Xử lý ô nhiễm hồ Trúc Bạch bằng quy trình tổng hợp

Sau một thời gian chuẩn bị về mọi mặt, Bộ KH-CN phối hợp với UBND TP Hà Nội chính thức xử lý ô nhiễm hồ Trúc Bạch. Các chuyên gia hy vọng sau khi nước hồ được làm sạch, với sự tham gia của cộng đồng, nguy cơ tái ô nhiễm sẽ được khắc phục…

Hồ Trúc Bạch có diện tích 22ha, là nơi xả nước trực tiếp của các phố: Phó Đức Chính, Châu Long, Ngũ Xã, Phạm Hồng Thái, Đặng Dung, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Biểu, Trấn Vũ... Theo đánh giá của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hồ Trúc Bạch đang trong tình trạng ô nhiễm nặng, hầu hết các chỉ số ô nhiễm đo được đều vượt từ hàng chục đến hàng trăm lần so với tiêu chuẩn. Nguyên nhân chính là do hồ Trúc Bạch phải nhận một lượng nước thải chưa qua xử lý quá lớn. Nguồn nước chảy qua mương Ngũ Xã vào hồ bị ô nhiễm bởi những cơ sở sản xuất nhôm, nhà máy nước, cống nước của các hộ dân sống trên lưu vực này thải trực tiếp vào hồ. Nước thải khi chảy vào hồ có màu trắng vàng, mặt nước liên tục sủi bọt đen, bốc mùi hôi thối… Để xử lý ô nhiễm, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và Công ty CP Xanh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình tổng hợp và ứng dụng xử lý ô nhiễm nước hồ Trúc Bạch”, gồm các nhóm giải pháp: Sử dụng công nghệ khoáng hoạt hóa nhằm tăng cường hoạt động của vi sinh vật trong quá trình phân hủy các chất ô nhiễm; bổ sung các vi sinh vật có ích để tạo ra sự đa dạng sinh vật trong nước và lớp bùn đáy; thiết kế trồng và chăm sóc cây thủy sinh; tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường… TS Nguyễn Phú Tuân, Giám đốc Công ty CP Xanh cho biết, đây là công nghệ áp dụng một hệ thống các giải pháp kỹ thuật. Trước hết phải xử lý nước cho sạch tảo, giảm mùi và làm nước trong trở lại, để thực vật thủy sinh có thể sống được. Để đạt mục tiêu này, các nhà khoa học sẽ sử dụng hoạt chất LTH79 (chế phẩm đã được đăng ký bản quyền do một nhóm các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất) nhằm diệt tảo, kích hoạt vi sinh vật tầng bùn đáy hoạt động. Sau đó, dùng hệ thống bơm hoạt tính (là công nghệ rất mới của thế giới) giúp tăng khả năng oxy hóa khử của nước, chuyển nước từ H2O thành H2O5. Sau những công đoạn này sẽ dùng thực vật thủy sinh, bồn hoa, bồn cây thả trên hồ, làm trong dòng nước… Theo TS Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KH-CN, việc xử lý hồ sẽ được tiến hành trong khoảng 15-20 ngày và duy trì từ 18-24 tháng. Sau khi xử lý, toàn bộ công nghệ, thiết bị sẽ được bàn giao cho cơ quan quản lý hồ Trúc Bạch sử dụng. Trong quá trình đó, Bộ KH-CN và các nhà khoa học thuộc Công ty CP Xanh sẽ đánh giá kết quả xử lý. “Theo tôi, với sự tham gia của cộng đồng thì khả năng tái ô nhiễm hồ Trúc Bạch gần như không có”, TS Nguyễn Văn Lạng nhấn mạnh. Các nhà khoa học cũng hy vọng, công nghệ này sẽ đáp ứng yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm nước hồ trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và tiến tới đạt 60% các chỉ số về chất lượng nước mặt sau 18 tháng xử lý. Riêng ở Hà Nội, công nghệ này đã được áp dụng để xử lý thành công ô nhiễm ở Hồ Văn (khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám), Hồ Quỳnh, hồ Xã Đàn, hồ Ngọc Khánh, kênh nước Mỹ Đình và hiện đang áp dụng để xử lý ô nhiễm một số hồ trên địa bàn quận Hà Đông TRẦN LƯU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khoahoc_congnghe/2010/9/238483/