Xử phạt mạnh kinh doanh bất động sản trái luật

Cơ quan chức năng cần mạnh tay với các chủ đầu tư dự án xây nhà không phép, huy động vốn bằng các hình thức lách luật.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định khởi tố một vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ trong sai phạm xây lụi gần 500 căn nhà tại huyện Trảng Bom để điều tra. Trong khi đó, ở TP.HCM cũng có một loạt công ty địa ốc bị xử phạt nặng khi bán nhà trái luật.

Muôn kiểu kinh doanh bất động sản trái luật

Một trong những thông tin gây chú ý cho giới kinh doanh bất động sản (BĐS) gần đây là cuối tháng 5 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để điều tra làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án khu dân cư Tân Thịnh (thuộc xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) do Công ty CP Đầu tư LDG làm chủ đầu tư.

Chủ đầu tư dự án Celadon City và Công ty Khải Thịnh bị TP xử phạt vì bán nhà sai luật. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Chủ đầu tư dự án Celadon City và Công ty Khải Thịnh bị TP xử phạt vì bán nhà sai luật. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Trước đó, tháng 4-2023, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kết luận thanh tra về việc thanh tra toàn diện dự án khu dân cư Tân Thịnh. Theo kết luận thanh tra, năm 2016, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm dự án khu dân cư Tân Thịnh với diện tích khoảng 18,1 ha. Từ khi được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đến nay, Công ty LDG chưa thực hiện thủ tục trình Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, trạm y tế, khu thương mại dịch vụ và giáo dục.

Cũng trong tháng 5, chủ đầu tư dự án Celadon City (quận Tân Phú, TP.HCM) và Công ty Khải Thịnh cũng vừa bị UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt nặng vì bán nhà sai luật.

Công ty CP Gamuda Land đã ký hợp đồng mua bán căn hộ tại khu chung cư A5, thuộc dự án khu liên hợp TDTT và dân cư Tân Thắng (tên thương mại là Celadon City) khi chưa có văn bản của Sở Xây dựng TP thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê theo quy định. Số tiền phạt cho hành vi này là 900 triệu đồng, biện pháp khắc phục buộc hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định.

Tương tự, UBND TP cũng ra quyết định xử phạt Công ty CP BĐS Khải Thịnh 500 triệu đồng về hành vi kinh doanh BĐS không đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh.

Cần chế tài nặng hơn hành vi lách luật trong kinh doanh BĐS

“Trong việc huy động vốn để làm các dự án BĐS hình thành trong tương lai, các hình thức chiếm dụng vốn, huy động vốn trái quy định pháp luật thường được các chủ đầu tư áp dụng để lách như hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn, hợp đồng nguyên tắc…” - luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết.

Theo ông Cường, các chủ đầu tư thường né trách nhiệm khi huy động vốn bằng việc sử dụng các hợp đồng đặt cọc hay hợp đồng nguyên tắc góp vốn và cho rằng đây chỉ là hợp đồng dân sự, có sự đồng thuận của hai bên.

“Tuy nhiên, khi huy động vốn cho các dự án BĐS thì phải áp dụng theo Luật Kinh doanh BĐS (tức phải được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện được bán, cho thuê theo quy định…)” - ông Cường lý giải thêm.

Trên thực tế, vừa qua cơ quan chức năng tiến hành xử lý rất nhiều trường hợp huy động vốn trái luật. Điều này cho thấy dạng sai phạm này đang xảy ra rất phổ biến.

“Tuy nhiên, chỉ khi khách hàng có đơn trình báo hoặc tố giác gửi các cơ quan nhà nước thì cơ quan chức năng mới bắt tay vào xử lý. Như vậy cho thấy việc xử lý chưa thật sự sâu sát và đầy đủ” - ông Cường phân tích.

Cũng chính việc cơ quan chức năng chưa xử lý sâu sát nên các chủ đầu tư bất chấp kinh doanh trái luật. Do đó, cần có biện pháp ngăn chặn ngay từ khi các chủ đầu tư mở bán dự án, tránh để việc huy động vốn đã rồi mới ngăn chặn.

“Ngoài ra, mức xử phạt cũng chưa phù hợp, chủ đầu tư huy động cho dự án vài trăm tỉ đồng, hàng ngàn tỉ đồng nên nếu chỉ phạt vài trăm triệu đồng là chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với hành vi sai phạm. Tôi nghĩ nên tăng chế tài và có các biện pháp mạnh tay khác mới đủ sức răn đe với các chủ đầu tư” - ông Cường đề xuất.

TP.HCM kiên quyết chấn chỉnh xây dựng trái phép

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị 23-CT/TƯ ngày 25-7-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Cụ thể, sau gần bốn năm thực hiện, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn TP là 2.631 công trình; bình quân 1,9 vụ/ngày, giảm 6,6 vụ/ngày, tỉ lệ giảm là 77,8% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23 là 8,5 vụ/ngày.

Nếu tính riêng bốn tháng đầu năm 2023 thì tổng số công trình vi phạm là 110 công trình; bình quân số vụ vi phạm là 0,9 vụ/ngày, giảm 7,6 vụ/ngày, tỉ lệ giảm đến 89,2% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23 là 8,5 vụ/ngày.

Sở đề xuất UBND TP tiếp tục chỉ đạo chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn, Phòng Quản lý đô thị tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn…

Đối với các đối tượng vừa qua đã xây dựng và môi giới bán các công trình xây dựng không phép, sai phép với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho người mua và trật tự đô thị, đề xuất giao cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ và kết luận sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xu-phat-manh-kinh-doanh-bat-dong-san-trai-luat-post736553.html