Xử lý vi phạm về đê điều: Kiểm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Để bảo đảm an toàn hành lang và các tuyến đê, năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, TP có tuyến đê đi qua tập trung các biện pháp xử lý dứt điểm vi phạm. Đến nay, các địa phương đã giải quyết được gần 80% số trường hợp vi phạm.

Xử lý 118 trường hợp vi phạm

Năm 2022, các ngành, địa phương của tỉnh giải quyết, xử lý 90 vụ vi phạm về đê điều và bến, bãi chất tải, kinh doanh vật liệu xây dựng. Song do nhiều nguyên nhân, đến hết năm 2022, toàn tỉnh vẫn còn 125 trường hợp vi phạm chưa xử lý xong; ngoài ra còn có 25 trường hợp vi phạm mới phát sinh trong năm 2023.

Bến, bãi vật liệu xây dựng của hộ ông Nguyễn Duy Sỹ (Yên Dũng) đã dừng hoạt động. Ảnh chụp ngày 21/11/2023.

Trước tình trạng này, ngày 28/2/2023, UBND tỉnh đã có văn bản 797/UBND-KTN yêu cầu các địa phương là: Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam và TP Bắc Giang xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm đê điều.

Yêu cầu trong năm 2023, các địa phương tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm cũ, trong đó có 94 vi phạm về đê điều và 31 vi phạm liên quan bến, bãi chất tải, kinh doanh vật liệu xây dựng. Đối với các vi phạm phát sinh sau khi có văn bản này, UBND các huyện, TP bổ sung vào kế hoạch, tập trung xử lý dứt điểm, kiên quyết không để tồn tại. Kế hoạch đề ra đến hết 30/6 phải xử lý xong các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, việc thực hiện tại các địa phương không đạt tiến độ đề ra. Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến ngày 27/9, các địa phương mới xử lý xong 89/125 trường hợp vi phạm cũ, đạt 71,2% kế hoạch. Một số địa phương đã xử lý dứt điểm các vi phạm đê điều là huyện Hiệp Hòa, xử lý xong 41/41 trường hợp; Tân Yên 13/13 trường hợp. Các huyện còn nhiều vi phạm chưa xử lý là Việt Yên, Lục Nam, Yên Dũng; trong đó riêng Việt Yên còn 11 trường hợp cũ và 6 trường hợp mới phát sinh trong năm 2023 chưa xử lý xong.

Để bảo đảm xử lý triệt để các vi phạm, UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tổ chức đợt cao điểm tập trung xử lý vi phạm đê điều xong trước ngày 30/10/2023. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Việt Yên chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với Hạt Quản lý đê Việt Yên thành lập tổ công tác làm việc, đôn đốc, hỗ trợ các xã có nhiều vi phạm như Quang Châu, Tiên Sơn, Ninh Sơn.

Yêu cầu chủ các bến bãi vi phạm di chuyển vật liệu, tháo dỡ công trình, di dời máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực bãi sông thuộc tuyến đê tả Cầu. Kết quả, đến ngày 31/10, huyện Việt Yên đã xử lý xong 15/17 trường hợp. Riêng 2 trường hợp thuộc xã Tiên Sơn là gia đình ông Nguyễn Trọng Khoa xây nhà cao tầng và bà Nguyễn Thị Viễn xây nhà cấp bốn trên hành lang đê, cơ quan chuyên môn đang phối hợp với xã thiết lập hồ sơ xử lý.

Đến nay, toàn tỉnh còn 23/125 trường hợp vi phạm cũ chưa xử lý xong. Đối với các vi phạm mới phát sinh, đến 31/10, các huyện, TP đã xử lý được 16/25 trường hợp.

Tại huyện Yên Dũng, tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện đã xử phạt 40 triệu đồng đối với ông Nguyễn Duy Sỹ, thôn Đông Tiến, xã Hương Gián, chủ một bãi tập kết vật liệu xây dựng với lỗi khoan giếng cách chân đê 10 m và tập kết vật liệu xây dựng trên bãi sông khi chưa được cấp phép. Hiện ông Sỹ đã dừng hoạt động tại bãi theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn, đồng thời di dời hàng trăm khối cát, sỏi đi nơi khác.

Với sự tập trung xử lý quyết liệt của chính quyền và ngành chức năng, đến nay, toàn tỉnh còn 23/125 trường hợp vi phạm cũ chưa xử lý xong. Đối với các vi phạm mới phát sinh, đến ngày 31/10, các huyện, TP đã xử lý được 16/25 trường hợp.

Đồng bộ các giải pháp

Thời điểm này, các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm, hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành; phấn đấu giải quyết xong vi phạm trước ngày 30/12/2023. Cùng đó, chỉ đạo các phòng chuyên môn, hướng dẫn các chủ bến bãi nằm trong quy hoạch, hoàn thiện thủ tục đề nghị xin cấp phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định; yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới hoặc tái vi phạm.

Một số địa phương đã vận động nhân dân lắp camera giám sát trên đê, áp dụng hình thức xử phạt qua hình ảnh với trường hợp đổ trộm đất, chất thải rắn lên mái đê, xây dựng công trình lấn chiếm và các vi phạm khác trên hành lang đê; phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát các tuyến đê. Ông Khổng Văn Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin, đơn vị chỉ đạo lực lượng chuyên trách quản lý đê điều thủy lợi thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình để phát hiện sớm các vi phạm, lập biên bản kiến nghị các cấp chính quyền xử phạt theo quy định.

Khảo sát tại một số tuyến đê có các bến bãi vi phạm cho thấy, chủ bến đã lấp dốc, cắm barie ngừng hoạt động, song phần lớn chưa giải tỏa hết máy móc, vật liệu xây dựng. Nguyên nhân do trước đó các chủ bến mua số lượng lớn cát, sỏi, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, suy thoái kinh tế khiến vật liệu tiêu thụ chậm, chưa tìm được địa điểm khác để chuyển hàng sang.

Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong đợt bình xét thi đua cuối năm nay, Chủ tịch UBND các huyện, TP xem xét đánh giá, kiểm điểm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra vi phạm tồn tại kéo dài, tái diễn vi phạm mà chưa xử lý dứt điểm hoặc để vi phạm mới phát sinh. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chỉ đạo, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn quản lý.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục theo dõi, đôn đốc kết hợp với kiểm tra kết quả thực hiện của các huyện, TP; xem xét, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh hình thức xử lý đối với địa phương không hoàn thành nhiệm vụ. Những giải pháp quyết liệt nói trên nhằm góp phần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm; nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý, bảo vệ an toàn hành lang và các tuyến đê, phòng ngừa thiên tai trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/415343/xu-ly-vi-pham-ve-de-dieu-kiem-ro-trach-nhiem-nguoi-dung-dau.html