Xử lý yếu tố đầu cơ vàng cần được thực hiện một cách mạnh mẽ

Thị trường vàng vẫn là tâm điểm khi các giải pháp đưa ra chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Theo SSI Research, trong điều kiện nguồn cung bị hạn chế, việc xử lý yếu tố đầu cơ cần phải được thực hiện mạnh mẽ, trong đó cần đưa ra một mức mục tiêu cụ thể đối với mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Cần có mục tiêu cụ thể về mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua của SSI Research cho biết, tâm điểm thị trường đến từ mức bật tăng của giá vàng SJC, khi tăng tới 8% trong một tuần (trong khi giá vàng nhẫn và giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 3% trong tuần qua). Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới đã bị nới rộng ra gần 20 triệu đồng/lượng và việc thực hiện đấu thầu vàng không đem lại kết quả.

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, trong điều kiện nguồn cung bị hạn chế (Nghị định 24/2012/NĐ-CP chưa được sửa đổi và việc tăng nhập khẩu vàng cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới tỷ giá), việc xử lý yếu tố đầu cơ cần phải được thực hiện mạnh mẽ, trong đó cần đưa ra một mức mục tiêu cụ thể đối với mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Trên thị tường ngoại hối trong nước tuần qua, tỷ giá VND/USD liên ngân hàng tăng nhẹ 0,15% lên lại vùng đỉnh lịch sử (25.450 đồng). Ngược lại, tỷ giá niêm yết của VCB và tự do giao dịch cân bằng hơn và không có nhiều thay đổi so với tuần trước đó, đóng cửa lần lượt ở 25.480 VND và 25.750 VND.

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, nhìn chung, áp lực với tỷ giá đã hạ nhiệt hơn sau những tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra hay các số liệu về nguồn cung ngoại tệ tích cực (FDI 4 tháng giải ngân đạt 6,3 tỷ USD hay cán cân thương mại 4 tháng đầu năm thặng dư 9 tỷ USD).

Tuy nhiên, yếu tố mùa vụ (doanh nghiệp FDI thường có xu hướng chuyển lợi nhuận về nước trong quý II và quý III) có tác động kém tích cực tới tỷ giá. Do vậy, “chúng tôi kỳ vọng tỷ giá VND/USD vẫn sẽ có biến động mạnh trong thời gian tới, trước khi hạ nhiệt về cuối năm” - Chuyên gia của SSI Research cho hay.

Lãi suất huy động đã bắt đầu nhích tăng

Cũng theo báo cáo thị trường tiền tệ của SSI Research, trong tuần trước, thanh khoản hệ thống tiếp tục ở trạng thái ổn định mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rút ròng gần 119,7 nghìn tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở. Cụ thể, chỉ có 7,3 nghìn tỷ đồng trên kênh mua kỳ hạn được sử dụng, ở kỳ hạn 7 ngày và lãi suất trúng thầu là 4,25% trên tổng số 118,4 nghìn tỷ đồng đáo hạn.

Đồng thời, NHNN gia tăng lượng phát hành trên kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày lên 33,94 nghìn tỷ đồng trên tổng số 25,25 nghìn tỷ đồng đáo hạn. Tính đến hết phiên ngày thứ 6, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành tăng lên 65,15 nghìn tỷ đồng và khối lượng lưu hành trên kênh mua kì hạn giảm mạnh về chỉ còn 7,3 nghìn tỷ đồng.

Tương tự, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm có một tuần không có nhiều biến động và chốt phiên giao dịch ngày 10/5 ở 4,22%, giảm 6 điểm cơ bản so với tuần trước đó. Chênh lệch lãi suất VND-USD vào khoảng 100 điểm cơ bản. Trong tuần này, khối lượng đáo hạn trên kênh tín phiếu và mua kỳ hạn không quá đột biến, lần lượt là 13,1 nghìn tỷ đồng và 7,3 nghìn tỷ đồng.

Ngược lại, lãi suất huy động trên thị trường 1 đã bắt đầu nhích tăng ở hầu hết các kỳ hạn, với mức tăng phổ biến là từ 10 đến 50 điểm cơ bản. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi hơn dành cho sản phẩm gửi tiền trực tuyến (cao hơn sản phẩm gửi tại quầy khoảng 10 – 50 điểm cơ bản).

“Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng dành cho khách hàng cá nhân vào khoảng 4,8 – 5,4%, đang thấp hơn khoảng 20-30 điểm cơ bản so với cuối năm 2023. Lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức hiện chỉ mới tăng nhẹ ở một số ngân hàng thương mại khác, đang niêm yết ở vùng 4,2% - 5,2% cho kỳ hạn 12 tháng” - SSI Research cho biết.

Trong tuần trước Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) và Anh (BoE) đều có quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 5, trong khi biên bản cuộc họp tháng 4 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy các thành viên hội đồng đang theo dõi chặt chẽ tác động của đồng Yên lên lạm phát. Điều này khiến thị trường bắt đầu có đánh giá BoJ có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến và giảm lượng mua trái phiếu.

Đồng USD, thông qua chỉ số DXY gần như không có nhiều biến động mạnh trong tuần qua và chốt tuần tăng 0,3%. JPY (-1,8%) tiếp tục mất giá mạnh so với USD và các đồng tiền trong khu vực châu Á cũng đều giảm giá nhẹ so với USD như KRW (-0,37%), TWD (-0,19%) hay THB (-0,13%).

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xu-ly-yeu-to-dau-co-vang-can-duoc-thuc-hien-mot-cach-manh-me-150814.html