngân hàng giai đoạn này phân hóa rất mạnh vẫn có những cổ phiếu khỏe không chỉnh như LPB, ACB, HDB và nhiều cổ phiếu cho dấu hiệu điều chỉnh mạnh như VPB, EIB, SHB, TPB,.. số khác ở trạng thái sideway. Nên để đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh xong hay chưa khá khó vì nhóm cổ phiếu mạnh điều chỉnh thêm 1-2 phiên nữa sẽ chạm vùng hỗ trợ mạnh và nảy hồi và nhóm cổ phiếu vẫn tăng hoặc sideway có thể điều chỉnh bù.

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Sau giai đoạn dẫn dắt chính cho chỉ số từ cuối năm ngoái, đà tăng của nhóm cổ phiếu Ngân hàng đã chững lại kể từ giữa tháng 1 và đã có những tín hiệu suy yếu từ thời điểm đó. Mặc dù vậy, nếu quan sát kỹ hơn thì một vài mã có mức độ điều chỉnh khác nhau so với mức đỉnh gần nhất được thiết lập. Vì vậy, tôi nhận định nhóm cổ phiếu này có thể sẽ tiếp tục vận động rung lắc giằng co trong những phiên sắp tới để lùi về, tích lũy ở vùng giá hợp lý hơn.

[Interactive]: Toàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 1/2024

Xu thế dòng tiền: Margin khủng, thanh khoản nhỏ - tiền vay không nhằm mục đích giao dịch?

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ còn quá sớm đến nói trước điều gì nhưng các cổ phiếu ngân hàng VIB, VPB, SHB, CTG, BID…đã và đang điều chỉnh ngoại trừ một vài mã như ACB, VCB, TCB… đang có vẻ kết thúc điều chỉnh ngắn. Nhìn chung diễn biến giai đoạn tới không chỉ phân hóa giữa các nhóm ngành mà kể cả trong từ ngành nghề cụ thể sẽ có mã tăng và mã điều chỉnh.

Ông Nguyễn Huy Phương - Phó phòng phân tích và tư vấn đầu tư, Chứng khoán Rồng Việt

Nhịp chỉnh sâu của nhóm Ngân hàng trong phiên 31/1 đã đưa nhóm này về gần vùng hỗ trợ, nên diễn biến chững lại trong 2 phiên vừa rồi cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, trong nhóm có diễn biến phân hóa giữa các cổ phiếu. Nhóm ngân hàng là nhóm cổ phiếu dẫn dắt trong đợt tăng trước nên khả năng được hỗ trợ khi điều chỉnh và hồi phục trở lại vẫn thể xảy ra. Do vậy tôi nghĩ diễn biến nhóm Ngân hàng có thể sẽ sôi động trở lại trong tuần tiếp theo.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường vẫn không tìm thấy nhóm cổ phiếu nào thay thế ngân hàng để có thể dẫn dắt khiến VN-Index có phiên phục hồi khá mạnh ngày 1/2 nhưng sau đó lại mất động lực khá nhanh trong ngày cuối tuần. FPT, GVR và vài mã vốn hóa trung bình khác tăng tốt nhưng không đủ cải thiện điểm số. Về mặt kỹ thuật anh chị đánh giá nhịp điều chỉnh này chỉ duy trì trạng thái VN-Index đi ngang như hiện tại hay có thể điều chỉnh sâu hơn?

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Về mặt kỹ thuật, tôi đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index có thể vận động trong tháng 2 tới. Với kịch bản đầu tiên, chỉ số nhiều khả năng sẽ đối mặt vùng cản 1.185 – 1.205 với áp lực rung lắc lớn, sau đó kỳ vọng có phản ứng hồi phục lại lùi về quanh ngưỡng hỗ trợ 1.145 (+-10).

Với kịch bản còn lại, chỉ số có thể duy trì quán tính tăng điểm để bứt phá qua ngưỡng 1.185 – 1.205, rồi sau đó mới xuất hiện áp lực điều chỉnh rõ nét hơn.

Tuy nhiên, dựa trên những yếu tố như việc thiếu đi nhóm cổ phiếu thu hút lực cầu, hiệu ứng lan tỏa ngắn hạn và phản ứng của phe bán tương đối quyết liệt tại sát các vùng cản, tôi cho rằng nhiều khả năng VN-Index sẽ vận động nghiêng về kịch bản đầu tiên hơn.

Ông Nguyễn Huy Phương - Phó phòng phân tích và tư vấn đầu tư, Chứng khoán Rồng Việt

Hiện tại tín hiệu tốt xấu đang đan xen khi giảm mạnh phiên 31/1 và hồi phục khá tốt phiên ngày 1/2. Do đó, trạng thái thị trường đang có sự cân bằng và cần đánh giá nỗ lực hỗ trợ của dòng tiền trong thời gian gần tới. Hiện tại, dòng tiền chưa mạnh nhưng nhìn chung đang có nỗ lực nâng đỡ nên thị trường vẫn có cơ hội tăng điểm sau trạng thái tranh chấp hiện tại.

Để đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh xong hay chưa khá khó vì nhóm cổ phiếu mạnh điều chỉnh thêm 1-2 phiên nữa sẽ chạm vùng hỗ trợ mạnh và nảy hồi và nhóm cổ phiếu vẫn tăng hoặc sideway có thể điều chỉnh bù.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi VN-Index khả năng cao sẽ diễn biến theo kịch bản điều chỉnh sâu hơn thay vì duy trì trạng thái đi ngang như hiện tại do:

i)VN-Index đi ngang 2 tuần nhưng xuất hiện 2 phiên nến đỏ với thanh khoản lớn và nhất là nến ngày hôm 31/01/2024 ngay vùng kháng cự là vùng đáy cũ tháng 8/2023.

ii)Thị trường đang thiếu dòng dẫn dắt, hầu hết các dòng lớn đều chỉ bùng nổ được từ 0.5-1 phiên sau đó thì suy yếu.

VN-Index khả năng cao cần một nhịp “test” lại vùng tích lũy giai đoạn cuối năm 2023 để có thể bật mạnh lên tiếp.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Thị trường vẫn đang tạm đứng trên mốc hỗ trợ mạnh 1.160 điểm và vận động quanh mốc 1.170 – 1.175 điểm. Tôi cho rằng nhịp tích lũy có thể kéo dài 2 - 3 phiên trước khi thị trường có thể bật tăng hướng lên khu vực 1.180 – 1.185 điểm.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Như đã chia sẻ ở trên, tôi thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ đi vào giai đoạn phân hóa và tạo nền tích lũy. Đồng thời, các “siêu” blue-chip như VNM, GAS, MSN, BVH, PLX, FPT, hay nhóm họ Vin… vẫn loanh quanh vùng đáy, thì kịch bản VN-Index có muốn chỉnh sâu cũng khó diễn ra.

Hơn thế, khi nhóm ngân hàng dần mất đi sức ảnh hưởng lên VN-Index thì có thể thúc đẩy dòng tiền luân chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác. Trong đó, nhóm “siêu” blue-chips có thể trở thành vùng trũng hút dòng tiền.

Do vậy, tôi đánh giá nhịp điều chỉnh tuần qua có thể chỉ là nhịp tạm nghỉ của VN-Index nhằm dịch chuyển dần vai trò dẫn dắt từ sự độc tôn của nhóm cổ phiếu ngân hàng sang vai trò đa dạng hơn ở các “siêu” blue-chips. VN-Index có thể vẫn còn một đợt tăng nữa sau giai đoạn “quá độ” này.

Diễn biến giai đoạn tới không chỉ phân hóa giữa các nhóm ngành mà kể cả trong từ ngành nghề cụ thể sẽ có mã tăng và mã điều chỉnh.

Ông Lê Đức Khánh

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường chỉ còn vài phiên nữa là nghỉ Tết nhưng thanh khoản tuần qua duy trì khá tốt khi tăng trở lại mức khớp lệnh trung bình HoSE và HNX khoảng 16.400 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền cá nhân đang mua ròng khá tích cực, dường như nhà đầu tư đang sẵn sàng tích lũy cổ phiếu với kỳ vọng nhịp tăng sau Tết? Anh chị đánh giá triển vọng ngắn hạn của thị trường sau kỳ nghỉ như thế nào, nhất là khi mạch thông tin kết quả kinh doanh đã kết thúc?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Nhìn về kỹ thuật với diễn biến hiện tại của VN-Index thì sau kỳ nghỉ Tết tôi thiên về quan điểm chỉ số sẽ có nhịp điều chỉnh nhẹ về vùng quanh 1.120 điểm để lấy đà bật tăng lên vùng cao hơn. Sau nhịp điều chỉnh này thị trường sẽ xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư đem lại hiệu quả lợi nhuận tốt.

Về cơ bản quý 4/2023 nhiều nhóm ngành có kết quả kinh doanh tốt nhất là nhóm Ngân hàng sẽ là động lực cho thị trường tăng tiếp trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tín hiệu tích cực trong tuần giao dịch vừa qua, không chỉ ở giá trị giao dịch duy trì tốt với hơn 16,4 nghìn tỷ đồng/phiên trên cả hai sàn, mà còn tới sự luân chuyển mạnh mẽ ở các nhóm cổ phiếu.

Ngay cả trong phiên giảm điểm mạnh 31/1 do nhóm ngân hàng giảm giá, thì thị trường vẫn có nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch sôi động. Và tiếp sau là nhóm khu công nghiệp, nhóm công ty con của tập đoàn hóa chất, nhóm bán lẻ, cảng biển…. Điều đó thể hiện dòng tiền trong thị trường ở trạng thái dồi dào.

Không những vậy, hiện tượng nhà đầu tư thận trọng trước kỳ nghỉ Tết như mọi năm đã không thể hiện rõ nét trong năm nay, khi mức điều chỉnh của VN-Index không nhiều, cũng như không hiếm cổ phiếu vẫn tăng vượt đỉnh lịch sử ngay trước kỳ nghỉ lễ.

Tôi đánh giá thị trường vẫn đủ mạnh để vượt qua giai đoạn trống vắng thông tin sau kỳ nghỉ lễ Tết, cũng như VN-Index có thể vẫn còn cơ hội đi lên trong ngắn hạn.

Trạng thái thị trường đang có sự cân bằng và cần đánh giá nỗ lực hỗ trợ của dòng tiền trong thời gian gần tới. Hiện tại, dòng tiền chưa mạnh nhưng nhìn chung đang có nỗ lực nâng đỡ nên thị trường vẫn có cơ hội tăng điểm sau trạng thái tranh chấp hiện tại.

Ông Nguyễn Huy Phương

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Thời điểm cơ cấu lại bộ chỉ số của HoSE và tỷ trọng nắm giữ các cổ phiếu của các quỹ ETF đầu năm nay diễn ra ngay sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, do đó nhiều khả năng việc thanh khoản duy trì ở ngưỡng tương đối tích cực trong một vài phiên gần đây có thể từ hoạt động mua/bán của các quỹ.

Dòng tiền hiện tại đang có sự tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ với biên độ tăng rộng, tuy nhiên thanh khoản không có quá nhiều sự đột biến, phần nào cho thấy xu hướng nắm giữ ngắn hạn, trading T+ hơn là nắm giữ qua Tết của nhà đầu tư. Ngoài ra, phiên đáo hạn phái sinh của tháng 2 diễn ra ngay vào phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, do đó nhiều khả năng trạng thái giao dịch của chỉ số sẽ có sự đột biến trước và ngay sau Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Huy Phương - Phó phòng phân tích và tư vấn đầu tư, Chứng khoán Rồng Việt

Mặc dù thị trường có đợt điều chỉnh và thận trọng trong thời gian gần đây nhưng động lực tăng điểm vẫn còn nhờ diễn biến tăng khá bền vững từ trước Tết Dương lịch vừa rồi. Do vậy, theo quan điểm cá nhân, thị trường sẽ nhận được tác động hỗ trợ từ đợt tăng trước và giúp thị trường duy trì trạng thái tăng ngắn hạn sau kỳ tết âm lịch.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ có lẽ thị trường vẫn đang trong giai đoạn vận động tích cực với nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản như hóa chất, công nghệ, bán lẻ, tài chính, cảng biển…thay phiên nhau tăng điểm. Kịch bản hồi phục và tăng điểm của thị trường chung hướng lên khu vực 1.180 – 1.200 điểm được nhiều nhà đầu tư mong chờ hơn cả.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Theo truyền thống khi kết thúc một năm, chúng ta thường nhìn lại những gì đã trải qua. Trong năm con Mèo, anh chị có những thời điểm để lỡ hay sai lầm nuối tiếc nào trong giao dịch?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Nhìn lại một năm đã qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có quá nhiều biến động, đảo chiều liên tục, với những cú “quay xe” rất mau lẹ theo chính sách tiền tệ trong nước cũng như trên thế giới. Chính vì thế đã tạo ra sức hấp dẫn của thị trường cũng như mở ra các cơ hội đầu tư tốt ở những cổ phiếu chất lượng cao.

Trong năm qua, dù đã có được mức lợi nhuận dương trong bối cảnh thị trường biến động nhưng tôi vẫn chưa thực sự hài lòng với những vị thế “sớm chốt lời”, và lấy làm tiếc khi chưa thể gạt bỏ được những “tiếng ồn” từ thị trường để nắm giữ các cổ phiếu chất lượng lâu hơn, với mức sinh lời cao hơn.

Năm mới 2024, thị trường vẫn còn nhiều thử thách nhưng cơ hội luôn song hành. Tôi tin rằng những điều bỏ lỡ trong năm cũ có thể sẽ được thực hiện trong năm mới này, và tôi hy vọng năm mới chúng ta sẽ có một năm đầu tư thành công hơn nữa.

Dòng tiền hiện tại đang có sự tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ với biên độ tăng rộng, tuy nhiên thanh khoản không có quá nhiều sự đột biến, phần nào cho thấy xu hướng nắm giữ ngắn hạn, trading T+ hơn là nắm giữ qua Tết của nhà đầu tư.

Ông Nghiêm Sỹ Tiến

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Theo thống kê hàng năm có rất nhiều siêu cổ phiếu tăng điểm rất mạnh cho dù thị trường biến động như thế nào. Thị trường biến động mạnh theo 2 giai đoạn khá rõ rệt và cơ hội nửa đầu năm đã rất tuyệt vời khi nhiều cổ phiếu đã tăng gấp 2 hoặc thậm chí gấp 3 lần trong khi giai đoạn cuối năm các cổ phiếu công nghệ, hóa chất có thể tận dụng được nhưng lại không tận dụng tốt cơ hội đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Có thể các cơ hội BMP, DRC, CSV, SZC… đã mang lại hiệu quả sinh lời tốt nhưng VIX, DBC, VTP, ACB, FPT, HAG …lại là những cơ hội không tận dụng được hiệu quả. Dù sao các cơ hội trên thị trường vẫn còn nhiều và để duy trì hiệu quả đầu tư ổn định qua từng năm vẫn là mục tiêu lớn hơn.

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Việc nuối tiếc nhất trong năm qua đó là chưa thực sự quản trị danh mục đủ tốt, với tỷ trọng nắm giữ các cổ phiếu đầu cơ/blue-chips và thời điểm ra vào thị trường chưa thực sự hợp lý trong một vài thời điểm đã khiến cho lợi suất không đạt được như kỳ vọng. Việc tập trung vào các cổ phiếu có câu chuyện, triển vọng rõ ràng với nền tảng cơ bản tốt khi chỉ số đang vận động giằng co, sideway sẽ giúp cho danh mục có hiệu suất vượt trội hơn khi thị trường bước vào xu hướng tăng điểm, và tránh được rủi ro giảm giá lớn khi thị trường điều chỉnh.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Trong lĩnh vực đầu tư luôn xuất hiện những lần quyết định sai lầm và mỗi lần đều có thể là một sai lầm mới. Trong năm con Mèo thì có một số sai lầm tôi sẽ đốc rút kinh nghiệm để tránh gặp trong năm con Rồng: i)Sử dụng đòn bẩy margin một số lúc còn chưa hợp lý; ii)Chốt lời sớm; iii)Một số thời điểm tôi còn hơi cố chấp quan điểm và chưa linh hoạt theo thị trường.

Ông Nguyễn Huy Phương - Phó phòng phân tích và tư vấn đầu tư, Chứng khoán Rồng Việt

Trong nhịp tăng mạnh từ cuối tháng 10/2023, quan điểm về thị trường của tôi không thay đổi kịp thời để bắt kịp trend hồi phục mạnh trong 1 tháng đầu tiên.

Nguyễn Hoàng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xu-the-dong-tien-se-den-thoi-cua-cac-blue-chips-ngoai-ngan-hang.htm