Xử phạt đến 50 triệu đồng khi XNC mang quá số ngoại tệ, tiền... không khai báo

Người xuất nhập cảnh (XNC) bằng giấy thông hành hoặc giấy chứng minh biên giới nếu mang quá số ngoại tệ, tiền... cho phép mà không khai báo thì bị xử phạt với mức xử phạt cao nhất đến 50 triệu đồng.

Công chức Hải quan soi chiếu hành lý của khách XNC.

Thông tư 155/2016/TT-BTC hướng dẫn việc xác định ngoại tệ được phép và không được phép mang theo của người xuất nhập cảnh (XNC) bằng giấy thông hành hoặc giấy chứng minh biên giới được căn cứ vào quy định tại Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN7 ngày 17-3-2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nếu mang quá số ngoại tệ, tiền... cho phép mà không khai báo khi XNC bằng giấy thông hành thì bị xử phạt.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 3 Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN7 quy định, cá nhân khi nhập cảnh từ nước nào có mang tiền của nước ấy và đồng Việt Nam phải thực hiện khai báo Hải quan cửa khẩu theo quy định tại Điều 4 Quyết định này. Tại Khoản 2 quy định, cá nhân khi nhập cảnh có mang đô la Mỹ và các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trên mức 3.000 USD (ba nghìn đô la Mỹ) hoặc mang dưới mức 3.000 USD nhưng có nhu cầu mang lại số tiền này ra nước ngoài, cá nhân phải khai báo Hải quan cửa khẩu.

Cũng tại Điều 4 Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN7 quy định mức các cá nhân khi XNK mang tiền cụ thể: Đối với trường hợp qua cửa khẩu biên giới Việt Nam- Trung Quốc: 6.000 CNY (sáu nghìn Nhân dân tệ Trung quốc); 10.000.000 VND (mười triệu đồng Việt Nam). Đối với trường hợp qua cửa khẩu biên giới Việt Nam- Lào: 3.000.000 LAK (ba triệu kíp Lào); 10.000.000 VND. Đối với trường hợp qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - CămPuChia: 1.000.000 KHR (một triệu Riel Căm Pu Chia); 10.000.000 VND.

Điều 5 Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN7 nêu rõ, cá nhân xuất cảnh có mang tiền của nước có chung biên giới và đồng Việt Nam vượt mức quy định tại Điều 4 hoặc vượt quá mức mang vào đã khai báo Hải quan cửa khẩu khi nhập cảnh, phải xuất trình cho Hải quan cửa khẩu giấy phép do Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới hoặc chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh ủy quyền cấp; Cá nhân khi xuất cảnh có mang tiền của nước có chung biên giới và đồng Việt Nam vượt mức quy định tại Điều 4 nhưng không vượt quá mức đã mang vào kê khai Hải quan cửa khẩu khi nhập cảnh thì chỉ cần xuất trình cho Hải quan cửa khẩu tờ khai Hải quan đã kê khai khi nhập cảnh.

Tại Điều 9 Nghị định 127/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP quy định người XNC không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi xuất cảnh thì bị phạt tiền theo các mức tương ứng đã được quy định rõ.

Theo đó, Khoản 1, Điều 9 quy định: phạt tiền thấp nhất từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng Việt Nam và mức phạt cao nhất từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng Việt Nam trở lên mà không phải là tội phạm.

Cũng tại Khoản 2 Điều 9 quy định: Người nhập cảnh không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi nhập cảnh thì bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng Việt Nam; và cao nhất là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng Việt Nam trở lên mà không phải là tội phạm.

Tuy nhiên, nếu vi phạm quy định Khoản 2 Điều này mà số ngoại tệ tiền mặt, tiền Việt Nam bằng tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo thì phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với trường hợp số ngoại tệ tiền mặt, tiền Việt Nam bằng tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo có trị giá tương đương từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng Việt Nam; phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với trường hợp số ngoại tệ tiền mặt, tiền Việt Nam bằng tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng Việt Nam trở lên mà không phải là tội phạm.

Đặc biệt, tại Khoản 4 quy định, người XNC bằng giấy thông hành hoặc giấy chứng minh thư biên giới mang theo ngoại tệ tiền mặt thuộc diện không được mang theo mà không khai hoặc khai sai thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá tương đương dưới 50 triệu đồng Việt Nam. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này là từ 30 triệu đồng đến 50 đồng đối với trường hợp tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng Việt Nam trở lên mà không phải là tội phạm.

Điều này cũng quy định rõ người XNK mang theo kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng theo quy định phải phải khai hải quan khi XNC mà không khai hoặc khai sai thì bị xử phạt mức cao nhất là 50 triệu đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng Việt Nam trở lên mà không phải là tội phạm.

Để có hướng dẫn cụ thể các quy định tại Nghị định, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 155/2016/TT-BTC hướng dẫn việc xử lý vi phạm quy định về khai hải quan của người XNC đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý được quy định tại Điều 9 của Nghị định.

Theo đó, tại Điều 10 của Thông tư 155/2016/TT-BTC quy định, các hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 Nghị định áp dụng đối với trường hợp người XNC bằng hộ chiếu, giấy thông hành, giấy chứng minh biên giới vi phạm các quy định về khai hải quan hoặc vi phạm quy định về mang ngoại tệ tiền mặt thuộc diện không được mang theo khi làm thủ tục XNC. Các trường hợp mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý trái phép khác qua biên giới thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định.

Việc xác định ngoại tệ được phép và không được phép mang theo của người XNC bằng giấy thông hành hoặc giấy chứng minh biên giới được căn cứ vào quy định tại Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN7 ngày 17-3-2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt đối với cá nhân XNC bằng giấy thông hành XNC hoặc giấy chứng minh biên giới để xác định.

Trị giá tang vật vi phạm là trị giá sau khi đã trừ đi trị giá ngoại tệ, vàng, tiền Việt Nam không phải khai hải quan theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đối tượng vi phạm đã xuất cảnh, không để lại địa chỉ cụ thể thì cơ quan Hải quan vẫn thực hiện việc ra quyết định xử phạt theo quy định, phối hợp với Sở Ngoại vụ gửi quyết định xử phạt cho đối tượng bị xử phạt qua Đại sứ quán hoặc cơ quan, Lãnh sự của nước đối tượng vi phạm mang quốc tịch để thực hiện; trường hợp không giao được quyết định xử phạt thì tang vật vi phạm xử lý theo khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xu-phat-neu-mang-qua-so-ngoai-te-tien-khong-khai-bao-khi-xnc.aspx